Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực từ 1/7/2024, giao dịch của khách hàng – nhất là các giao dịch lớn từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày đều buộc phải xác thực sinh trắc học. Đáng chú ý, dữ liệu sinh trắc học này phải trùng khớp hoàn toàn với dữ liệu trên thẻ căn cước công dân gắn chip.

mong mat
(Ảnh minh họa: Ozrimoz/Shutterstock)

Ngoài ra khách hàng nạp tiền vào ví điện tử từ trên 10 triệu đồng hoặc giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài đều yêu cầu phải xác thực với dấu hiệu sinh trắc học được kiểm tra đảm bảo.

Các giao dịch thanh toán ở các đơn vị chấp nhận tin cậy đã được các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán xác thực sẽ không phải thực hiện sinh trắc học như thanh toán điện, nước, viện phí học phí. Để đảm bảo an toàn, nếu tổng mức giá trị thanh toán trên 100 triệu đồng, các giao dịch thanh toán tiếp theo sẽ được yêu cầu thực hiện sinh trắc học.

Nhiều khó khăn, trục trặc khi cập nhật sinh trắc học

Để thu thập dữ liệu sinh trắc học, các ngân hàng thường yêu cầu khách hàng thực hiện theo ba bước: chụp ảnh mặt trước, mặt sau và mã QR trên CCCD, quét khuôn mặt và quét dữ liệu trên căn cước thông qua công nghệ NFC (near-field communication).

Hiện nay, các ngân hàng đều đã thông báo tới khách hàng cập nhật sinh trắc học. Nhìn chung, việc cập nhật khá đơn giản, có thể làm trực tiếp trên ứng dụng của ngân hàng và không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc đăng ký dữ liệu sinh trắc học, căn cước công dân (CCCD) trên các ứng dụng (app) ngân hàng vẫn gặp nhiều trục trặc.

Đại diện nhiều ngân hàng thừa nhận việc thu thập dữ liệu hiện nay còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt với các khách hàng lớn tuổi, chưa quen sử dụng điện thoại thông minh hay những khách hàng chưa làm lại CCCD gắn chip hoặc những người từng phẫu thuật thẩm mỹ.

Vấn đề chung của các ngân hàng hiện nay là không phải thiết bị nào cũng hỗ trợ đọc thông tin chip trên CCCD, thậm chí có thiết bị di động bị ứng dụng từ chối ngay từ bước đầu tiên. Các ngân hàng đều đang gấp rút tìm cách khắc phục về mặt công nghệ.

Khó khăn nhất mà khách hàng hay gặp khải là bước xác thực cuối cùng: quét dữ liệu thông qua công nghệ NFC. Cụ thể, việc quét NFC thường xuyên cho ra thông báo đọc chip thẻ căn cước không thành công.

Khách hàng phải thực hiện quét đi quét lại nhiều lần thì mới có thể hoàn thiện quá trình đăng ký. Cá biệt có trường hợp quét cả chục lần vẫn không thể đọc được dữ liệu trên thẻ. Việc khó quét dữ liệu xảy ra ở cả dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android lẫn iOS.

Để đạt kết quả tốt nhất, khách hàng cần đặt CCCD vào đúng vị trí chip NFC. Khách hàng có thể cần thử nhiều lần để xác định chính xác, hoặc tham khảo hướng dẫn sử dụng.

Ngoài ra, các loại ốp lưng điện thoại dày hoặc ốp lưng có kim loại sẽ ảnh hưởng đến việc đọc dữ liệu từ CCCD. Đồng thời, một số mẫu điện thoại thông minh có thể sẽ không hỗ trợ tính năng NFC.

Nếu thử nhiều lần không thành công, khách hàng có thể ra chi nhánh ngân hàng để được hỗ trợ.

Thực tế những ngày qua, nhiều khách hàng không tự thực hiện trên app ngân hàng được đã phải ra trực tiếp ngân hàng để nhờ hỗ trợ cập nhật sinh trắc học.

Trường hợp nào khách hàng phải ra ngân hàng nếu chuyển khoản trên 10 triệu đồng?

Thứ nhất, khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip, chỉ có chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân cũ.

Thứ hai, khách hàng chưa thể cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng và được xác thực đã hoàn thành do lỗi kỹ thuật từ hệ thống.

Thứ ba, khách hàng đã xác thực thành công dữ liệu sinh trắc học trên app ngân hàng. Tuy nhiên, từ sau 1/7, khi thực hiện giao dịch, dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt của khách hàng nếu không khớp với dữ liệu trong căn cước công dân gắn chip (do thay đổi một số nét trên khuôn mặt dẫn tới dữ liệu không trùng khớp) tại thời điểm thực hiện giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào ví điện tử hay chuyển tiền liên ngân hàng, hoặc thanh toán các giao dịch khác với giá trị lớn, khách hàng cũng buộc phải ra quầy giao dịch.

Thứ tư, trường hợp ách tắc giao dịch trong một số ngày đầu tiên khi Quyết định 2345 chính thức có hiệu lực khiến giao dịch chuyển tiền giá trị lớn bị nghẽn, khách hàng cũng phải ra quầy nếu có nhu cầu.

Như vậy, đối với trường hợp khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ hoặc gặp tai nạn lớn, khách hàng có thể ra quầy thực hiện giao dịch khi chuyển khoản tiền với giá trị lớn. Trừ trường hợp khách hàng không thể tới được quầy giao dịch, ngân hàng có cơ chế đặc thù riêng.

Các ngân hàng cho biết, trong trường hợp khách hàng có phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt thì sau đó cần liên hệ cơ quan công an để thay đổi dữ liệu hình ảnh trên CCCD.

Trong chương trình “Dòng chảy tài chính” ngày 15/6 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), ông Vũ Mạnh Hưng, Giám đốc phát triển sản phẩm Ngân hàng số VPBank, cho biết bản chất của Quyết định 2345 không dừng ở giao dịch của khách hàng, mà chỉ đảm bảo giao dịch trở nên an toàn hơn. Do 80 – 90% giao dịch của khách hàng là giao dịch dưới 10 triệu đồng nên Quyết định này sẽ không làm cản trở cuộc sống hàng ngày của mọi người.

Đối với câu hỏi liên quan đến công nghệ deep fake ngày càng phát triển, việc xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt có là rủi ro lớn với giao dịch thanh toán tiền gửi. Ông Hưng cũng thừa nhận, công nghệ deep fake càng ngày càng phát triển giúp hacker vượt qua nhiều thứ. Thế nhưng, công nghệ phòng chống deep fake cũng đang được nâng cao. Hiện tại, các ngân hàng có thể phòng chống đến 99% deep fake nên hoàn toàn có thể an tâm.

Bên cạnh đó, Quyết định 2345 cũng yêu cầu khi giao dịch phải xác thực thêm mã smart OTP. Như vậy, để thực hiện 1 giao dịch phải cần gương mặt của bạn và cả mã pin. 2 thông tin này khiến giao dịch của khách hàng an toàn hơn.

Hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 5262/NHNN-CNTT về việc hướng dẫn một số nội dung triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đối với khách hàng chưa có căn cước, căn cước công dân gắn chip (khách hàng chỉ có chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân không gắn chip còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật), biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng được thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra được thực hiện bằng phương thức gặp mặt trực tiếp.

Đối với khách hàng có căn cước công dân gắn chip nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng được thực hiện thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra.

Đối với giao dịch nạp, rút tiền từ ví điện tử thông qua tài khoản thanh toán/ thẻ ghi nợ liên kết chính chủ, nếu khách hàng đã thực hiện xác thực chính chủ với ngân hàng khi thực hiện liên kết bằng biện pháp xác thực đối với giao dịch loại B hoặc cao hơn (trừ biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học gắn liền với thiết bị cầm tay thông minh) thì không bắt buộc áp dụng biện pháp xác thực đối với các giao dịch nạp, rút tiền từ ví điện tử có hạn mức.

Phan Vũ (t/h)