Theo một chuyên gia, quân đội Hoa Kỳ không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến với Trung Quốc nếu chỉ sử dụng lực lượng toàn tình nguyện viên hiện tại của mình.

Embed from Getty Images

Ông Jonathan Askonas, trợ lý giáo sư chính trị của Đại học Công giáo Hoa Kỳ, kêu gọi, Hoa Kỳ cần phải thay đổi hoàn toàn cơ cấu lực lượng của mình, bao gồm cả việc khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự, để đối phó tốt hơn với môi trường đe dọa đang nổi lên.

Trong cuộc thảo luận hôm 11/4 tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn bảo thủ đặt tại Washington D.C, Tiến sĩ Askonas cảnh báo: “Đây là một vấn đề rất đáng lo. Chúng ta đang đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu và chúng ta có một cấu trúc lực lượng mà chúng ta biết sẽ không thể chống lại các mối đe dọa đó.”

“Về cơ bản, chúng ta không thể chiến đấu với lực lượng toàn tình nguyện viên trong một cuộc chiến lớn hơn cuộc chiến Iraq.”

Lực lượng toàn tình nguyện viên đã trở thành lực lượng chủ lực trong tổ chức quân sự Hoa Kỳ kể từ năm 1973, khi đất nước cờ sao chấm dứt chế độ quân dịch và sự can dự trực tiếp vào cuộc chiến Việt Nam.

Tiến sĩ Askonas nhận định, thật không may, lực lượng toàn tình nguyện viên này đã chứng tỏ không có khả năng tạo ra đủ số quân nhân cần thiết cho một cuộc chiến giữa các cường quốc, và các quy trình hậu cần nặng nề của lực lượng này có thể sẽ không hiệu quả trong một cuộc xung đột với Trung Quốc tại chiến trường Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hoặc khi hỗ trợ cho các cường quốc châu Âu chống lại Nga.

Tiến sĩ Askonas giải thích: “Chúng ta gặp vấn đề Goldilocks. Quân đội chúng ta quá nhỏ để có thể thực sự theo đuổi một cuộc chiến với các quốc gia này, nhưng nó lại đủ lớn để hút đi rất nhiều tài nguyên.”

“Chúng ta phải nhẫn tâm. Chúng ta cần phải điều chỉnh cơ cấu lực lượng của mình không phải để đối phó với các mối đe dọa giả định hoặc theo cách tiếp cận phổ biến dao đa năng Thụy Sĩ, mà là để đối phó với các mối đe dọa thực tế mà chúng ta phải đối mặt.”

Cuối cùng, Tiến sĩ Askonas đề xuất, quân đội Mỹ nên áp dụng lại hệ thống “lực lượng nòng cốt” để phát triển quân đội, tương tự như hệ thống được sử dụng trong Thế chiến thứ hai.

Theo một hệ thống như vậy, số lượng quân nhân toàn thời gian tiêu tốn nhiều tài nguyên sẽ giảm trong thời bình để ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các hạng mục đắt tiền chế tạo chậm như tàu chiến.

Trong thời chiến, các sĩ quan từ các đơn vị nhỏ hơn trong lực lượng chiến đấu tinh nhuệ sẽ trở thành những cán bộ được thiết kế để phân tán về các đơn vị lính quân dịch để huấn luyện và lãnh đạo họ, giúp tăng hiệu quả khả năng của quốc gia trong việc tăng nhân lực cho tiền tuyến.

Năng lực tăng quân đột biến như vậy sẽ là vô giá trong cuộc xung đột với Trung Quốc, quốc gia có quân đội với số quân gần gấp đôi quân số của Hoa Kỳ.

Vì vậy, trong khi giới lãnh đạo Hoa Kỳ khó có thể sớm không ủng hộ lực lượng toàn tình nguyện viên, Tiến sĩ Askonas tin tưởng rằng lực lượng này có thể thực hiện được.

Tiến sĩ Askonas lưu ý: “Quân đội Hoa Kỳ là một tổ chức có khả năng thích ứng cực kỳ cao và nó đã tự chuyển đổi nhiều lần trong suốt lịch sử của mình.”

“Bài học số một từ lịch sử Chiến tranh Lạnh là bạn phải điều chỉnh cơ cấu lực lượng của mình cho phù hợp với những vấn đề mà bạn gặp phải, những mối đe dọa mà bạn phải đối mặt.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)