Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự lạc quan trong bài phát biểu đầu năm mới hôm Chủ nhật rằng nền kinh tế nước này đã trở nên “bền bỉ và có sức sống hơn” vào năm 2023. Ông cũng cam kết rằng Trung Quốc “nhất định sẽ được thống nhất” – ám chỉ hòn đảo tự trị Đài Loan mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và cam kết đoạt lại hòn đảo này.

Tap Can Binh 3
Ông Tập Cận Bình trong video phát biểu thông điệp năm mới 2024. (Ảnh chụp màn hình video)

Ông Tập Cận Bình đã lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua năm 2023 đầy thử thách, chính phủ của ông đã cố gắng thúc đẩy sự phục hồi kinh tế kể từ khi nhanh chóng từ bỏ các chính sách Zero-COVID lộn xộn một năm trước.

Ông Tập Cận Bình nói trên đài truyền hình nhà nước CCTV rằng nền kinh tế đã “vượt qua khó khăn” và trở nên “bền bỉ có sức sống hơn trước”, nói rằng năm tới “chúng ta phải… củng cố và tăng cường đà phục hồi tích cực của kinh tế, thực hiện ổn định kinh tế lâu dài”.

Nhưng ông cũng thừa nhận cũng có một số khó khăn: “Một số công ty đang phải đối mặt với áp lực hoạt động, một số nhóm người gặp khó khăn trong việc làm và cuộc sống”. “Tất cả những điều này đều là mối bận tâm trong lòng tôi”, ông Tập nói.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp kỷ lục và cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản quan trọng, đã cản trở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.

Dữ liệu chính thức được công bố hôm Chủ nhật cho thấy, hoạt động của các nhà máy trên toàn Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 12, thu hẹp hoạt động tháng thứ ba liên tiếp.

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể gặp khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm đã nêu là khoảng 5%, đây là mục tiêu thấp nhất trong nhiều năm.

Thống nhất Đài Loan

Trong khi chỉ còn vài tuần nữa là hòn đảo dân chủ Đài Loan tổ chức bầu cử vào ngày 13/1/2024, trong phát biểu của mình ông Tập cũng đề cập ngắn gọn về Đài Loan.

Bắc Kinh đã tăng cường áp lực lên Đài Loan khi căng thẳng tăng cao và ứng cử viên tổng thống có khuynh hướng độc lập Lại Thanh Đức dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.

Trong bài phát biểu hôm Chủ nhật, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng “Tổ quốc thống nhất là một tất yếu lịch sử, đồng bào hai bên eo biển Đài Loan phải chung tay đồng lòng, cùng hưởng vinh quang vĩ đại của công cuộc phục hưng dân tộc.”

Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố, Trung Quốc sẽ không bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.

Các quan chức Đài Bắc đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc can thiệp bầu cử và thông tin sai lệch, trong khi phía Bắc Kinh coi những tuyên bố này của phía Đài Loan là “cường điệu”.

Thăm hỏi ông Putin

Trước đó vào Chủ nhật, ông Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng năm mới tới Tổng thống Nga Vladimir Putin và ca ngợi việc tăng cường quan hệ với Moscow vào năm 2023, theo báo cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trung Quốc và Nga đã trở nên thân thiết hơn trong những năm gần đây, ngay cả khi các nước phương Tây quay lưng lại với Nga vì hành động xâm lược nước láng giềng Ukraine.

Theo CCTV, ông Tập nói rằng, “Nền tảng vật chất và nền tảng dân ý trong mối quan hệ của chúng ta đã trở nên chắc chắn hơn”.

Khó khăn trong và ngoài nước

Theo Bloomberg, ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông đã tiếp tục phá vỡ các quy tắc của đảng khi thực hiện ít chuyến công du nước ngoài nhất – chỉ 4 chuyến – trong năm không có đại dịch kể từ khi lên nắm quyền. Ông đã hoãn lại một hội nghị kinh tế quan trọng được tổ chức 5 năm một lần để đề ra kế hoạch cải cách đất nước.

Cùng với những xáo động trong giới lãnh đạo quân đội, ông Tập Cận Bình cũng bất ngờ cách chức Bộ trưởng quốc phòng và lãnh đạo cấp cao của Quân chủng Tên lửa. Bắc Kinh cũng cách chức Bộ trưởng Ngoại giao đối với ông Tần Cương mà không giải thích, việc này làm tăng thêm sự bất ổn.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin, các cuộc thanh trừng gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với hệ thống quân sự và ngoại giao của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý lớn từ thế giới bên ngoài. Cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc khóa 14, kết thúc ngày 29/12, đã miễn tư cách đại biểu đối với 9 tướng lĩnh quân đội, trong đó có 4 tư lệnh, phó tư lệnh hoặc chính ủy của Quân chủng Tên lửa.

Việc có nhiều quan chức cấp cao “ngã ngựa” trong thời gian gần đây cho thấy rằng ngay cả khi mộng tưởng về một quân đội hùng mạnh của ông Tập Cận Bình vẫn chưa tan vỡ, nhưng sĩ khí và khí thế có lẽ đã bị tổn hại nghiêm trọng.

Ông Alfred Wu, phó giáo sư và trợ lý trưởng khoa Chính sách công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói với Reuters: “Vẫn còn có nhiều người sẽ hạ đài. Cuộc thanh trừng xung quanh Quân chủng Tên lửa vẫn chưa kết thúc”.

Ngoài các quan chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc, hệ thống ngoại giao của Trung Quốc cũng đang trải qua một cuộc thanh trừng lớn do ông Tập Cận Bình chủ đạo.

Hôm thứ Sáu (ngày 29/12), ông Tập đã gặp tất cả các phái viên tham dự Hội nghị công tác thường niên của các phái viên ở nước ngoài năm 2023 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh và có bài phát biểu, ông nói rằng muốn xây dựng “đội quân sắt ngoại giao” có thể không chỉ cần “dám chiến đấu, giỏi chiến đấu”, mà bản thân còn cần phải ‘đao thương bất nhập’, chống lại được sự cám dỗ của sắc đẹp, kim tiền, biến bản thân mình thành “người sắt”.