Khoảng 417,8 km đường sắt đô thị theo quy hoạch tại Hà Nội cần khoảng 66,384 tỷ USD để hoàn thành. 13 km metro đầu tiên hoạt động cho tới nay – tuyến Cát Linh – Hà Đông đã “ngốn” số vốn hơn 868 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc là hơn 669 tỷ USD.

metro nhon ga ha noi
Các đoàn tàu của tuyến Nhổn – ga Hà Nội được dán tem kiểm định, ngày 4/6/2024. (Ảnh: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB)/Facebook)

Cuộc họp về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô (đề án) vừa diễn ra giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND TP. Hà Nội, chiều 7/6, tại Hà Nội.

Báo cáo tóm tắt đề án, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết đề án đưa ra tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2023 đạt 65-70%.

Cụ thể, đến năm 2030 hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8km/397,8km (khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị); đến năm 2035 là khoảng 301km/397,8km (khoảng 76%); đến năm 2045 hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh và Quy hoạch Thủ đô .

Tổng số vốn Hà Nội cần huy động để xây dựng đường sắt đô thị đến năm 2045 là khoảng 66,384 tỷ USD. Trong đó, thành phố có thể huy động được 57,770 tỷ USD và cần Trung ương hỗ trợ 8,614 tỷ USD.

Cơ cấu nguồn vốn được xây dựng theo nguyên tắc: Các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA thì các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA. Các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho rằng phát triển đường sắt đô thị là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề giao thông đô thị tại Hà Nội.

15 năm thi công, chưa đầy 9% tổng km đường sắt đô thị Hà Nội được triển khai

Theo Báo cáo số 5108/BC – BGTVT của Bộ GTVT gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong tháng 5 vừa qua, TP. Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km.

Đến nay, TP. Hà Nội mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành 1 tuyến (Cát Linh – Hà Đông, 13 km) và đang thi công xây dựng 2 tuyến (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và Nhổn – Ga Hà Nội, 24 km). Các tuyến còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên rất chậm.

Như vậy, mới có chưa đầy 9% trong tổng số 417,8 km đường sắt đô thị tại Hà Nội được triển khai. Dự án duy nhất hiện đi vào hoạt động (từ ngày 6/11/2021) – đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông – đã trải qua 5 đời Bộ trưởng, 13 năm thi công với 12 lần trễ hẹn và kỷ lục về “đội vốn”.

Từ tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), dự án “đội vốn” lên hơn 18.001 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD), vốn đối ứng là 4.134 tỷ đồng (tương đương 198,42 triệu USD).

Hai dự án đang triển khai – tuyến Nhổn – ga Hà Nội và tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo cùng có tiến độ dự kiến từ năm 2009 – 2015, song cả hai cùng chậm tiến độ, đội vốn trầm trọng.

Tuyến Nhổn – ga Hà Nội bị đội vốn từ 18.408 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng, 4 lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới dự kiến là năm 2027. Tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo bị đội vốn từ 19.555 tỷ đồng lên 35.588 tỷ đồng. Dự án được xin lùi ngày hoàn thiện đến năm 2027. Tính đến quý 4/2023, công việc trên thực địa mới chỉ là giải phóng mặt bằng tại depot, ga trên cao và phần ga ngầm.

Sơn Nguyên