Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ vào các mục tiêu của Nga ở Ukraine sẽ tự động gây ra một cuộc chiến tranh thế giới.

Dmitry Medvedev
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga bà Valentina Matviyenko và Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. (Ảnh của Mikhail Svetlov/Getty Images)

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev, đưa ra nhận xét này sau khi Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố Mỹ đã đe dọa tiến hành một cuộc tấn công như vậy nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X vào Chủ nhật (26/5), ông Medvedev cho rằng Mỹ không giống như Ba Lan, Washington vẫn kiềm chế không đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào như Ba Lan.

Ông Medvedev nói thêm: “Nếu người Mỹ tấn công các mục tiêu của chúng tôi đồng nghĩa với việc bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới và Bộ trưởng Ngoại giao của Ba Lan nên hiểu điều đó”.

Cựu tổng thống Nga Medvedev cũng trích dẫn nhận xét của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vào tháng trước, rằng Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ nếu có cơ hội, theo cơ chế chia sẻ của NATO. 

Ông Medvedev cảnh báo rằng trong trường hợp xảy ra đối đầu hạt nhân, “Ba Lan sẽ không thiếu phần và chắc chắn sẽ nhận được phần tro phóng xạ”, liệu đây có phải là kết quả mà giới lãnh đạo Ba Lan thực sự mong muốn hay không.

Hôm thứ Bảy (25/5), trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian, ông Sikorski bày tỏ sự hoài nghi về một cuộc tấn công hạt nhân giả định của Nga vào Ukraine.

Ông Sikorski cho biết: “Người Mỹ đã nói với người Nga rằng nếu bạn cho nổ một quả bom hạt nhân, ngay cả khi nó không giết chết ai, chúng tôi sẽ tấn công tất cả các mục tiêu của bạn ở Ukraine bằng vũ khí thông thường, chúng tôi sẽ tiêu diệt tất cả chúng”, một lời cảnh báo được cho là “mối đe dọa đáng tin cậy”

Nhà ngoại giao Ba Lan cáo buộc rằng Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã cảnh báo Nga về việc leo thang hạt nhân.

Ngoại trưởng Ba Lan cũng đề nghị các nước phương Tây ủng hộ Ukraine nên cho phép Kiev sử dụng vũ khí của họ để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga vì “ngoài việc không sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga không tự giới hạn bản thân”.

Theo ông Sikorski, EU không nên sợ leo thang tình hình và không nên áp đặt các giới hạn cho mình liên quan đến xung đột Ukraine, để Nga phải đoán xem bước tiếp theo sẽ là gì.

Trong khi Mỹ và các đồng minh nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng Ba khẳng định rằng trong cuộc xung đột với Ukraine, Nga chưa bao giờ cân nhắc việc sử dụng những loại vũ khí như vậy. 

Cùng lúc đó, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng Nga chỉ dự tính sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt “nếu có điều gì đó đe dọa đến sự tồn tại của Nga”.

Trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội Liên bang vào cuối tháng Hai, ông Putin đã cảnh báo những kẻ có ý định xâm lược rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga đang ở trạng thái “hoàn toàn sẵn sàng để triển khai được đảm bảo”.

Đầu tháng Năm, nhà lãnh đạo Nga đã ra lệnh diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Quân khu phía Nam, giáp biên giới Ukraine. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, cuộc tập trận nhằm mục đích cảnh báo Mỹ và các đồng minh sau những lời lẽ leo thang từ phương Tây.

Thanh Tâm, theo RT