Việc viết chữ từ trên xuống dưới hay dưới lên trên, từ trái sang phải hay phải sang trái vốn là không có quy định cụ thể, đều phụ thuộc vào từng dân tộc ở thời điểm khởi nguyên của việc ghi chép, và cũng phụ thuộc vào công cụ dùng để ghi chép. Người phương Đông cổ xưa viết chữ theo trình tự từ trên xuống dưới và từ phải sang trái đều là có lý do.

Thời cổ đại, người phương Đông ở thời kỳ sớm nhất là dùng mai rùa, xương động vật, vách đá… để khắc chữ. Dựa vào các văn vật lịch sử khai quật được, người ta xác định rằng người cổ đại viết chữ có trình tự và phương hướng không cố định. Vào thời nhà Ân, khi viết chữ Giáp cốt tuyệt đại đa số là từ trên xuống dưới, có văn tự là viết từ trái sang phải và cũng có văn tự là viết theo hướng từ phải sang trái. Đó là bởi vì khi dùng mai rùa, xương… để làm vật liệu khắc chữ thì việc khắc từ bên trái sang bên phải hay bên phải sang bên trái là không tạo thành ảnh hưởng lớn.

Viet chu trai phai 01
(Ảnh: BabelStone, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Sau này người ta mới viết chữ trên thẻ tre trúc và thẻ gỗ. Việc sử dụng thẻ tre, thẻ gỗ được lưu hành từ thời Đông Chu đến thời Ngụy Tấn. Cũng có ghi chép cho rằng nó xuất hiện từ thời nhà Ân. Thẻ tre được tìm thấy khi khai quật mộ Tăng Hầu Ất thời Chiến Quốc ở huyện Tùy, Hồ Bắc và muộn nhất là thời kỳ Ngụy Tấn.

Thời cổ đại, người ta dùng thẻ tre, gỗ làm sách một cách rất phổ biến. Từ các loại công văn hồ sơ đến các loại thư tín của cá nhân, các bản sao lục, lịch, nhạc… đều chép trên công cụ này.

Mỗi một thẻ tre có bề rộng chừng 1cm và được viết thành một hàng chữ dọc. Bởi vì các thẻ có thể có độ dài ngắn khác nhau nên số lượng từ cũng khác nhau. Ngoài ra còn có một loại thẻ tre có bề rộng chừng 2cm, trên mỗi thẻ này được viết hai hàng chữ dọc. Loại thẻ này được gọi là “Lưỡng hàng”. Thẻ gỗ thông thường rộng hơn thẻ tre “Lưỡng hàng”, có thể rộng đến 6cm, trên thực tế đã có hình tấm bản nên còn được gọi là “Thư bản”.

Các thẻ thông thường được kết lại thành sách bởi các dây tơ hoặc dây gai. Người ta kết thẻ thành sách trước, sau đó mới viết chữ lên thẻ, chỗ bên ngoài dây thì để trống, không viết. Thẻ tre được kết thành tấm và được cuộn tròn thành cuốn sách (giống như các tấm mành tre, trúc ngày nay). Ngay bản thân chữ sách (册) cũng có hình tượng của các thẻ tre, thẻ gỗ.

Việc chế tác thẻ tre và thẻ gỗ là phức tạp. Hơn nữa, số lượng từ viết trên thẻ chỉ hữu hạn, không được nhiều, mang theo người là không tiện. Cho nên đến thời Tần Hán thì lụa mỏng trở thành vật liệu trọng yếu nhất để viết chữ. Người ta dùng lụa mỏng để viết thành sách, gọi là “sách lụa”.

Về sau kỹ thuật tạo giấy xuất hiện và không ngừng được cải tiến thì thẻ tre trúc, thẻ gỗ dần dần bị bãi bỏ. Giấy trở thành vật liệu quan trọng nhất, phổ biến nhất để viết chữ.

Nguyên nhân người phương Đông thời xưa viết chữ từ phải sang trái
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Nói riêng về hướng viết thì sau khi thẻ tre, thẻ gỗ trở thành vật liệu viết chữ thì hướng viết mới dần dần được cố định lại. Viết dọc từ trên xuống là vì những thẻ tre, gỗ đều dài và hẹp nên chỉ có thể chứa được một hàng chữ, dùng bút lông viết từ trên xuống thì sẽ thuận đường đưa bút.

Ngày xưa, người ta dùng tay trái cầm bó thẻ, hoặc để trên bàn, tay phải viết từ trên xuống dưới dọc theo thẻ. Viết hết một thẻ thì gập thẻ đó sang bên phải và viết tiếp vào thẻ bên cạnh. Người ta viết lần lượt từ xa đến gần tay trái như vậy cho đến khi hết. Cách viết này là để cho khi mở cuốn sách thì thuận theo tự nhiên là tay phải nâng vật nặng dễ hơn nên tay phải sẽ cầm cuốn sách, tay trái mở sách.

Đây là nguyên nhân khiến cổ nhân viết theo hướng từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Sau này khi có sự du nhập của văn minh phương Tây thì người phương Đông mới viết theo hướng ngang, từ phải sang trái.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: