Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình xây dựng sai các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC)…

ha noi duoc cat dien nuoc voi cong trinh sai phep vi pham phong chay chua chay
Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình xây dựng sai các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC)… (Ảnh minh họa: Kunakorn Rassadornyindee/shutterstock)

Sáng ngày 28/6, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô.

Một trong những nội dung đáng chú ý là luật quy định trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại thành phố, Chủ tịch UBND các cấp của Hà Nội được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Quy định này áp dụng với các công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai; công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế PCCC mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.

Biện pháp cắt điện, nước cũng được áp dụng với công trình thi công không đúng theo thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.

HĐND thành phố sẽ quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Ngoài ra, luật còn cho phép HĐND TP. Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng.

Mức phạt trên được áp dụng trong các lĩnh vực: Văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, PCCC, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Luật Thủ đô gồm 7 chương, 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số quy định có hiệu lực thi hành muộn hơn, từ ngày 1/7/2025 như thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; việc thử nghiệm có kiểm soát…

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND thành phố xem xét, thông qua “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ  giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đề án dự kiến có kinh phí hơn 26.300 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp thành phố khoảng 13.852 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện khoảng 12.488 tỷ đồng. Đề án được thực hiện qua hai giai đoạn là từ nay đến 2025 và giai đoạn 2026 – 2030.

Minh Long