Ông Đào Duy Phong, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho hay sau khi quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị thì Sở GTVT mới nghiên cứu đến việc có triển khai các tuyến buýt BRT hay không.

xe buyt brt
Một chiếc xe buýt BRT trên tuyến Kim Mã – Yên Nghĩa, với hàng dài xe ô tô, xe máy lấn làn phía sau, tháng 1/2017. (Ảnh: MinhHue/Shutterstock)

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội quý 2/2024 của TP. Hà Nội, chiều 26/6, có câu hỏi liên quan đến đề xuất làm đường sắt đô thị trên làn BRT.

“Xin Sở GTVT TP. Hà Nội cho biết lộ trình dự án này. Từ những hạn chế của tuyến BRT hiện tại, thành phố có kiến tiếp tục thi công các tuyến BRT khác hay không?”, phóng viên đưa ra nội dung chất vấn.

Ông Đào Duy Phong, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết nội dung quy hoạch của thành phố xác định buýt BRT là một trong những hình thức vận tải hành khách lớn, quan trọng trong hệ thống vận tải hành khách của Thủ đô, có vai trò quan trọng trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, thành phố đang rà soát lại và xác định trong giai đoạn tới tập trung quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị, do đây là “nội dung quan trọng đối với vận tải hành khách trong giai đoạn tới”.

“Riêng đối với các tuyến BRT có triển khai trong giai đoạn tới hay không thì sau khi quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị, Sở GTVT sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này trong giai đoạn sau 2030 và những năm tiếp theo đối với các tuyến BRT trên địa bàn thành phố” – ông Phong cho hay.

Hồi ngày 15/4, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết do hạn chế về hạ tầng nên “buýt nhanh” thành “buýt thường, buýt chậm”.

Theo ông Tuấn, BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016, thành phố có 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được một tuyến. Nhưng tuyến BRT này rất hạn chế vì lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ – Láng Hạ – Lê Văn Lương làm đường ưu tiên.

Dự kiến thời gian tới, Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là “xương sống” của giao thông đô thị.

Với điều chỉnh quy hoạch mới, BRT Kim Mã – Yên Nghĩa sẽ được thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.

Nguyễn Sơn