Airbus hôm thứ Năm (21/3) đã nhận được đơn đặt hàng 65 máy bay từ hai khách hàng lớn ở châu Á của Boeing. Đây là một bước đột phá lớn đối với công ty châu Âu vào thời điểm đối thủ Boeing của Mỹ đang phải vật lộn với những lo ngại về an toàn sau khi một tấm cửa bị bung ra giữa chuyến bay trên chiếc 737 MAX 9 vào tháng Một.

Airbus
Máy bay Airbus. (Ảnh minh họa: Michael Weinold/ Wikimedia)

Japan Airlines (JAL) cho biết sẽ mua 21 máy bay thân rộng A350-900 và 11 máy bay thân hẹp A321neo từ Airbus.

Đây sẽ là lần đầu tiên Airbus cung cấp máy bay một lối đi cho một khách hàng lâu năm của Boeing. Mặc dù Airbus lần đầu tiên bán máy bay A350 cho JAL vào năm 2013 nhưng JAL có truyền thống là khách hàng của Boeing.

Hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản, All Nippon Airways (ANA), cho biết sẽ mua 10 máy bay phản lực Boeing 787 Dreamliner.

Korean Air, hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc, hôm thứ Năm (21/3) cũng cho biết họ sẽ đặt mua 33 máy bay A350 từ Airbus trong một thỏa thuận trị giá 13,7 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên hãng hàng không này mua máy bay Airbus trong khi đang chuẩn bị sáp nhập với Asiana Airlines.

Boeing đã phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý sau sự cố ngày 5/1 tại Alaska Airlines, đồng thời các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng trong quy trình sản xuất của công ty cũng đã bị điều tra.

Các đơn đặt hàng từ hai hãng hàng không châu Á được đưa ra trong bối cảnh thị trường máy bay phản lực cỡ lớn tầm xa đang nỗ lực vực dậy sau thời kỳ suy thoái kéo dài.

Khi hoạt động du lịch quốc tế sắp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu về máy bay phản lực hiệu suất cao ngày càng tăng, gây ra sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất máy bay về các khía cạnh như chất lượng động cơ và hợp đồng bảo trì. Airbus cho biết máy bay A350 của hãng tiêu thụ nhiên liệu ít hơn 25% so với các máy bay thế hệ cũ tương tự.

JAL cho biết máy bay Airbus dự kiến ​​sẽ được giao trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2025 đến 2033 và tổng giá trị danh sách đặt hàng là khoảng 12,39 tỷ USD. JAL cũng cho biết sẽ mua thêm một máy bay A350-900 để thay thế chiếc máy bay bị phá hủy trong vụ va chạm trên đường băng tại sân bay Haneda hồi tháng Một.

JAL cho biết, tình trạng thiếu máy bay mới trên toàn cầu vẫn tiếp tục, nên họ đang đặt hàng máy bay mới để thực hiện nghiệp vụ hàng không với các hoạt động đầy đủ dịch vụ và chi phí thấp.

JAL nói thêm rằng nhu cầu hành khách phục hồi mạnh mẽ đã giúp hãng nâng dự báo lợi nhuận ròng của tập đoàn cho năm tài chính kết thúc vào tháng này lên 90 tỷ Yên (tương đương 596 triệu USD) từ mức 80 tỷ Yên. Dự báo mới cao hơn dự báo trung bình 85,4 tỷ yên của 10 nhà phân tích, theo dữ liệu từ Hệ thống ước tính của các nhà môi giới (Institutional Brokers’ Estimate System).

Korean Air khai thác một đội bay hỗn hợp gồm máy bay thân rộng và thân hẹp của Boeing và Airbus. Công ty cho biết đơn đặt hàng máy bay là để lập kế hoạch đội bay dài hạn sau khi các máy bay cũ ngừng hoạt động để đáp ứng các mục tiêu bền vững.

Airbus là công ty sản xuất máy bay dân dụng Châu Âu, được đồng sáng lập bởi Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh vào năm 1970, có trụ sở chính tại Toulouse, Pháp. Công ty này đã là đối thủ mạnh của Boeing tại Mỹ kể từ khi thành lập. Thị phần của Boeing ở mảng máy bay vận tải dân dụng liên tục bị Airbus xói mòn. Trong khi tranh giành đơn hàng, hai công ty tiếp tục cáo buộc nhau cạnh tranh không lành mạnh, gây ra tranh chấp thương mại giữa Chính phủ Mỹ và EU. Các nhà quản lý cấp cao của cả hai bên cũng đang tận dụng nhiều dịp khác nhau để tham gia vào các cuộc khẩu chiến.

Chuỗi sai lầm của Boeing gây tổn hại cho ngành

Hôm thứ Năm (21/3), ông Thomas Toepfer – Giám đốc tài chính của Airbus, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC: “Chúng tôi không hả hê về những vấn đề mà đối thủ của chúng tôi đang gặp phải. Tôi không nghĩ điều này hữu ích cho toàn bộ ngành”.

Ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có một sản phẩm rất tốt. Lượng đặt hàng của chúng tôi vào năm 2023 rất tốt và chúng tôi thấy được điểm này từ các đơn đặt hàng đó. Hơn nữa tình huống này cũng sẽ tiếp tục vào năm 2024”.

Boeing đã phải chịu áp lực rất lớn sau một loạt sự cố gây tổn hại đến danh tiếng và tốn kém gần đây. Vào ngày 5/1, một cánh cửa trên máy bay Alaska Airlines 737 MAX 9 đã rơi ra trong chuyến bay. Boeing hiện đang phải đối mặt với các vụ kiện và cuộc điều tra của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).

Theo báo cáo tai nạn do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) công bố vào đầu tháng Hai, 4 chốt cửa máy bay đã bị rơi mất, kể từ khi máy bay đến nhà máy Renton của Boeing, sau khi Boeing và một trong những nhà cung cấp của hãng đã thực hiện một số công việc nhất định đối với thân máy bay thì 4 chốt này vẫn chưa được lắp vào.

Trước đó, mẫu máy bay bán chạy nhất của Boeing, 737 MAX, đã gặp phải hai vụ tai nạn máy bay chết người vào năm 2018 và 2019, làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với Boeing và đặt ra những nghi ngờ nghiêm trọng về văn hóa cũng như quy trình kiểm soát chất lượng của hãng.

Ông Topfer nói với CNBC:Quan điểm của tôi là… đó là yếu tố khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều hơn, làm cách nào để đảm bảo những điều này không bao giờ xảy ra ở Airbus?”

Ông nói thêm: “Chúng tôi bị ám ảnh bởi suy nghĩ này, vì vậy chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng hơn các quy trình sản xuất của mình. Chúng tôi thậm chí còn tập trung hơn vào việc đầu tư dài hạn vào sản phẩm và công nghệ”.

Wall Street Journal đưa tin hôm 21/3 rằng một nhóm CEO của hãng hàng không gần đây đã yêu cầu một cuộc họp với hội đồng quản trị của Boeing để bày tỏ mối quan ngại của họ về các vấn đề sản xuất của Boeing.

Ông Michael O’Leary, người đứng đầu hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland, đã chỉ trích gay gắt cách xử lý cuộc khủng hoảng 737 MAX của Boeing và khả năng lãnh đạo của hãng này trong một cuộc phỏng vấn với Skift (một trang tin tức về ngành du lịch).

Giống như các hãng hàng không khác, Ryanair đã đặt máy bay phản lực một lối đi hiệu suất cao của Boeing làm trung tâm trong chiến lược tăng trưởng và đổi mới đội bay của mình.

Trí Đạt (t/h)