Ở Việt Nam ta mỗi khi thấy ai có học đại học, cao đẳng hoặc thậm chí sau đại học mà làm một công việc nghe có vẻ tầm thường nào đó như chạy xe, bán hàng, làm đồ thủ công… thì thường nói rằng như thế là “phí bằng”.

Điều ấy có đúng không?

Nó đúng 50%. Mảnh bằng chỉ là tờ giấy thông hành. Nó có giá trị với số cửa cần giấy thông hành nghiêm ngặt. Một số cửa khác thì không, ai qua cũng được nếu có năng lực.

Và ngay cả cửa cần giấy thông hành đó thì sau khi qua cửa rồi vẫn cần nhiều thứ khác ngoài bằng.

Nên bằng vừa cần, vừa không cần. Tùy từng trường hợp.

Bằng sẽ không phí cho dù bạn làm bất cứ việc gì nếu bạn làm nó bằng tất cả những gì bạn đã học được (kiến thức, kĩ năng, thái độ, phẩm chất…) trong quá trình có được mảnh bằng đó.

Tức là do một nguyên nhân nào đó, có thể là hoàn cảnh, có thể là lựa chọn, có thể là sở thích, bạn làm một công việc bình thường thậm chí tầm thường nhưng để khỏi “phí bằng” bạn phải làm nó một cách phi thường hoặc khác thường.

Kiểu như cùng là bán phở nhưng cử nhân bán phở nó phải khác người không học đại học bán phở.

Chỉ sợ bạn là cử nhân nhưng bán phở còn thua bác chưa học hết lớp 2 thôi.

Điều này nói lên rằng cho dù đã học hết đại học, cao đẳng, thực chất bạn chỉ lấy được mỗi mảnh bằng.

Văn hóa nói chung (văn hóa nền tảng) và các năng lực cơ bản hầu như không được phát triển tương xứng với mảnh bằng. Tức là phí tiền và thời gian đi học.

Tình trạng người đã tốt nghiệp đại học nhưng có nhận thức xã hội và văn hóa nói chung không hơn gì người không học và thậm chí còn tệ hơn là một chuyện rất đáng lưu tâm.

Nghĩa là suốt 3-4 thậm chí 5 năm học đó anh ta chỉ lấy được mỗi một cái bằng, còn lại không học được gì. Hoặc những cái học được là vô ích, không chút hữu dụng ngay cả với tư duy.

Học chỉ để bằng bạn bằng bè hay thỏa mãn chuyện “Con tôi cũng có bằng đại học” là chuyện ngớ ngẩn!

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: