Ngày Thần Tài: Không cầu mà được
- Quang Minh
- •
Như một tập tục xuất phát từ mong muốn có một năm mới an lành may mắn, phát tài phát lộc, cứ vào ngày Thần Tài mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là những người kinh doanh buôn bán sẽ thắp hương cúng lễ vào buổi sáng cho Thần Tài khi vừa mở cửa bán hàng.
Ngày Thần Tài năm nay rơi vào ngày 6/2 dương lịch. Vào ngày này, rất nhiều công ty, cửa hàng có thờ Thần Tài sẽ sắm lễ vật để cúng lấy vía, cầu xin một năm mới làm ăn được thịnh vượng về tài lộc, tiền bạc rủng rỉnh, công việc hanh thông, thuận buồm xuôi gió. Tại các cửa hàng vàng, sẽ không khó để nhìn thấy cảnh người dân xếp hàng dài chờ mua vàng cầu may.
Văn hóa thờ Thần Tài ở Việt Nam bắt nguồn từ Đạo gia. Theo truyền thuyết, Thần Tài hay Tài Bạch Tinh Quân vốn là một người đắc đạo tại núi Chung Nam. Ông trông coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà, ai oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Xưa kia, người ta thường vẽ Thần Tài hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, cưỡi cọp đen. Ở Việt Nam cũng có những truyện như “Sự tích cái chổi” để giải thích tập tục và sự thờ cúng thần may mắn nơi góc nhà. Thần Tài tại Việt Nam được thờ chung với Ông địa ở góc nhà, chứ không được cao ráo như bàn thờ tổ tiên.
Khái niệm Thần Tài cũng tồn tại ở phương Tây nữa. Nữ Thần Fortuna, hay trong văn hóa Hy Lạp là nữ Thần Tyche, được miêu tả là một nữ Thần mù quay vòng bánh xe số phận, thay đổi vị trí của những con người trên vòng quay đó – có người gặp bất hạnh, có người được may mắn. Nhưng vì nàng Fortuna bị mù, nên bánh xe số phận luôn luôn bất định, người ta có thể giàu có trong thoáng chốc, nhưng cũng có thể suy bại chỉ trong một phút giây.
Còn trong niềm tin tín ngưỡng chính thống của phương Tây, thì những trường ca lớn như Thần Khúc của Dante lại miêu tả Thần Tài trong một vũ trụ quan to lớn hơn nhiều. Theo đó, Đấng tối cao sáng tạo ra vũ trụ, sáng tạo ra Chư Thần, và cũng sáng tạo ra nhân loại nữa. Mỗi vị Thần đều được an bài để bảo vệ sự vận hành của vũ trụ, và có những vị Thần thì phụ trách các sự vụ ở thế gian. Chư Thần làm việc này tùy thuộc vào mệnh số chứ không phải là theo ý thích của con người.
Xem thêm: Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante – Tầng địa ngục thứ tư và ý nghĩa sự xuất hiện của Chư Thần
Tuy nhiên, dù phương Đông hay phương Tây, tín ngưỡng truyền thống chân chính đều thờ cúng Thần Tài thiên về tâm kính ngưỡng, cho rằng đây là vị Thần công minh, chưởng quản việc phân phát tài sản dựa theo phúc đức của con người. Tuy nhiên ngày nay, người Việt phần nhiều đều cầu xin Thần Tài ban phát may mắn cho bản thân. Đây là điểm thay đổi lớn nhất trong tín ngưỡng thờ Thần Tài nói riêng và thờ Thần Phật nói chung tại Việt Nam hiện nay.
Ở nhiều quốc gia phương Đông khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, v.v., phong tục thờ cúng Thần Phật nói chung diễn ra rất thanh bình và giản dị. Những ngôi đền của họ thực sự là chốn trang nghiêm, và người ta hòa vào nếp sống tín ngưỡng tâm linh với một sự bình dị, ấm áp. Nhưng ở Việt Nam, việc thờ cúng Thần Phật lại đi sang một chiều hướng tiêu cực: Người ta tranh giành, đấu đá, để cướp đoạt lấy một chút “lộc”; Người ta đốt thật nhiều vàng mã, đốt thật nhiều “đồ độc” như nhà giấy, xe hơi giấy, để mong được phát tài; Người ta đồn đại về những ngôi chùa “xin là được”, “cầu là ứng”… Tất nhiên vẫn còn một số ít đền chùa còn giữ được sự trang nghiêm của chốn linh thiêng.
Dường như người Việt đã quên rằng những giá trị đạo đức mới là cốt lõi của tín ngưỡng trong văn hóa truyền thống. Nếu như người ta tin vào sự công minh của Thần Phật thì tại sao còn phải áp dụng cái cơ chế “xin cho” mà xã hội Việt Nam đang còn muốn bỏ? Nếu như người ta tin vào lẽ nhân quả thì tại sao không chú tâm vào việc tu thân, tích đức, hành thiện, mà cứ phải là khấn vái, lạy lục, van xin? Nếu như người ta có thể sống vị tha, sống vì người khác, hay ít nhất là biết ước chế câu thúc bản thân, luôn có tinh thần trách nhiệm với mọi việc, thì bản thân sẽ an nhiên tự tại, tâm thái thanh tịnh, “vô sở cầu” mà tự sẽ có được hết thảy.
Ngày Thần Tài: Không cầu mà được
Ấy chính là niềm tin chân chính vào Thần Tài.
Quang Minh
Xem thêm:
Từ khóa tu hành lễ chùa Thần Phật thần tài tín ngưỡng tâm linh tín ngưỡng truyền thống thờ cúng Đạo gia Phật gia