Vào thời điểm Israel “thất vọng sâu sắc” trước việc Trung Quốc từ chối lên án thẳng thắn hành động tàn bạo của Hamas, một nhân viên của Đại sứ quán Israel tại Bắc Kinh đã bị đâm ngay trên đường phố thủ đô hôm thứ Sáu. Liệu điều này có khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Israel trở nên tồi tệ hơn?

Netanyahu Tap Can Binh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Israel Netanyahu hồi tháng 3/2017 tại Trung Quốc. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Ngày Jihad: Một nhân viên Đại sứ quán Israel bị đâm dao ngay ngoài phố ở Bắc Kinh

Bộ Ngoại giao Israel xác nhận với tờ South China Morning Post (SCMP) rằng “nhân viên ấy [của chúng tôi] đã nhập viện trong tình trạng ổn định.” Báo cáo cho thấy ông bị đâm nhiều nhát dao ở vai và ngực.

Cảnh sát Bắc Kinh cho biết người bị đâm là người nhà của một nhà ngoại giao Israel tại Đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh.

Kẻ tấn công chỉ được cảnh sát Bắc Kinh mô tả là “một người đàn ông cao, gầy, mặc áo trắng và cầm dao”. Cảnh sát cho hay đã bắt giữ người đàn ông 53 tuổi này, nhưng chưa công bố thân phận cụ thể, chỉ nói “không phải người Trung Quốc.”

Nạn nhân đã được xác nhận là nhân viên Đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh, 50 tuổi, và cũng là người nhà của một nhà ngoại giao. Sự việc xảy ra ngay trước cửa siêu thị lớn, quận Triều Dương, thủ đô Bắc Kinh.

Theo hãng tin AP, những người làm việc trong khu vực cho biết họ nghe thấy nạn nhân la hét khi xe cảnh sát và xe cứu thương đến. Cảnh sát đã kéo dây phong tỏa, máu của nạn nhân sau đó đã được rửa sạch.

Mặc dù động cơ gây án chưa được Trung Quốc công bố, nhưng Thứ Sáu ngày 13/10 chính là ngày mà nhóm Hamas gọi là “ngày Jihad”.

Trước sự kiện 2 ngày, người của Hamas đã thông qua các phương tiện truyền thông, kêu gọi những ai ủng hộ Hamas —mà họ gọi là ủng hộ Palestine— hãy có hành động, như tổ chức biểu tình, trên khắp thế giới. Và họ gọi đó là “ngày Jihad”, cách nói của người Hồi giáo, biểu đạt sự chống lại áp bức, có thể bằng cách dùng bạo lực.

Nếu vụ tấn công bằng dao này được xác nhận đúng là động cơ bởi “ngày Jihad”, thì có lẽ đây là trường hợp đầu tiên xô xát bằng bạo lực ở cấp độ này được ghi nhận bên ngoài Israel và gây ra bởi những người ủng hộ Hamas.

Các học giả lo lắng về sự an toàn của cộng đồng Do Thái ở Trung Quốc

Các học giả lo lắng về sự an toàn của cộng đồng Do Thái ở Trung Quốc

Ông Daniel C. Kurtzer, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel và Ai Cập, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA rằng đây chắc chắn là một sự cố “rất đáng lo ngại”.

Ông nói: “Tôi đoán là chính quyền Trung Quốc rất bất an khi không thể bảo vệ các nhà ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào. Thật không may, cảm xúc có thể vượt quá tầm kiểm soát, gần như không thể ngăn chặn hành động cá nhân của một người đang tức giận.”

Ông đề nghị Trung Quốc tăng cường bảo vệ an ninh cho nhân viên và khách du lịch Israel để quan hệ Trung Quốc – Israel không bị ảnh hưởng. “Sẽ là khôn ngoan nếu tăng cường an ninh cho nhân viên và du khách Israel, đặc biệt là du khách đến từ Israel. Họ không muốn mang tiếng là an ninh lỏng lẻo có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương của họ (với Israel).”

Ông Phan Quang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Do Thái Thượng Hải, cũng cảm thấy rằng Trung Quốc nên cảnh giác hơn. Ông nói với VOA: “Có nhiều người Israel ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồng Kông, và cũng có nhiều người Ả Rập. Trong quá trình này, một số người sẽ hành động mất lý trí khi bị xúc động. Cảnh sát và nhân viên an ninh Trung Quốc phải tăng cường cảnh giác.”

Ông Phan Quang cho rằng ngoài người Israel, sự an toàn của cộng đồng người Do Thái sống ở Trung Quốc đáng được quan tâm, và chính quyền Trung Quốc cần ngăn chặn nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn.

“Thượng Hải hiện có hơn 5.000 cư dân Do Thái, và có lẽ có hàng chục nhà ngoại giao, tổng lãnh sự quán và phòng thương mại Israel. Người Israel chắc hẳn rất phẫn nộ trước các cuộc tấn công khủng bố của Hamas, và người Ả Rập ở Thượng Hải cũng có thể tức giận với việc Israel ném bom. Tôi nghe nói rằng một số người đã xuống đường biểu tình ở London, Paris và New York. Tôi không nghĩ Trung Quốc có thể làm được. Trung Quốc không có truyền thống này. Nhưng các vụ ám sát và các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra,” ông nói.

Học giả hiến pháp Trung Quốc Trần Vĩnh Miêu (Chen Yongmiao) nói với VOA: “Thời điểm của (vụ án) hơi kỳ lạ, vì Israel đang chuẩn bị hành động chống lại Hamas. Danh tính của kẻ giết người này không rõ ràng. Nhưng có thể thấy rằng thế giới đang bị chia rẽ thành hai phe, một phe ủng hộ Hoa Kỳ và Israel, phe kia ủng hộ phe thù địch với họ.”

Kể từ khi phiến quân Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn vào Israel hôm 7/10, khiến hơn một nghìn người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, Chính phủ Trung Quốc đã “khuyên làm hòa và thúc đẩy đàm phán”, chưa bao giờ lên án các cuộc tấn công khủng bố của Hamas.

“Cách thể hiện của Chính phủ Trung Quốc trước những sự kiện lớn như vậy là rất khó hiểu, cũng có thể nói là cao tay và xảo quyệt. Bởi lên án Hamas sẽ đắc tội các nước Trung Đông. Trung Quốc tuân thủ logic rằng người thắng là vua và kẻ thua là giặc. Họ có thể chờ đợi kết quả của cuộc chiến, nếu Israel thắng, Trung Quốc sẽ cho thêm một nhát dao vào Hamas,” ông Trần Vĩnh Miêu nói.

Vào ngày 12/10, Ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã nhắc lại lập trường nhất quán của Trung Quốc trong cuộc điện đàm với trưởng cố vấn đặc biệt của tổng thống Brazil hôm thứ Năm, nói rằng “mấu chốt của vấn đề Trung Đông là công bằng đã không được trao cho người dân Palestine.”

Theo sự dẫn dắt của chính quyền Trung Quốc, tình cảm bài Do Thái trong dư luận trực tuyến tiếp tục xuất hiện những ngày gần đây. Trên weibo, một số người còn bình luận về vụ ám sát người nhà của nhà ngoại giao Israel rằng: “Khổ nhục kế của Israel!”, “‘Do Thái’ xảo quyệt, tự biên tự diễn, diễn quá sâu”, và “Treo Cờ Israel ở Trung Quốc và hô khẩu hiệu ủng hộ Israel, tôi thấy người nào làm thế thì sẽ đánh người đó.”

Israel “thất vọng sâu sắc” với Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc-Israel có thể bị tổn hại

Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Trung Đông Trác Tuyển (Zhai Jun), hôm thứ Năm đã có cuộc điện đàm với Rafi Harpaz, Phó tổng giám đốc phụ trách các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Israel, nhưng không lên án hành động khủng bố của Hamas. Bộ Ngoại giao Israel hôm thứ Sáu (13/10) cho biết họ “thất vọng sâu sắc” khi Trung Quốc không lên án rõ ràng vụ thảm sát thường dân vô tội và bắt cóc con tin của tổ chức khủng bố Hamas.

Ông Phan Quang (Pan Quang), nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, cho rằng Trung Quốc không thể có lập trường như Mỹ và phải nhất quán với Nam bán cầu và hầu hết các nước thuộc thế giới thứ ba. Ông nói: “Chúng tôi luôn thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và lên án chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi không có mối quan hệ nào với Hamas. Mối quan hệ của chúng tôi là với Tổ chức Giải phóng Palestine và Chính quyền Quốc gia Palestine ở Ramallah.”

Ông Phan Quang chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc sẽ không lên án Hamas mà sẽ chỉ lên án chủ nghĩa khủng bố, những lý do đằng sau nó rất phức tạp và khó làm rõ. “Cá nhân tôi tất nhiên nghĩ việc Hamas làm như vậy là rất tệ. Hơn nữa Hamas đã công khai ủng hộ Đông Turkestan, về điểm này chúng tôi hoàn toàn có thể lên án”. Trung Quốc coi Đông Turkestan là một tổ chức khủng bố.

“Nhưng hiện tại mọi người cũng lo lắng về vụ ném bom kéo dài của Israel. Suy cho cùng, số thương vong ngày càng tăng. Tôi lo lắng hơn cho các con tin. Trung Quốc không thể đóng vai trò (hòa giải) trong vấn đề này giống như giữa Ả Rập Saudi và Iran,” ông Phan nói.

Israel là một trong những quốc gia đầu tiên ở Trung Đông công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Israel đã tăng lên 25,45 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục thu được kiến ​​thức và công nghệ chủ chốt từ sự hợp tác với Israel, nhưng đại diện Trung Quốc thường xuyên bỏ phiếu phản đối Israel tại các diễn đàn đa phương và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông Hồ Bình (Hu Ping), biên tập viên danh dự của tạp chí “Mùa xuân Bắc Kinh” nói với VOA rằng: “Kể từ những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, nền giáo dục mà chúng tôi nhận được từ khi còn nhỏ là người Ả Rập tốt như thế nào và người Israel xấu như thế nào. Điều này không quá rõ ràng ở thời kỳ Đặng tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào. Khi xung đột xảy ra, tiếng nói ủng hộ Israel trên mạng vẫn chiếm ưu thế. Trong những năm gần đây, ông Tập Cận Bình muốn đóng vai trò lãnh đạo các nước đang phát triển, và các nước Ả Rập rất quan trọng, dù có chuyện gì xảy ra thì cũng phải ủng hộ bên khác.”

Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhà bình luận sống ở Mỹ, viết trên mạng xã hội X hôm 8/10 rằng các chính trị gia Israel đã lầm tưởng rằng Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường đối với Israel, bởi nước này cung cấp cho Trung Quốc một lượng lớn công nghệ quốc phòng trong vài năm qua.

“Trên thực tế, đây là một sai lầm lớn. Một Israel cởi mở, tự do, mạnh mẽ và thịnh vượng không phù hợp với tầm nhìn địa chính trị của Trung Quốc. Sự hỗn loạn lâu dài ở Trung Đông có lợi cho các nước cờ của Trung Quốc với phương Tây. Giống như lá bài Triều Tiên, có thể lấy ra chơi bất cứ lúc nào, khiến các nước láng giềng và thậm chí cả các nước phương Tây phải đau đầu”.

Ông Hồ Bình cho rằng việc Trung Quốc “giả vờ trung lập” “làm ngư ông đắc lợi” trong cuộc tấn công của Hamas, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung Quốc – Israel trong tương lai.

Ông nói: “Trong tình huống đúng sai quá rõ ràng, ít nhất bản thân vụ tấn công khủng bố cũng phải bị lên án. Israel cũng nghi ngờ rất lớn về vai trò của Trung Quốc. Tôi nghĩ Israel sẽ dè dặt trong việc trao đổi công nghệ với Trung Quốc trong tương lai”.

Theo Tiết Tiểu Sơn, VOA