“Mỹ tục khả phong” là danh hiệu mà Triều đình nhà Nguyễn phong cho những làng quê nào giữ được nét văn hóa tập tục cao đẹp. Đến nay có nhiều làng vẫn giữ được tấm biển được phong tặng này, xem như bảo vật của làng mình.

Làng tiến sĩ Đôn Thư

Làng Đôn Thư xưa kia thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc thành phố Hà Nội. Đây là ngôi làng văn vật, nhiều người làm quan qua các triều đại khác nhau.

Đôn Thư là ngôi làng cổ hơn 2.000 năm tuổi, được cho là có từ thời Hai Bà Trưng. Đình và Miếu làng được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992. Miếu làng thờ một nữ tướng thời Hai Bà Trưng đến nơi đây chiêu dân lập làng.

Đình làng thờ Quang Ý đại vương là một võ tướng triều Lý, có công dạy dân làm nghề nón Ngang (tức nón thúng quai thao), và truyền cho dân nghề tằm tang. Nhờ vậy mà làng Đôn Thư có nghề trồng dâu nuôi tằm, làm nón.

Làng có 30 người đỗ đạt từ Tam khôi đến tú tài, hầu hết các họ trong làng đều có người đỗ đạt. Dòng họ Nguyễn Hầu trong làng có 17 người được phong tước hầu bá. Đến thời nhà Nguyễn thì làng được phong tặng bức đại tự sơn son thếp vàng với 4 chữ “Mỹ tục khả phong”.

Làng văn hóa ẩm thực Ước lễ

Đây là làng nổi tiếng bởi văn hóa ẩm thực với các món giò, chả, nem và bánh chưng. Nghề truyền lại từ lâu, cho đến nay không còn ai nhớ từ thời nào. Đến thời nhà Nguyễn làng được vua Minh Mạng ban cho bức đại tự “Mỹ tục khả phong”, hẳn Vua đã ngự món giò chả cùa làng nên tìm hiểu quý mến tập tục của làng mà ban cho bức đại tự này.

Cổng làng được làm từ thời nhà Mạc với những hoa văn, chạm trổ tinh tế rất đẹp, sau đó được đắp thêm 4 chữ “Mỹ tục khả phong” do vua Minh Mạng ban tặng.

Đến nay làng Ước Lễ vẫn lưu truyền được nghề tuyền thống với khoảng 600 gia đình làm giò, chả, nem. Nhưng các gia đình này phân tán các nơi. Ở miền nam có khoảng 200 gia đình phân tán khắp các tỉnh thành, 400 gia đình làm nghề tại làng và Hà Nội.

Vài ngôi làng “mỹ tục khả phong” ở Hà Nội
Cổng làng Ước Lễ. (Ảnh: Trang thông tin điện tử Hà Thượng)

Làng Hương Ngải

Làng Hương Ngải trước kia thuộc huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Nay thuộc thành phố Hà Nội.

Thời vua Tự Đức có lệ khen thưởng cho làng xã hay cá nhân nào quyên góp của cải cho Triều đình, quyên góp trên 1.000 quan sẽ được phong tặng bức đại tự “Mỹ tục khả phong”.

Năm 1874, làng Hương Ngải được vua Tự Đức ban tặng bức đại tự này với nội dung được ghi trong bảng hiệu là: “Toàn dân Hương Ngải tổng Hương Ngải huyện Thạch Thất đi quyên góp tiền của giúp nước nên vinh hạnh được triều đình ban tặng: Mỹ tục khả phong”

Làng Hương Ngải cũng là vùng đất văn vật nổi tiếng. Làng được thành lập từ thời trước công nguyên với tên gọi là Chạ Ngái (hay Trại Ngái). Đến thời nhà Lý 3 anh em đỗ tiến sĩ là Liêu Hiến Chương, Liêu Hiến Quang, Liêu Hiến Thuật đổi tên thành làng Hương Ngải. Ba anh em được dân chúng phong làm Thành Hoàng. Làng vẫn còn lưu giữ 9 đạo sắc phong của các đời Vua từ thời nhà Lê đến nhà Nguyễn.

Làng có nhiều nghề thủ công như nghề mộc, nghề dệt… Đầu làng có quán “Nghinh Hương” là nơi chào đón các sĩ tử đỗ đạt cao vinh quy bái tổ về làng. Xung quanh có 7 cây cổ thụ được trồng theo hình sao Bắc Đẩu tượng trưng cho vùng đất văn vật.

Vài ngôi làng “mỹ tục khả phong” ở Hà Nội
Quán Nghinh Hương ở làng Hương Ngải. (Ảnh Báo điện tử Quốc phòng Thủ đô)

Đình làng có hơn 1.700 năm tuổi, là nơi lưu lại nhiều văn vật từ ngàn xưa và cả bức đại tự “Mỹ tục khả phong” do vua Tự Đức ban tặng.

Ngày nay làng Hương Ngải vẫn còn rất nhiều nhà làm bằng đá ong truyền thống với những cây cau, giàn trầu, mang đầy đủ nét đẹp làng quê bắc bộ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: