Hai ông Biden và Trump đang chính thức bước vào cuộc đối đầu tranh cử tổng thống lịch sử và hiếm hoi sau Siêu Thứ Ba.

Trump Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) ngày 4/11/2023 khi rời Nhà thờ Công giáo La Mã St. Edmond ở Bãi biển Rehoboth bang Texas; cựu Tổng thống Donald Trump (phải) tại Trendsetter Engineering Inc. ở Houston vào ngày 2/11/2023. (Ảnh: Getty)

Trong lịch sử nước Mỹ chưa bao giờ có hai ứng cử viên tổng thống lớn tuổi đối đầu nhau như vậy, và chưa bao giờ sự lựa chọn lại diễn ra giữa hai ứng cử viên hoàn toàn trái ngược nhau đến vậy.

Là đối thủ cuối cùng của ông Trump, cựu Đại sứ Liên hợp quốc Nikki Haley đã tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua sau “Siêu thứ ba”, nước Mỹ đã chính thức bước vào giai đoạn mới của cuộc bầu cử tổng thống năm 2024: Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump đối đầu một chọi một, đây không giống bất kỳ cuộc bầu cử nào trong lịch sử.

Hơn nữa, chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc tranh cử được tiến hành trên cả đường đua vận động tranh cử và trong phòng xử án. Ông Trump phải đối mặt với hàng loạt vụ án hình sự và hàng loạt phán quyết dân sự có thể làm suy yếu doanh nghiệp của gia đình ông.

Trong khi đó, ông Biden phải đối mặt với những nghi ngờ về tuổi cao và thể lực của mình để có thể tiếp tục tại vị và sẽ cần phải vượt qua tỷ lệ ủng hộ ảm đạm để giành được nhiệm kỳ thứ hai.

Với sự xuất hiện của phương tiện truyền thông xã hội, khả năng tiếp cận thông tin của công chúng tiếp tục mở rộng. Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông truyền thống, vốn từng có ảnh hưởng rất lớn đến chính trị, đang suy yếu, các tiêu chuẩn và chuẩn mực đưa tin ngày càng trở nên rời rạc.

Tiếp theo là ba cuộc tranh luận tổng thống và một cuộc tranh luận phó tổng thống. Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc tranh luận có diễn ra như dự kiến ​​hay không.

Ngay cả khi một cuộc tranh luận được tổ chức, ngoài việc chú ý đến tầm nhìn của mỗi ứng cử viên đối với Nhà Trắng mà cử tri còn đặc biệt chú ý đến những đặc điểm khác nhau khi xuất hiện trước công chúng của mỗi ứng cử viên – liệu có mắc lỗi ngôn từ nào hay không, liệu họ có đủ năng lực để thực hiện công việc của tổng thống hay không, liệu họ có dấu hiệu suy giảm nhận thức do tuổi cao hay không, v.v..

Một cuộc thăm dò của Wall Street Journal cho thấy ông Biden sẽ phải thuyết phục đa số người Mỹ rằng ông có đủ trí lực để xử lý vị trí được coi là khó khăn nhất thế giới, khi gần 3/4 cử tri cho rằng ông đã quá già để tái tranh cử.

Trong khi đó ông Trump phải thuyết phục cả nước rằng hàng loạt các cáo buộc hình sự và các bản án dân sự bất lợi sẽ không theo ông vào Nhà Trắng và cản trở công việc của ông, bởi vì nếu ông bị kết án, điều đó sẽ làm tổn hại đến vị thế chính trị của ông.

Ông Trump là trường hợp đặc biệt trong nền chính trị Mỹ

Trump là một trường hợp đặc biệt trong nền chính trị Mỹ. Ông không dựa vào triết lý lãnh đạo của đảng và sự đoàn kết giữa các lãnh đạo đảng mà dựa vào nhân cách và lẽ phải của mình để thu hút cử tri. Ông đã đi ngược lại quy luật và thay đổi cách vận hành chiến dịch tranh cử của mình, bao gồm cả việc giao tiếp trực tiếp với những người ủng hộ thông qua các nền tảng truyền thông xã hội.

Tất nhiên, “cái mồm to” luôn mang đến rắc rối cho ông. Ví dụ: Ông cảnh báo những người quyên góp của bà Haley rằng nếu họ tiếp tục quyên góp tiền cho bà ấy, họ sẽ bị khai trừ khỏi đảng [Cộng hòa]. Điều này được giới truyền thông đưa tin cho rằng ông không đoàn kết nội bộ đảng.

Ông cảnh báo các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện không ủng hộ dự luật biên giới của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, nói rằng một dự luật tồi còn tệ hơn là không có dự luật nào cả. Ngược lại, điều này lại được Đảng Dân chủ lợi dụng để tuyên truyền rằng ông không muốn giải quyết vấn đề biên giới.

Ông Karl Rove, trợ lý hàng đầu của Tổng thống George W. Bush, kêu gọi ông Trump ngừng sử dụng “những lời lẽ tục tĩu” khi tấn công đối thủ trong chương trình “Siêu Thứ Ba” của Fox News.

Ông Rove cho biết ông Trump đã tạo ra tiếng vang cho Đảng Cộng hòa và kêu gọi cựu tổng thống giữ sự thanh lịch khi chiến thắng.

Hai cựu thư ký báo chí của tổng thống đảng Cộng hòa là Ari Fleischer (thời chính quyền Bush) và Kayleigh McEnany (thời chính quyền Trump) cũng cho rằng bài phát biểu chiến thắng của ông Trump vào ngày Siêu Thứ Ba có thể biểu hiện sự thân thiện với bà Haley để tăng cơ hội cho đảng Cộng hòa đoàn kết xung quanh ông.

Rõ ràng ông Trump đã lắng nghe những ý kiến ​​này. Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, ông tập trung vào “sự đoàn kết” và hầu như không nhắc đến Haley mấy.

Ông Doug Sosnik, trợ lý Nhà Trắng của Tổng thống đảng Dân chủ Clinton, nói với WSJ: “Đây là thời đại Trump, và chúng ta không biết nhiều về thời đại này. Ông ấy là nhân vật thống trị nhất trong nền chính trị Mỹ, mọi thứ đều xoay quanh ông ấy”.

Ông Biden dày dặn kinh nghiệm và sẽ leo lên đỉnh quyền lực lần thứ 5

Đối với ông Biden, đây sẽ là chiến dịch tranh cử thứ năm của ông với tư cách là ứng cử viên tổng thống hoặc phó tổng thống.

Ông Biden sẽ đọc bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào tối thứ Năm. Đây là cơ hội tốt để tổng thống phô trương thành tích trong nhiệm kỳ của mình trước công chúng đồng thời công kích đối thủ.

Bài phát biểu dự kiến ​​sẽ thu hút lượng khán giả lớn nhất trong năm của ông, có lẽ chỉ đứng sau bài phát biểu của ông tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ ở Chicago vào tháng 8.

Theo lịch trình chính thức của ông Biden, ông đã ở tại khu nghỉ dưỡng tổng thống Trại David ở Maryland kể từ thứ Sáu và trở lại Nhà Trắng vào chiều thứ Ba.

Trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Biden đối đầu với ông Trump giữa đại dịch COVID-19, nhiều người lựa chọn đi làm hoặc đi học tại nhà, khi còn là ứng cử viên, ông Biden hiếm khi xuất hiện trước công chúng và Đảng Dân chủ cũng hiếm khi tổ chức hoạt động vận động quần chúng quy mô lớn.

Trong cuộc bầu cử năm 2016, một sự kiện thay đổi lịch sử đã xảy ra. Trước cuộc bầu cử, FBI tuyên bố sẽ mở lại cuộc điều tra qua email đối với ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, đồng thời bà Hillary đã kiệt sức về thể chất trong suốt chiến dịch tranh cử, khiến dư luận lo lắng rằng vấn đề sức khỏe của bà sẽ khiến bà không thể chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống.

Thăm dò ý kiến: Điều gì thúc đẩy cử tri ở cả hai đảng bỏ phiếu

Theo các cuộc thăm dò ý kiến ​​hôm thứ Ba từ công ty dữ liệu bầu cử Decision Desk HQ, động cơ thúc đẩy cử tri Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ bỏ phiếu có sự khác nhau.

Đối với cử tri Đảng Dân chủ, 27% cho rằng phá thai là mối quan tâm hàng đầu của họ, cùng với 25% cho rằng nền kinh tế và 11% cho rằng giáo dục.

Đối với cử tri Đảng Cộng hòa, 44% cho rằng vấn đề nhập cư và 28% cho rằng nền kinh tế.

Các chuyên gia bầu cử cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bên ngoài, cũng như hình tượng hay chính sách của ứng cử viên.