Từ năm 2016 đến hiện tại, tổng cộng 16.223 tỷ đồng đã được chi từ ngân sách trung ương cho các tỉnh ĐBSCL, xây dựng được 324 km kè chống sạt lở. Toàn vùng còn 561 điểm sạt lở với tổng cộng 810 km đường sông, biển. 

sat lo an giang
Một đoạn sạt lở bờ sông Hậu, đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, tháng 6/2022. (Ảnh: congan.angiang.gov.vn)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ngày 8/10 đã ký quyết định bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển…

Tổng số vốn cấp bổ sung là 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023. Trong đó, Long An được cấp 250 tỷ đồng, Tiền Giang 200 tỷ đồng, Bến Tre 300 tỷ đồng, Trà Vinh 200 tỷ đồng, Vĩnh Long 500 tỷ đồng, Cần Thơ 250 tỷ đồng, Hậu Giang 200 tỷ đồng, Sóc Trăng 300 tỷ đồng, An Giang 250 tỷ đồng, Đồng Tháp 250 tỷ đồng, Kiên Giang 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 300 tỷ đồng, Cà Mau 500 tỷ đồng.

Số kinh phí ngân sách trên để chi cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ mức vốn bổ sung được giao trên, Chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành phố nói trên bố trí vốn được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định.

Nếu dự án thiếu vốn so với tổng mức đầu tư được duyệt, Chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành phố nói trên bố trí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sử dụng vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để đầu tư phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và thực hiện đầu tư dự án bảo đảm chất lượng; chậm nhất đến ngày 31/12/2024.

Trung tuần tháng 8, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km, trong đó bờ sông có 666 điểm/744 km; bờ biển có 113 điểm/390 km.

Từ năm 2016 đến nay, tổng cộng 16.223 tỷ đồng đã chi từ ngân sách trung ương cho các tỉnh ĐBSCL, xây dựng 218 công trình/324 km kè chống sạt lở.

Tuy nhiên, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Hiện toàn vùng còn 561 điểm sạt lở, trong đó, bờ sông có 513 điểm/602km; bờ biển có 48 điểm/208km. Trong đó, có 63 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 204 km (bờ sông 39 điểm/118km, bờ biển 24 điểm/86km) – Theo Bộ NN&PTNT, nếu khắc phục 63 điểm trên cần tổng kinh phí khoảng 13.648 tỷ đồng.

Lý do được giới chức Chính phủ chỉ ra là do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn Mekong dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ, đặc biệt là suy giảm mạnh phù sa về vùng; tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất…

“Tốc độ sụt lún đất cao gấp 3-4 lần, có nơi tới 10 lần so với tốc độ nước biển dâng, cho thấy ĐBSCL có nguy cơ chìm dần do cả sụt lún đất và nước biển dâng. Nhiều tuyến đê biển, đường ven biển trước đây thiết kế đủ cao độ nhưng giờ lại bị thủy triều tràn qua gây ngập”, ông Chính thừa nhận.

Sạt lở bờ sông, bờ biển còn khiến rừng ngập mặn ven biển biến mất. “Thống kê 50 năm qua diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 80%, từ năm 2011-2016 giảm trên 15.300 ha. Mỗi năm mất 300-500 ha rừng ngập mặn, hàng nghìn hộ dân ven biển, ven sông, kênh rạch bị ảnh hưởng”, ông Chính nói.

Cuối tháng 9 vừa qua, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) vừa công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho ĐBSCL, cho hay với tốc độ khai thác cát hiện tại ở ĐBSCL dao động từ 35-55 triệu m3/năm, trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035.

Theo nhận định của các chuyên gia về môi trường, khai thác cát sông quá mức được xem là một trong những tác nhân chính gây nên thâm hụt trầm tích, dẫn đến gia tăng xói mòn lòng sông, sạt lở bờ sông, bờ biển, khuếch đại thủy triều và gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô.

Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt, WWF Châu Á – Thái Bình Dương cho hay giá trị của cát không chỉ nằm ở giá khai thác và vận chuyển, mà còn phải tính đến những chi phí đánh đổi khi chúng ta lấy cát ra khỏi sông, mà cái giá lớn nhất có thể là sự biến mất hoàn toàn của ĐBSCL vào cuối thế kỷ này nếu không có những hành động cấp thiết.

Nguyễn Quân