Có thể tới 500 người đã nháy mắt mất mạng trong vụ nổ bệnh viện Baptist ở Gaza. Hai phe vẫn đang đổ lỗi cho nhau khi Tổng thống Joe Biden đang trên đường tới Israel để tăng cường “tình đoàn kết”, còn phía Jordan và ông Abbas ở Bờ Tây đã hủy cuộc gặp với ông Biden.

Baptist
Nạn nhân của vụ đánh bom Bệnh viện Baptist Al-Ahli ở Gaza hôm 17/10/2023. Các bác sĩ tại Bệnh viện Al-Shifa tập trung đưa ra thông cáo báo chí, xung quanh là các thi thể người Palestine không còn sự sống. (Ảnh: MOHAMED MASRI/Hình ảnh Trung Đông/AFP qua Getty Images)

Truyền thông các bên đều đưa tin bệnh viện Baptist (Al-Ahli al-Arabi) bị oanh tạc ban đêm với tiếng nổ rất lớn. Bộ Y tế Palestine cho hay đây là nơi trú ẩn của hàng nghìn người bị buộc phải sơ tán, nhiều nạn nhân vẫn còn nằm dưới đống đổ nát. Số người chết có thể lên tới 500 người, con số kỷ lục chỉ cho 1 cú oanh tạc.

Một người đứng đầu cơ quan phòng vệ dân sự ở Gaza cho biết số người chết là 300, trong khi nguồn tin của Bộ Y tế đưa ra là con số 500.

Đến nay chưa có được khẳng định trung lập rằng phe nào oanh tạc bệnh viện này. Suốt từ 8/10 đến nay, quân đội Israel liên tục dội bom đạn xuống Gaza. Nhưng họ tuyên bố rằng chính là tên lửa của Hồi giáo Palestine gặp sự cố trên đường tấn công sang Israel nên đã rớt trúng bệnh viện. Phía Palestine cực lực bác bỏ điều ấy, nói rằng chính Israel đã oanh tạc bệnh viện này.

Reuters lưu ý rằng trước khi bi kịch xảy ra, các cuộc oanh tạc diễn ra 11 ngày qua của Israel đã giết chết 3.000 người Palestine, một hành động được hiểu là để trả thù cho việc Hamas tấn công khiến 1.400 người Israel mất mạng.

Hàng trăm thường dân mất mạng trong khi các phe tìm cách đổ lỗi cho nhau

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đổ lỗi cho “những kẻ khủng bố man rợ ở Gaza” vì đã “tấn công” bệnh viện. Ông nói thêm: “Bất cứ ai sát hại dã man trẻ em của chúng tôi cũng đang giết hại trẻ em của họ.”

IDF (Quân đội Israel, tên chính thức là Lực lượng Phòng vệ Israel) đăng video để nói rằng chính tên lửa của Hamas đã làm bệnh viện ở Baptist Gaza nổ tung, điều mà phía Palestine bác bỏ:

Truyền hình MSNBC (Mỹ) nghi ngờ tuyên bố của IDF, nói rằng (a) IDF không có bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố của mình, (b) phe Hamas không có loại tên lửa mà chỉ 1 quả đủ sát hại hàng trăm người. MSNBC lưu ý rằng hiện nay IDF đã phong tỏa Gaza, không chỉ cắt điện, nước, v.v. mà cũng cấm luôn cả các phóng viên độc lập như phóng viên của MSNBC tới hiện trường xác minh vụ việc:

Trong các phản hồi của cư dân mạng, có phản hồi nói rằng kỳ thực (b) chưa chắc đã đúng, vì Hamas quả thực có các loại tên lửa khá mạnh.

Phát ngôn viên quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari tiết lộ với tờ CNN rằng IDF có thông tin liên lạc giữa các chiến binh ở Gaza, nói rằng “đây là một sự kiện Hồi giáo Jihad” và cảnh quay từ máy bay không người lái cho thấy cuộc tấn công tác động vào bãi đậu xe của bệnh viện chứ không phải chính bệnh viện. Ông Hagari cũng tỏ ra nghi ngờ về số lượng người Palestine thiệt mạng. Ông tuyên bố IDF sẽ sớm công bố cảnh quay cũng như âm thanh về các nội dung liên lạc bị tình báo Israel chặn được.

Trung tá Jonathan Conricus của Israel trả lời CNN: “Chúng tôi đã không thực hiện vụ tấn công, và thông tin tình báo mà chúng tôi có cho thấy rằng đó là một vụ phóng tên lửa thất bại của Hồi giáo Jihad, và tôi muốn nói thêm một cách dứt khoát rằng chúng tôi không cố ý tấn công bất kỳ cơ sở nhạy cảm nào, bất kỳ cơ sở nhạy cảm nào, và chắc chắn không phải bệnh viện.” Ông Conricus cho biết Chính phủ Israel sẽ chia sẻ thông tin tình báo của mình với Tổng thống Mỹ Biden.

Tuy nhiên ông Daoud Shehab, phát ngôn viên của tổ chức Hồi giáo Jihad, đã phủ nhận trách nhiệm của nhóm này trong vụ đánh bom. Ông Shehab nói với tờ Reuters: “Đây là sự dối trá và bịa đặt, điều đó hoàn toàn không chính xác. Lực lượng chiếm đóng đang cố gắng che đậy tội ác kinh hoàng và vụ thảm sát mà họ đã gây ra đối với dân thường”.

  • Hình ảnh vụ nổ rung chuyển cả một vùng được ghi lại trong đêm:

  • CNN có video về tình hình Gaza trong những ngày chịu bom đạn:

Đại sứ của Palestine ở Liên Hợp Quốc Riyad Mansour đã cao giọng lên án rằng Israel đang tìm cách đổ lỗi cho người khác. Trong đó ông tuyên bố rằng trước khi Israel đổ lỗi, họ đã từng tweet một thông báo rằng họ đã oanh tạc vào đó, với nội dung là đánh trúng căn cứ của Hamas. Tuy nhiên ngay sau đó phía Israel đã xóa tweet này, theo ông Mansour, và ông nói rằng ông vẫn giữ bản copy của tweet đó.

Đại sứ Mansour: “… người phát ngôn của Israel đã tweet rằng Israel đã làm ra tấn công này, cho rằng bên cạnh bệnh viện có cơ sở của Hamas. Sau đó ông ta đã xóa cái tweet đó đi. Chúng tôi có được bản copy của tweet ấy…

Họ đã thay đổi câu chuyện, tìm cách đổ lỗi cho người Palestine.

Đó là nói dối.

Một tuần trước, người phát ngôn của Israel đã ra lệnh quân sự yêu cầu [dân chúng] phải rời khỏi bệnh viện, [ám chỉ] bệnh viện sẽ là mục tiêu của tấn công. Và họ đã từng không kích một bệnh viện vào tuần trước rồi.

Mục đích của họ vốn từ đầu đã là: Rời khỏi nếu không bệnh viện sẽ bị oanh tạc.”

Reuters bình luận rằng tuy hiện nay vẫn chưa có khả năng xác minh độc lập các tuyên bố, nhưng sự cố thảm khốc hàng trăm người chết chỉ bằng một quả tên lửa vào bệnh viện, đã là biểu hiện của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza nói riêng, và ở cuộc chiến tranh này nói chung.

Reuters cho hay, phía Palestine thông báo lượng cứu hộ vẫn đang kéo các thi thể ra khỏi đống đổ nát. Al Jazeera đăng tải đoạn phim cho thấy cảnh tượng điên cuồng khi các nhân viên cứu hộ lùng sục những mảnh vỡ dính máu để tìm những người sống sót.

Lực lượng cứu hộ và dân thường đã mang ít nhất 4 nạn nhân trong túi đựng thi thể đi.

Viện trợ nhân đạo bị tắc nghẽn

Embed from Getty Images

Xe tải viện trợ xếp hàng tại cửa khẩu biên giới Rafah vào ngày 17/10/2023 ở Bắc Sinai, Ai Cập (Ảnh: Mahmoud Khaled/ Getty Images)

Gaza, nơi sinh sống của 2,2 triệu người, đã bị Israel bao vây trong hơn 1 tuần nhằm đáp trả cuộc tấn công chết người của Hamas vào ngày 7/10. Trong bối cảnh đó, các bệnh viện tại Gaza đang phải vật lộn để chăm sóc những người bị thương trên toàn lãnh thổ trong tình trạng thiếu điện và nước.

Các nguồn viện trợ nhân đạo quan trọng đang bị ùn tắc tại biên giới khép kín của Gaza, bất chấp những nỗ lực ngoại giao nhằm mở một hành lang nhân đạo từ Ai Cập. Liên Hợp Quốc và các quan chức khác cho biết họ cần đảm bảo hành lang an toàn cho bất kỳ đoàn xe viện trợ nào.

Hôm thứ Ba (17/10), Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ và Israel “đã đồng ý phát triển một kế hoạch cho phép viện trợ nhân đạo từ các quốc gia tài trợ và các tổ chức đa phương đến được với dân thường ở Gaza”.

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, tại cửa khẩu Rafah phía lãnh thổ nước này, một đoàn xe viện trợ nhân đạo dài hàng dặm đang chờ được vào Gaza. Ông Shoukry cho hay đến nay vẫn chưa có hành lang an toàn nào được cấp. Ông cũng nói thêm rằng cửa khẩu này đã bị đánh bom 4 lần trong những ngày qua.

Bên ngoài khu vực cửa khẩu biên giới, việc chuyển viện trợ đến những người cần giúp đỡ  là vô cùng phức tạp ở Gaza, nơi những cuộc không kích của Israel liên tục tấn công các cơ sở của Liên Hợp Quốc trong tuần qua.

Phát ngôn viên của WHO, bà Margaret Harris, nói với tờ CNN rằng cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi về việc mở cửa khẩu Rafah để nhận viện trợ. Tuy nhiên những đợt tấn công của Israel khiến địa điểm này không an toàn, do đó việc vận chuyển các nguồn cung cấp quan trọng bị dừng lại.

Hôm 17/10, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir viết trên Telegram rằng những thứ duy nhất nên được đưa vào Gaza “là hàng trăm tấn chất nổ từ Lực lượng Không quân, chứ không phải một ounce (đơn vị đo khối lượng) viện trợ nhân đạo” cho đến khi Hamas thả con tin.

Cuộc viếng thăm tăng cường “tình đoàn kết” của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Ông Biden đang trên đường tới Israel, với các tuyên bố thể hiện ông đang mong muốn xoa dịu tình hình khu vực và củng cố các nỗ lực nhân đạo cho Gaza.

Tuyên bố là thiện chí như vậy, nhưng thủy quân Mỹ và hai tàu sân bay lớn nhất của Mỹ cùng nhóm tác chiến và các dàn máy bay chiến đấu đã và đang tới khu giao chiến, với tuyên bố là để giữ gìn cho chiến tranh khỏi leo thang.

Nhưng sau thảm kịch của bệnh viện Baptist ở Gaza, phía Jordan đã lập tức hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh mà theo dự kiến ở đó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi sẽ gặp mặt.

Ông Abbas cũng hủy bỏ kế hoạch gặp ông Biden, khi lực lượng an ninh Palestine bắn hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán những người biểu tình chống chính phủ ở thành phố Ramallah ở Bờ Tây bị chiếm đóng khi cơn giận dữ của dân chúng sôi sục.

Thảm họa bệnh viện đã dẫn tới một số cuộc biểu tình.

Reuters đưa tin, người biểu tình chống Israel đã tụ tập ở bên ngoài tòa sứ quán Israel tại Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia hầu hết là người theo Hồi giáo) và tại Jordan, và ở bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Lebanon (Li-Băng). Cảnh sát đã phải dùng tới hơi cay để giải tán.

Nhóm chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon kêu gọi “một ngày thịnh nộ chưa từng có” đối với Israel và chuyến thăm của ông Biden.

Embed from Getty Images

Biểu tình trước sứ quán Israel sau vụ nổ tại bệnh viện ở Gaza 17/10/2023 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Burak Kara/Getty Images)

Một số đoạn phim truyền hình còn cho thấy các cuộc biểu tình ở thành phố Taz phía tây nam Yemen, cũng như ở thủ đô của Ma-rốc và Iraq.

Ngày 10/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích cách làm của Mỹ khi giải vấn đề Trung Đông. Theo ông, sự thất bại của chính sách của Mỹ là do Mỹ độc tài độc đoán. Lời giải phải là Mỹ đưa ra, phải là Mỹ an bài, các việc phải là theo thu xếp của Mỹ. Trong khi đó Mỹ không lắng nghe nhu cầu của các phe, và không nỗ lực tìm giải pháp mà các phe có thể chấp nhận.

“Mỹ đã nỗ lực độc đoán về giải pháp cho xung đột ở Trung Đông [những năm qua], nhưng tiếc thay họ không quan tâm đến việc tìm những thỏa hiệp mà cả hai phe cùng có thể chấp nhận,” ông Putin nói. “Mà thay vào đó, Mỹ thúc đẩy chủ trương của chính mình, rằng việc này nên làm thế nào,… Lần nào cũng thế, mà không cân nhắc tới lợi ích cơ bản của nhân dân Palestine.”

Đầu tuần này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bác bỏ bản dự thảo nghị quyết của Nga đệ trình, trong đó yêu cầu các bên ngừng bắn và nhanh chóng hòa đàm.

Bệnh viện Baptist ở Gaza bị đánh tung chết hàng trăm người vô tội, đã khiến rất nhiều cư dân mạng lên tiếng chất vấn rằng những chính khách nào trong Hội đồng đã đứng ra bác bỏ dự thảo nghị quyết này.

Phát biểu với các phóng viên khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bay tới thủ đô Tel Aviv của Israel, người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết ông Biden sẽ đặt “những câu hỏi hóc búa”, cho các nhà lãnh đạo Israel nhưng không nêu chi tiết.

Đô đốc John Kirby nói ông Biden sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nội các chiến tranh của Israel để tìm hiểu về các kế hoạch và mục tiêu của Israel.

Ông cũng đặt mục tiêu đưa viện trợ nhân đạo tới Gaza, nơi hàng triệu người Palestine đang sống sót với lương thực, nhiên liệu và nước uống khan hiếm do cuộc bao vây của Israel.

Không rõ ông Biden có thể đạt được những gì trong chuyến thăm của mình. Theo ông Kirby, Tổng thống Mỹ dự định nói chuyện với các ông Abbas và Sisi trên đường trở về Washington.

Richard Gowan, Giám đốc LHQ tại International Crisis Group, cho biết: “Sự kiện u ám nhưng khủng khiếp này khiến hoạt động ngoại giao trở nên khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ leo thang [chiến tranh].”

Ông Biden trước đây đã nói rằng Hoa Kỳ không muốn xung đột bùng phát thành một cuộc chiến rộng lớn hơn, nhưng Bộ Ngoại giao không nắm lấy cơ hội và yêu cầu người Mỹ không đến Lebanon, khi Israel và nhóm Hồi giáo Hezbollah đấu súng ở phía Nam Lebanon.

Iran —vốn ủng hộ Hamas, Hồi giáo Jihad và Hezbollah– đã nhiều lần cảnh báo Israel phải chấm dứt gây hấn và làm hại người Palestine, nếu không sẽ có nguy cơ leo thang chiến tranh.

Nhật Tân