Sau khi đàn áp được các nghĩa quân khác của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, quân Pháp tấn công nghĩa quân cuối cùng của Lưu Kỳ, vốn gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Cuối năm 1891 quân Pháp tổ chức một chiến dịch lớn.

Pháp tập trung những binh đoàn lớn do Raffanel và Nominé chỉ huy, lại được Công sứ Hải Dương, Quảng Yên, Lục Ngạn đưa quân đến tiếp ứng, dẫn đường, tiếp tế quân lương. Song nghĩa quân Lưu Kỳ bố trí rất hợp lý đánh lui chiến dịch lớn này của quân Pháp.

bai say image
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Kế của Hoàng Cao Khải

Lúc này Hoàng Cao Khải với hiểu biết và kinh nghiệm của mình đã mách nước cho người Pháp: Lưu Kỳ là một dũng tướng lắm mưu lược, lại được các dân tộc thiểu số hết lòng giúp đỡ che chở. Nên muốn diệt được nghĩa quân này thì cần kết hợp cùng lúc nhiều biện pháp, vừa càn quét lại vừa bao vây cắt đứt mọi nguồn tiếp tế, tách dân chúng ra khỏi nghĩa quân.

Quân Pháp thực hiện kế hoạch từng bước chắc chắn, đầu tiên cần chiếm được vùng rừng núi Yên Tử, rồi xây dựng một hệ thống đồn bốt nơi đây.

Theo tài liệu của người Pháp để lại thì quân Pháp xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc ở Phả Lại, Chi Ngãi, Lục Ngạn, Biển Động, An Châu, Na Peo, Keo Cô, Quán La, Đông Triều, Vi Loại, v.v… lại thành lập nhiều đội tuần tra 150 đến 200 tay súng, khủng bố dân chúng. Pháp cũng cho 6 tàu chiến có trang bị đại bác hạng nhẹ tuần tra sông Lục Nam.

Sau khi hoàn tất các đồn bốt và xây dựng các đội quân tuần tiễu, quân Pháp tập trung quân chia làm 4 đạo tấn công nghĩa quân, đi đến đâu triệt phá nhà cửa dân chúng để không cho tiếp tế nghĩa quân.

Nhiều trận thắng lớn

Ngày 4/12/1891, cánh quân Pháp đầu tiên đến làng Đông Tham đã cho đốt làng để uy hiếp dân chúng. Nghĩa quân mai phục dưới sườn núi, đợi quân Pháp đến gần mới nổ súng. Trận này quân Pháp bị tổn thất nặng nề phải tháo chạy.

Sau trận này, Lưu Kỳ cho quân tránh cuộc tấn công của Pháp, rút theo phía bắc đến sông Kỳ Cùng (con sông lớn nhất Lạng Sơn) ở vùng núi Cơ Bằng, xây dựng trận địa phòng thủ nơi đây.

Quân Pháp không thấy nghĩa quân, dò tìm biết được nơi đóng quân mới, liền chia làm 2 đến khu vực Lam Xá rồi tấn công. Quân Pháp đồng thời cho một cánh quân khác hành quân bí mật men theo sườn núi Đông Sơn, vượt qua núi, bí mật tấn công vào căn cứ nghĩa quân.

Lưu Kỳ cho quân bố trí trên 4 cao điểm chặn các ngả đường vào căn cứ, bình tĩnh đợi quân Pháp đến gần mới nổ súng khiến quân Pháp thiệt hại nhiều. Sau 19 giờ giao tranh quân Pháp không thể làm gì đành rút về Lam Xá.

Sau thất bại này quân Pháp không tấn công vào nơi đây, mà dò xem nghĩa quân di chuyển đến đâu thì hành quân đến để tiêu diệt. Nhiều trận đánh đã diễn ra nhưng quân Pháp đều bị đánh bại, một số sĩ quan Pháp tử trận.

Sang năm 1892, quân Pháp hành quân đến bao vây nghĩa quân ở căn cứ Chuồi Xuân. Lưu Kỳ nhận thấy quân Pháp phải hành quân vùng rừng núi một thời gian dài tìm diệt nghĩa quân, nay đã mệt mỏi, liền cho quân mai phục trên đường hành quân của quân Pháp khiến quân Pháp bị tổn thất nặng nề, một số sĩ quan cấp úy bị trúng đạn tử trận.

Nghĩa quân Lưu Kỳ di chuyển tránh được tai mắt của Pháp, đồng thời có một số hoạt động chặn việc vận chuyển của Pháp trên tuyến đường ở Lạng Sơn.

Ngày 1/7/1892, nghĩa quân phối hợp với công nhân đường sắt Lạng Sơn phục kích bắt cóc tên thầu khoán công trường Vezin ngay trên công trường để lấy tiền chuộc. Nghĩa quân dùng số tiền này mua vũ khí chống Pháp.

Ngày 8/7/1892, Lưu Kỳ trực tiếp chỉ huy nghĩa quân mai phục tấn công 18 xe chỡ vũ khí do các sĩ quan Pháp chỉ huy. Quân Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn, nghĩa quân có trận thắng lớn, nhưng mất mát thiệt hại lại còn lớn hơn khi thủ lĩnh Lưu Kỳ không may bị trúng đạn hy sinh.

Lưu Kỳ hy sinh là một mất mát lớn cho nghĩa quân, ông là người luôn có những kế hoạch hợp lý và chính xác trước các cuộc tiến công của quân Pháp, khiến quân Pháp thiệt hại nặng nề mà nghĩa quân vẫn bảo toàn được lực lượng.

Lưu Kỳ hy sinh, nhưng vợ và em trai của ông vẫn tiếp tục chỉ huy nghĩa quân chống Pháp.

Nghĩa quân tan rã

Lúc này căn cứ cũ của nghĩa quân bị quân Pháp chiếm đóng, khủng bố dân chúng. Nghĩa quân chuyển đến đóng căn cứ ở đường số 4, đoạn Lạng Sơn – Đông Khê – Thất Khê. Từ căn cứ mới này, nghĩa quân liên tục tổ chức các trận tấn công khiến quân Pháp thiệt hại nặng, nhiều sĩ quan Pháp bị tử trận.

Cuối năm 1893, nghĩa quân chuyển căn cứ mới đến Lũng Lật, liên tục tấn công quân Pháp trên đường số 4 đoạn Lạng Sơn đi Cao Bằng.

Tại căn cứ mới nghĩa quân được dân chúng ủng hộ, chiêu mộ thêm quân, nhiều lần bắt được các chủ thầu và quan chức người Pháp, lấy tiền chuộc để nuôi quân và mua sắm vũ khí.

Đầu năm 1894, quân Pháp tập trung 3 đạo quân lớn tiến đánh nghĩa quân, nghĩa quân không còn Lưu Kỳ lên kế hoạch đối phó, tất cả đều ở căn cứ chống trả. Quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, nhưng nghĩa quân cũng bị tổn thất lớn, tướng chỉ huy xuất sắc là Hoàng Tài Ngạn hy sinh.

Nghĩa quân phải phân tán nhỏ rời khỏi căn cứ, không còn đủ sức và lực lượng mạnh để hoạt động như trước. Đến đây cuộc khởi nghĩa Lưu Kỳ chấm dứt.

Dù nghĩa quân tan rã, một số tướng lĩnh của nghĩa quân, cùng các tướng của nghĩa quân Bãi Sậy vẫn mộ quân hoạt động thêm vài năm nữa, nhưng không lớn mạnh như trước đây.

“Những người chủ thật sự trên vùng đất”

Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy cuối cùng thất bại, nhưng các tài liệu của người Pháp cho thấy chính nghĩa quân mới là những người chủ thật sự trên vùng đất của mình. Có tồn tại song song hai chính quyền là chính quyền do Pháp dựng nên (tức Triều đình) và một chính quyền nữa là nghĩa quân. Thực tế mọi vấn đề làng xã, xích mích dân chúng, hay nộp thuế đều do nghĩa quân giải quyết, cũng chính người dân tán đồng việc này mà không chấp nhận chính quyền do Pháp dựng nên.

Trong bản báo cáo viết tay vào năm 1891 của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương có đoạn: “Quân khởi nghĩa là chủ nhân thực sự đã thành lập một chính quyền bí mật song song tồn tại với chính quyền của Pháp đặt ra. ‘Chính quyền bí mật’ này được nhân dân phục tùng và kính trọng hơn hẳn chính quyền chính thức.”

Trong báo cáo cũng cho thấy nhiều quan phủ, quan huyện là của Triều đình nhưng vẫn bí mật ủng hộ nghĩa quân: “Lại có một số quan phủ, huyện cũng ủng hộ quân khởi nghĩa như cung cấp lương thực, báo cho biết kế hoạch hành quân đàn áp như ở các huyện Đông Triều, Cẩm Giàng, Yên Mỹ, Mỹ Hào, v.v.. Trong số các viên quan lại trên có người bị Pháp xử tử vì tội liên quan đến bọn phiến loạn.”

Số phận thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật

Nguyễn Thiện Thuật bị giữ lại ở Trung Quốc mà không về nước được, mãi đến năm 1926 thì ông mất, mộ ông nằm ở nghĩa trang trên đồi Quan Kiều ở Nam Ninh, Trung Quốc.

Khoảng những năm 1980, thành phố Nam Ninh mở rộng, cho giải tỏa khu nghĩa trang này thành khu dân cư. Một người Việt ở đây đã lo liệu mọi việc để di chuyển mộ của Nguyễn Thuận Thuật đến đồi Đại Lĩnh ở phía nam thành phố Nam Ninh.

Năm 2005, tỉnh Hưng Yên phối hợp với con cháu dòng họ của Nguyễn Thiện Thuật đến Nam Ninh để đưa thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy trở về quê hương ở Xuân Dục, huyện Mỹ Hào.

(Hết)

Trần Hưng

  • Tham khảo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, tác giả là người con của vùng đất Bãi Sậy.
  • Tài liệu đánh máy của người Pháp ở Hải Dương

Xem thêm:

Mời xem video: