Suy ngẫm và đọc sách hay cũng có thể nói vừa đọc sách vừa suy ngẫm chỉ có thể diễn ra khi nào? Ấy là khi con người ta ở vào trạng thái thong thả. Khi bận rộn quá mức con người sẽ hoặc là hành động thuần túy theo bản năng hoặc hành xử theo một thói quen bị áp đặt và lập trình. Trường học và cuộc sống trường học ở Việt Nam hiện tại đang cuốn học sinh các cấp vào một đua chạy vòng quanh với gia tốc ngày càng lớn khi học sinh học cao lên.

Sớm nữa!
Nhiều nữa!
Nhanh nữa!
Điểm cao nữa!
Vào trường top cao hơn nữa!

Là những tiếng thét dội vào tai trẻ từ khi mới vào học mầm non.

Thế nên học trước chữ cái, chữ số, học tiếng Anh thật sớm trở thành một trào lưu bất chấp thiên hướng, khả năng, sở thích của trẻ.

Khi vào từ lớp một thì luyện chữ đẹp, luyện viết văn, làm bài tập toán, làm bài tập tiếng Anh triền miên.

Vì sợ con mình không theo được, và cũng có sự pha trộn của tham vọng, phụ huynh cũng lao vào cuộc đua. Học ở nhà, học ở trường, học ở trung tâm, học ở nhà thầy cô…

Quay cuồng trong… học.

Nhưng nếu bình tĩnh mà nhìn và suy xét thì thấy cái sự học đó có thật sự là học không?

Bản chất của việc học là tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin kết hợp với cảm xúc, trải nghiệm của bản thân để rồi cho ra kết quả thỏa mãn trí tò mò, thỏa mãn cái mong ước muốn làm rõ cái gì đó mình khao khát muốn đạt tới, muốn chiếm lấy. Nhưng cách học lấy trọng tâm là truyền đạt, diễn đạt các tri thức viết trong sách giáo khoa theo cách thức “rót nước vào bình” thông qua ngôn ngữ và luyện giải các đề để phục vụ thi, kiểm tra lặp đi lặp lại đã làm cho từng học sinh trở thành cái máy.

Học theo phương thức đó thì tư duy phê phán, sáng tạo và lòng ham học để thỏa mãn trí tò mò bị bào mòn. Thay vào đó là tư duy học để trả bài. Sinh hoạt trường học gói gọn lại trong “truyền đạt tri thức sách giáo khoa”, “luyện thi”, “giải đề”. Học sinh không có không gian, cơ hội để trải nghiệm cuộc sống trường học đúng nghĩa – nơi vừa là đời sống xã hội thực vừa là một môi trường sư phạm có tính toán để chuẩn bị cho tương lai.

Kết quả là học sinh và cả giáo viên không có nhu cầu đọc thậm chí là trong tư duy coi việc đọc sách đối lập với việc học. Nhiều phụ huynh và giáo viên cảm thấy không thoải mái khi con em mình đọc sách. Vị trí và sự tồn tại thấp kém của thư viện ở trường học phản ánh khá khách quan thực trạng này.

Thư viện có cũng như không là vì thế!

Nhìn vào lịch sử sẽ thấy, sách vở được viết ra, được đọc, và con người suy tư, sáng tạo nhiều hơn khi con người bắt đầu có sự thong thả. Đó là khi họ sống định cư quần tụ lại nhờ vào nghề nông nghiệp. Vật chất dư dả hơn, có những tầng lớp, nhóm người tách ra khỏi sản xuất và có thời gian ngẫm nghĩ và đọc. Sau đó thành thị xuất hiện với sinh hoạt thị dân tách khỏi sản xuất trực tiếp đã làm cho văn hóa đọc phát triển vượt bậc.

Vào trường học ở Việt Nam chỗ nào cũng thấy hối hả mà không thấy có sự thong dong.

Lẽ ra vào trường phải thấy ở chỗ này chỗ kia, dưới nắng vàng học sinh thong dong ngồi đọc sách. Cũng như vào một thành phố nào đó người ta phải thấy ở công viên, quảng trường, bến xe có những người ôm sách đọc như thể lãng quên cuộc đời thực ở quanh.

Việc học không gắn với đọc và không dựa trên nền tảng đọc, suy ngẫm, trải nghiệm thì sẽ không đi đến đâu.

Cách thức vận hành trường học như hiện tại không hỗ trợ tốt cho thói quen đọc sách của học sinh khi học sinh học theo kiểu tìm ra đáp án đúng-sai thuần túy cho mỗi đề bài.

Vì thế về lâu dài cần phải cải cách đời sống trường học.

Việc có thể làm ngay được là phụ huynh ý thức được vấn đề để tạo ra cho con có thời gian thong thả. Thời gian đó dành cho việc rèn luyên thể chất, trải nghiệm đời sống và đọc sách.

Một đứa trẻ chỉ biết học để có điểm cao, đỗ vào các trường chuyên, lớp chọn rồi vào trường đại học “top” mà không biết đọc hay không có ý thức rõ rệt về việc đọc sẽ không thể đi xa trong chặng đường dài.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: