Trong lịch sử người Việt hầu như rất lười đi. Nếu như Trung Quốc, Nhật Bản từ rất sớm đã có những người lang thang suốt trên khắp các chặng đường, tới núi sâu, rừng thẳm, phố xá để chơi bời, thưởng ngoạn thiên nhiên, tìm cao nhân học hỏi, tu hành, du thuyết, tìm kiếm bạn bè…. thì ở ta hầu như ít có chuyện tương tự.

Người Việt dường như thích “an cư”. Ai ở chỗ nào cứ ở yên chỗ đó. Có một cái nhà, một mảnh đất, một quê hương đã sống nhiều đời là một lợi thế lớn cả về vật chất, chính trị, lẫn tinh thần. Ai cũng sợ phải rời khỏi làng, khỏi quê cha đất tổ và phải trở thành kẻ… ngụ cư hoặc du thủ du thực. Những người không sống ở quê cha đất tổ hay lang bạt kì hồ thường bị hàng xóm, họ hàng, gia đình đả kích phản đối, châm biếm…

Kết quả là thông tin, tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm của người Việt không được lưu chuyển từ vùng này sang vùng khác tạo ra một hệ quả cộng hưởng có tính bùng nổ. Giao thông, liên lạc cũng không phát triển và truyền thống phục vụ lữ khách cũng không có.

Một hệ quả sâu xa nữa là lối sống đó không tạo ra một tâm thế vô hình của cộng đồng là hướng về cái phóng khoáng, bao la, tự do, vĩ đại, khao khát ôm trọn vũ trụ hoặc kết nối với siêu nhiên huyền bí.

Vậy nên rất khó có nghệ sĩ lớn, nhà thơ lớn, nhà tư tưởng vĩ đại…

Và cũng chẳng có nhiều những nhân vật kì bí, huyền hoặc, bí ẩn…

Bây giờ, người Việt lại đi nhiều khủng khiếp. Đến chỗ nào dù là rừng xanh núi đỏ hay sông sâu biển thẳm đều… kín những người. Nghe giọng nói biết là có người từ rất xa đến. Nhưng…

Lại nhưng…

Người Việt đi thế nhưng lười… đi bộ. Một chút cũng xe, cũng tàu, cũng cáp. Chỗ nào mà phải leo, phải đi bộ nhiều thì chỉ có… Tây máu.

Rồi thì cho dẫu đã đến nơi cũng rất ít người Việt quan sát, thưởng thức, ghi chép, thảo luận, tìm hiểu mà chủ yếu là “check in” lấy ảnh cúng facebook, zalo…

Đi kiểu đó không gắn với trải nghiệm có chiều sâu.

Tóm lại, ngay cả đi và lang thang rồi người Việt cũng phải học.

Ai mà đọc lịch sử và tinh ý sẽ nhận ra một điều nữa trong khi có nhiều nhân vật lớn của Trung Quốc, Nhật Bản khi chán quan, chán thế sự, không muốn tiếp tục công danh sự nghiệp nữa thì quảy gánh lên đường khám phá non sông, sống đời lữ khách trôi dạt vô định, tìm kiếm sự giác ngộ và hạnh phúc trong sự lang thang đó thì các nhà nho Việt Nam thuần túy chỉ là “tiến vi quan thoái vi sư”, bỏ về quê dựng một cái lều ở ẩn, đọc sách, ngâm thơ và có khi cả đời còn lại không ra khỏi cửa. Những nho sĩ lang bang kiểu như Phạm Thái là cực kì hiếm, cực kì độc đáo.

Điều này giải thích tại sao khi bước vào những năm 1920s với các trí thức, nhà thơ, nhà văn Tây học trẻ trung họ lại khát khao lang thang khủng khiếp thế, thích “xê dịch” thế. Hãy nhìn vào Tô Hoài, Nguyễn Bính, Lê Văn Trương… hồi đó mà xem.

Dù không có ai diễn ra rõ ra rằng họ cần phải đi để sửa lỗi cha ông nhưng rõ ràng họ có ý thức rất rõ về một cuộc hành trình tìm kiếm một cái gì đó mà người Việt đang… thiếu.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: