Dùng hết mọi cách vẫn không tiêu diệt được nghĩa quân Trại Sơn, Hoàng Cao Khải phải dọa tàn sát dân chúng để buộc thủ lĩnh Đốc Tít ra hàng. Tuy nhiên người Pháp lại phải đối mặt với nghĩa quân Lưu Kỳ vốn tách ra từ khởi nghĩa Bãi Sậy, có cách đánh hoàn toàn khác.

Khởi nghĩa Bãi Sậy - P8: Nghĩa quân Lưu Kỳ có chiến thắng vang dội
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Hoàng Cao Khải dọa tàn sát dân chúng

Nhận tin nghĩa quân Trại Sơn đã trở về căn cứ Hai Sông, quân Pháp liền tấn công ngay. Hai pháo hạm là Berthe de Villers và Moulion cùng những ca nô chở đầy lính hướng đến căn cứ.

Quân Pháp kiểm soát gắt gao các làng nghi ngờ tiếp ứng cho nghĩa quân, rồi cho quân đánh mạnh vào căn cứ.

Cuộc chiến diễn ra suốt 4 giờ đồng hồ. Vì đã thông thạo địa hình nên nghĩa quân cho một bộ phận luồn ra phía sau quân Pháp rồi đánh khiến đội hình quân Pháp rối loạn và tử trận nhiều, phải rút lui.

Nhưng sau đó quân Pháp vẫn đánh liên tục để khiến nghĩa quân không hồi phục. Sáng sớm ngày 5/8, pháo hạm Berthe de Villers và Moulion bắn suốt 2 tiếng đồng hồ vào vị trí nghĩa quân gây thiệt hại nặng, rồi Hoàng Cao Khảo lại cho quân tấn công.

Trận đánh kéo dài suốt 12 ngày liền khiến binh sĩ quân Pháp mệt mỏi, canh gác trễ nải, nên nghĩa quân rút được qua đèo Nghé sang Mai Động, Thiểm Khê.

Lúc này quân Pháp và quân của Hoàng Cao Khải đã nỗ lực dùng hết các cách đánh nhưng kết quả vẫn không tiêu diệt được nghĩa quân Trại Sơn. Khải bèn dùng kế khác là vây chặt các làng quê của hai vợ chồng Đốc Tít: làng Yên Lưu Thượng, Yên Lưu Hạ ở huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn (quê của Đốc Tít); và làng Phù Lưu huyện Thuỷ Đường, phủ Kinh Môn (quê của bà Nguyễn Thị Nền vợ Đốc Tít).

Hoàng Cao Khải báo cho Đốc Tít biết nếu không ra hàng thì sẽ bắt cả dân làng vùng quê của hai vợ chồng, cùng dân làng vùng Hai Sông, cả già trẻ lớn bé đi đày ải lên rừng xuống biển, ai không đi sẽ bị bắn chết tại chỗ. Đồng thời sẽ cho quân đốt phá thành bình địa, xóa bỏ hết tất cả các làng này.

Đốc Tít biết rằng Hoàng Cao Khải sẽ làm thật chứ không dọa, vì trước đây y đã từng tàn sát dân chúng hàng trăm ngôi làng mỗi khi thua trận. Nghĩa quân chống Pháp là vì dân, dân cũng là lực lượng chính trợ giúp nghĩa quân, nay không thể nhìn dân bị tàn sát được.

Thủ lĩnh Đốc Tít đành phải đưa ra một quyết định khó khăn là đầu hàng để cứu dân chúng. Đốc Tít đề nghị một số tướng chỉ huy được trang bị vũ khí tốt gia nhập nghĩa quân khác, còn ông cùng Đốc Lan phải đưa 200 nghĩa quân với 120 súng trường, 15 súng lục và hơn 300 viên đạn ra hàng, tránh dân chúng bị tàn sát.

Một số người khác như Lãnh Pha, Lãnh Hai, Đề Hùng, Đề Quý, Đốc Bẩm, Quản Bảo không muốn hàng nên vẫn ở lại cù lao Hai Sông tiếp tục đánh Pháp.

Người Pháp sợ giam giữ Đốc Tít có thể ông sẽ vượt ngục, nhưng nếu giết đi thì sau này sẽ chẳng còn nghĩa quân nào ra hàng nữa, chính vì thế mà quyết định đày ông đi Algerie mà không qua xét xử, vợ ông là bà Nền cùng người con tên An cũng tình nguyện đi theo chồng.

Dân chúng thương tiếc Đốc Tít vì thế mà có câu đối rằng:

Tít bổng trời đông, tái tạo Nam bang tri vũ trụ
Vang lừng đắt Bắc, Nam đạo Tây quốc tri cơ mi

Nghĩa quân Lưu Kỳ

Sau khi dùng kế mọn dọa tàn sát dân chúng khiến nghĩa quân Đốc Tít phải hàng, Hoàng Cao Khải quyết định đưa quân tiêu diệt nghĩa quân của Lưu Kỳ, nghĩa quân làm chủ khu vực huyện Lục Ngạn (phía đông tỉnh Bắc Giang), căn cứ nằm ở xã Bảo Đài.

Nghĩa quân Lưu Kỳ trước đây gia nhập nghĩa quân Bãi Sậy, sau này tách riêng ra hoạt động ở địa bàn khác. Được sự giúp đỡ của các dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn, Quảng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, nghĩa quân Lưu Kỳ rất mạnh với lương thực dồi dào. Nhờ sự giúp đỡ của dân mà ông cũng lập được đường dây vận chuyển vũ khí từ Quảng Đông, Quảng Tây đi qua Lạng Sơn, Quảng Yên, Bắc Ninh tập kết ở hai điểm Lục Ngạn và Thị Cầu, rồi cung cấp vũ khí cho các cuộc khởi nghĩa.

Đội quân hộ tống vận chuyển vũ khí có đến trăm người, thông thạo địa hình nên tránh được tai mắt người Pháp.

Nghĩa quân nhiều người giỏi võ nghệ nên tiêu diệt được các đám thổ phỉ cũng như quân Pháp tuần tiễu.

Tài liệu người Pháp cũng tiết lộ: “Đặc biệt cũng do chính Lưu Kỳ mà Bãi Sậy đã nhận được nhiều súng ống từ Trung Quốc chuyển sang với giá rẻ”.

Lưu Kỳ có cách đánh giúp nghĩa quân thắng lớn

Tháng 8 năm 1889, Pháp cử hai binh đoàn tấn công nghĩa quân, do các sĩ quan người Pháp chỉ huy. Đồng thời Pháp cho một đội quân khác án ở phía bắc không cho nghĩa quân rút qua hữu ngạn sông Thương, ở phía nam cho tàu chiến tuần tiễu trên sông Lục Ngạn nhằm bao vây nghĩa quân.

Nhận tin Lưu Kỳ quyết định khi quân Pháp còn mạnh thì cần rút lui, đợi đến lúc quân Pháp hành quân truy tìm nơi vùng rừng núi mệt mỏi rồi lúc đó mới đánh.

Quân Pháp tấn công nghĩa quân, nhưng chỉ thấy những nơi bỏ hoang không có người, liền len lỏi truy tìm nghĩa quân dưới trời mưa gió và địa hình phức tạp. Không thấy nghĩa quân, quân Pháp liền bắt dân chúng khai ra nơi nghĩa quân ẩn náu, ai đã tiếp tế cho nghĩa quân. Nhưng dân chúng bảo vệ nghĩa quân nên quân Pháp không thu được kết quả gì.

Đúng lúc đang thất vọng không biết làm thế nào thì quân Pháp nhận được tin Lưu Kỳ vẫn đang ở căn cứ Bảo Đài. Ngày 27/8, một cánh quân Pháp tấn công Bảo Đài, Lưu Kỳ cho dân làm vườn không nhà trống, rồi ông rút khỏi Bảo Đài, đồng thời cho người giám sát cuộc hành quân của quân Pháp.

Quân Pháp tiến vào mà chẳng thấy gì, lại không bắt được người dân làm để làm phu dịch, chẳng có người thạo đường, nên đói khát mệt mỏi.

Lúc này Lưu Kỳ mới chọn trận địa mai phục là một con đường nhỏ, một bên là vách núi dựng đứng có cây cối um tùm, một bên là vực thẳm mà quân Pháp bắt buộc phải đi qua, cách căn cứ Bảo Đài 500m.

Quân Pháp rơi vào trận địa mai phục, nghĩa quân nổ súng, ngay loạt đạn đầu tiên đã khiến nhiều quân Pháp tử trận. Sau phút bỏ chạy vì kinh hoàng, các sĩ quan Pháp củng cố lại đội hình rồi giao chiến với nghĩa quân.

Nhưng càng đánh quân Pháp càng tổn thất nặng nề nên buộc phải rút lui. Quân Pháp không dám rút theo đường cũ vì sợ bị nghĩa quân lại mai phục đón đánh, nên rút theo đường rừng. Nhưng rừng núi là địa bàn mà nghĩa quân am tường nên quân Pháp liên tục bị tấn công.

Binh đoàn thứ hai của quân Pháp cũng bị mai phục. Cả hai binh đoàn Pháp bị động, cũng không gặp nhau như kế hoạch.

Đến giữa tháng 9 thì nhiều sĩ quan, lính Pháp cùng lính Triều đình bị tiêu diệt, quân Pháp phải rút lui.

Quân Pháp gia tăng càn quét

Sau chiến thắng vang dội, nghĩa quân Lưu Kỳ hoạt động rộng khắp vùng đông bắc gây tổn thất lớn cho quân Pháp. Nghĩa quân thường xuyên tấn công vào công trình đường sắt phủ Lạng Thương – Lạng Sơn, khiến kế hoạch của người Pháp khai thác than ở vùng Vịnh Hạ Long không triển khai được.

Để tách riêng nghĩa quân nhằm đối phó, ngày 5/11/1889, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Lục Nam bao gồm huyện Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Lục Ngạn, Hữu Lũng và Yên Bắc (Sơn Động), đặt tỉnh lỵ tại thị trấn Lục Nam.

Pháp cho đặt hệ thống cai trị các địa phương, đồng thời xây dựng các đồn binh với đội quân cơ động mạnh nhằm kiểm soát không cho nghĩa quân Lưu Kỳ hoạt động.

Đến năm 1890 nghĩa quân Lưu Kỳ lại hoạt động mạnh, người Pháp đánh giá nghĩa quân như sau:

“Lưu Kỳ là một người có nghị lực và rất thông minh đã làm cho đồng đội tin tưởng tuyệt đối. Ông là một thủ lĩnh du kích giỏi, biến hóa khôn lường, thông thạo lối tác chiến phục kích bất ngờ. Đội ngũ quân khởi nghĩa phức tạp phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Mặc dù vậy, Lưu Kỳ còn biết sử dụng thời cơ một cách khéo léo. Dân cư vùng Đông Triều là nơi Lưu Kỳ đóng quân từ lâu đã ủng hộ ông ta, một là có lợi, hai là do sợ hãi mà phụ thuộc vào Lưu Kỳ. Dân cư buộc phải tạo ra quãng trống xung quanh những toán quân được phái tới để đánh Lưu Kỳ. Đáng ra phải có những cứ điểm như một vài pháo đài dựng lên khá kiên cố dù chỉ là hình thức ngoài vỏ từng được biết như: Than Muội, Bù Đinh, Chợ Mới thì Lưu Kỳ đã rất khôn ngoan và chỉ lập ra ở vùng rừng núi hoang vu những sào huyệt tạm bợ, thực tế cũng chỉ được củng cố qua loa, địa điểm được giữ bí mật bất kỳ lúc nào cũng có thể rời đi nơi khác.”

(Theo “Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ” của Chabrol)

Ngày 11/10/1890, nghĩa quân Lưu Kỳ tiến đánh thị xã Lục Nam, tấn công cả vào Tòa công sứ khiến quân Pháp kinh hoàng.

Người Pháp phải lập thêm nhiều đồn bốt, tăng thêm quân, đưa 6 pháo thuyền ngày đêm tuần tra trên sông Lục Nam, cắt đứt đường tiếp tế của nghĩa quân, rồi mở thêm nhiều trận càn quét. Trước tình thế mới, Lưu Kỳ phải chuyển địa bàn hoạt động về Đông Triều.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Tài liệu:

  • Tham khảo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, tác giả là người con của vùng đất Bãi Sậy.
  • Tài liệu đánh máy của người Pháp ở Hải Dương
  • “Nhật ký hành quân” của Hoàng Cao Khải

Mời xem video: