Nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng “hưởng chênh lệch lớn” khi lãi suất tiết kiệm giảm sâu như hiện nay, hầu hết ở mức 5%-6%/năm cho kỳ hạn trên 6 tháng, tuy vậy người đi vay mua nhà, ô tô hay kinh doanh vẫn đang chịu mức lãi khá cao, bình quân trên 10%-12% tùy điều kiện vay.

r ngan hang dong a NHNN nhan vien ngan hang
(Ảnh minh họa: thaibinh.gov.vn)

Theo ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay, lãi suất tiết kiệm liên tục trong xu hướng giảm, hiện chỉ bằng một nửa năm trước. Hầu hết các tổ chức tín dụng đã đưa lãi suất niêm yết cao nhất về dưới 6%/năm. Mức lãi suất 5,5%-5,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 6 – 24 tháng.

Còn với kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động của các ngân hàng đều lùi về dưới 4%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng đưa lãi suất huy động xuống thấp hơn cả nhóm ngân hàng lớn. Mức lãi suất thấp chưa từng có dưới 3% đã xuất hiện trên thị trường.

Dù lãi suất huy động đã giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương ứng. Lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng vẫn neo ở mức 10 – 12%, gấp đôi lãi suất huy động. Không ít khách hàng cá nhân vay mua ô tô, nhà ở… vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay phổ biến từ 12 – 14%/năm với dư nợ cũ, theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

Anh Hoàng Long (Hà Nội) có khoản vay 10 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại đã 2 năm nay. Có thời điểm, anh trả lãi suất vay lên đến 13%/năm. Dù lãi suất trên thị trường từ nhiều tháng nay giảm mạnh nhưng chưa bao giờ anh Long nhận được mức lãi vay dưới 10%/năm.

Còn chị Kim Ngân (Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ rằng chị cứ nghĩ ngân hàng đang “thừa tiền” và lãi suất huy động đã xuống dưới 6%/năm với kỳ hạn 12 tháng thì lãi suất cho vay sẽ giảm theo. Thế nhưng, lãi suất khoản vay của chị được báo năm đầu khoảng 8,5%/năm nhưng năm sau lãi suất thả nổi cộng thêm biên độ 3 – 3,5%/năm.

Trên thị trường hiện nay, nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay với mức lãi suất chỉ 5 – 6%/năm. Nhưng thực tế, việc tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ này không hề đơn giản.

Hơn nữa, các gói vốn giá rẻ chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, từ 6 tháng đến 1 năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất các khoản vay này sẽ được tính theo lãi suất thả nổi trên thị trường.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, cho biết đối với ngân hàng lớn thì mức lãi suất vay 6-7%/năm vẫn có lợi nhuận.

Thời gian gần đây, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên tục đóng cửa các chi nhánh, phòng giao dịch trên khắp cả nước (từ sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hồi tháng 10/2022).

Theo thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, đã có gần 40 phòng giao dịch và chi nhánh của SCB bị đóng cửa. Gần đây nhất hôm 6/12, SCB đã đóng 6 phòng giao dịch gồm: PGD Nguyễn Thông – Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM); PGD Bảy Hiền – Chi nhánh Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM); PGD Luỹ Bán Bích – Chi nhánh Thống Nhất (quận Tân Phú, TP.HCM); PGD Hiệp Thành – Chi nhánh Hóc Môn (quận 12, TP.HCM); PGD An Hội – Chi nhánh Hóc Môn (quận Gò Vấp, TP.HCM) và PGD Thị Nghè – Chi nhánh Tân Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Đức Minh