Ông Julian Assange đã dành đêm đầu tiên sau 14 năm trở tại quê nhà Úc, trong khi phe đối lập bảo thủ vào hôm thứ Năm (27/6) đã cảnh báo chính phủ không nên ca ngợi người sáng lập WikiLeaks là anh hùng.

Julian Assange1
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange trở về Úc với tư cách là một người tự do. Ông Assange tại Sân bay Canberra vào ngày 26 tháng 6 năm 2024 Canberra, Úc. (Ảnh: Roni Bintang/Getty Images)

Ông Assange đã hạ cánh tại Úc trong sự chào đón nồng nhiệt vào tối thứ Tư (26/6) sau khi nhận tội vi phạm Đạo luật gián điệp của Hoa Kỳ và được tòa án Hoa Kỳ tại đảo Saipan ở Thái Bình Dương trả tự do, sau hơn năm năm thụ án trong nhà tù an ninh cao của Anh.

Vợ ông, bà Stella Assange, cho biết còn quá sớm để nói chồng bà sẽ làm gì tiếp theo và yêu cầu sự riêng tư cho chồng bà.

“Julian dự định đi bơi ở biển mỗi ngày. Ông ấy muốn ngủ trên một chiếc giường êm ái. Ông ấy muốn nếm thử đồ ăn ngon và ông ấy muốn tận hưởng sự tự do của mình”, bà Stella nói trong một cuộc họp báo ở Thủ đô Canberra, Úc hôm thứ Năm (27/6).

Ông Assange không phát biểu trước công chúng kể từ khi được thả.

Bà lặp lại lời kêu gọi ân xá của tổng thống Mỹ cho ông Assange. Một thẩm phán tại tiểu bang Virginia của Hoa Kỳ đã chính thức bác bỏ mọi cáo buộc chống lại ông.

Ông Assange, người đã ẩn náu tại đại sứ quán Ecuador ở London trong bảy năm trước khi vào tù, đã đấu tranh chống lại việc dẫn độ sang Thụy Điển về các cáo buộc tấn công tình dục và sang Hoa Kỳ, nơi ông phải đối mặt với 18 cáo buộc hình sự liên quan đến việc tổ chức WikiLeaks công bố hàng trăm nghìn tài liệu quân sự và điện tín ngoại giao bí mật của Hoa Kỳ vào năm 2010.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese, người đã kêu gọi trả tự do cho ông Assange trong nhiều năm, đã chào đón ông trở về nhà trong một cuộc điện thoại và “đã có một cuộc thảo luận rất nồng nhiệt” với Assange.

Tuy nhiên, phe đối lập bảo thủ đã nêu lên mối lo ngại về việc xem ông Assange như một anh hùng sau khi ông đã dành hơn một thập kỷ để cố gắng tránh bị truy tố và sau đó nhận tội danh hình sự là âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu quốc phòng bí mật.

Lãnh đạo phe đối lập tại Thượng viện Úc, Simon Birmingham, hoan nghênh việc trả tự do cho ông Assange nhưng đã đăng trên mạng xã hội X rằng “ông Assange không phải là người tử vì đạo và chưa bao giờ là tù nhân chính trị bị từ chối tiếp cận công lý”.

Ông Birmingham cảnh báo Thủ tướng Albanese không nên gặp ông Assange và cho biết việc thả người này có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Úc và Hoa Kỳ, tuy nhiên Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Penny Wong đã bác bỏ điều đó.

Bà Wong nói với Đài phát thanh ABC vào thứ Năm rằng việc thả ông Assange không gây ra mối đe dọa nào đối với mối quan hệ Úc-Hoa Kỳ.

Ông James Paterson, người phát ngôn về các vấn đề nội vụ của phe đối lập Úc, nói với Sky News rằng ông Assange đã trốn tránh các yêu cầu dẫn độ hợp pháp bằng cách ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador và sử dụng các quyền hợp pháp của mình tại Vương quốc Anh để thách thức yêu cầu này trong nhiều năm.

“Bây giờ ông ta là người đã nhận tội về các tội danh an ninh quốc gia rất nghiêm trọng, không chỉ là tội danh chống lại Hoa Kỳ. Đó là các tội danh chống lại liên minh thu thập thông tin tình báo Five Eyes (Liên minh Ngũ Nhãn), bao gồm cả Úc”, ông Paterson nói.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Tư cho biết sự tham gia của họ vào việc giải quyết vụ án của ông Assange rất hạn chế và nhắc lại lập trường của Mỹ rằng hành động của ông ta đã gây nguy hiểm đến tính mạng, mặc dù thẩm phán Hoa Kỳ chấp nhận lời nhận tội của ông ta, cho biết không có nạn nhân cá nhân nào trong vụ việc.

Người phát ngôn an ninh quốc gia Mỹ, John Kirby cho biết Nhà Trắng không hề liên quan đến vụ việc này, đồng thời nói thêm rằng đây là vấn đề của Bộ Tư pháp.

Những người ủng hộ ông Assange và những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận coi ông là nạn nhân vì ông đã vạch trần những hành vi sai trái và tội ác tiềm tàng của Hoa Kỳ, bao gồm cả trong các cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq.

Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ từ lâu đã nói rằng hành động của ông là liều lĩnh và việc ông công bố tên của các nguồn tin chính phủ đã gây nguy hiểm đến tính mạng của các điệp viên.

Thanh Tâm, theo Reuters