Thời Minh mạt, người Nữ Chân tiến đánh nhà Minh, đội quân Bát Kỳ đánh đâu thắng đó, các quan tướng nhà Minh sợ hãi lúng túng đối phó. Lúc đó nhà Minh vẫn còn một người có thể đứng ngăn cơn sóng dữ: Viên Sùng Hoán.

Đánh lui quân Bát Kỳ, giải cứu Kinh thành

Hoàng Thái Cực cho đội quân Bát Kỳ tấn công, đội thiết kỵ Quan Ninh chỉ có 9.000 người, lại phải di chuyển liên tục cả ngày đêm suốt chặng đường dài, dù rất mệt mỏi vẫn bền bỉ chống lại 10 vạn kỵ binh Bát Kỳ.

Theo “Thanh Thái Tông thực lục” thì cả các mãnh tướng thiện chiện nhất của đội quân Bát Kỳ là Đa Nhĩ Cổn, Mãng Cổ Nhĩ Thái, A Ba Thái, Hào Cách tấn công đội Thiết kỵ Quan Ninh ở cửa Quảng Cừ nhưng hoàn toàn bất lực.

Viên Sùng Hoán mặc áo giáp dày trực tiếp chỉ huy quân dàn trận chống trả. Sách “Liêu sư nhập vệ kỷ sự” mô tả lại rằng: “Mũi tên của quân giặc như mưa, hai bên sườn tua tủa như nhím, may có áo giáp nặng nên không xuyên qua.”

Viên Sùng Hoán (P4): Hàm oan mà chết, nhà Minh cũng sụp đổ
(Ảnh minh họa: Albert Hsieh, Flickr, CC BY-NC 2.0 Deed)

Biết quân cứu viện nhà Minh các nơi đang di chuyển đến, Hoàng Thái Cực sốt ruột đánh nhanh thắng nhanh nhằm bắt Hoàng đế Sùng Trinh. Nhưng sự xả thân kiên cường của đội quân Thiết kỵ Quan Ninh đã ngăn cản quân Kim.

Sau suốt 6 tiếng đồng hồ vẫn không sao tiến vào Kinh thành được, Hoàng Thái Cực quan sát thấy đội quân của Viên Sùng Hoán dàn trận rất có kỷ luật bài bản, dù phải chống lại đội quân đông hơn nhiều nhưng không hề rối loạn. Trong khi đó quân cứu viện các nơi vẫn liên tục xuất hiện các nhóm nhỏ kéo đến.

Biết không thể đánh lâu dài, Hoàng Thái Cực đành quyết định rút lui chờ cơ hội khác. Cũng chính từ trận đánh này mà người đời sau xem Viên Sùng Hoán là “Thần tướng”.

Viên Sùng Hoán không cho quân đuổi theo quá xa vì biết ngựa của người Nữ Chân phi nhanh hơn, cũng lo trúng kế quân Kim. Hơn nữa nhà Minh còn mối lo khác là quân của Lý Tự Thành từ phía nam.

Án oan nổi tiếng lịch sử

Sau trận chiến này nhà Kim hiểu rằng nếu không hạ được Viên Sùng Hoán thì không thể đánh bại nhà Minh được.

Dù Viên Sùng Hoán có công cứu nhà Minh, nhưng trong triều lại có những tiếng xì xào: “Vì sao Viên Sùng Hoán biết chuyện mà về kinh thành sớm thế?” Dư đảng của Ngụy Trung Hiền lại đưa ra tin: “Viên Sùng Hoán cấu kết với nhà Kim tấn công kinh đô hòng ép triều đình phải cầu hòa” thực hiện theo các yêu cầu của nhà Kim.

Những tin đồn này khiến Hoàng đế Sùng Trinh dần hoài nghi Viên Sùng Hoán. Hoàng Thái Cực nhận được tin này thì tìm cách ly gián Viên Sùng Hoán, để cho các tù binh mình bắt được nghe ngóng thông tin giả, như tin có mật ước riêng giữa Hoàng Thái Cực và Viên Sùng Hoán, rồi để các tù binh này trốn thoát trở về kinh thành báo tin.

Một số kẻ ghen ghét lại nói thêm vào khiến triều Minh trúng kế, cho rằng Viên Sùng Hoán dẫn hổ nhập quan để buộc Triều đình phải nghị hòa ký các điều ước có lợi cho nhà Kim. Một số khác cho rằng Viên Sùng Hoán kéo quân Kim đến vây thành, nên khi quân Kim rút đi thì lệnh không đuổi theo.

Hoàng đế Sùng Trinh triệu Viên Sùng Hoán vào triều rồi bắt giam lại. Sau hơn nửa năm bị giam trong ngục, tháng 8/1630, Viên Sùng Hoán bị xử tử vì tội phản quốc, thông đồng với địch. Những chiến công của ông khi đẩy lui quân Kim thì bị cho là quân Kim tự ý thoái lui. Ông bị xử ngũ mã phanh thây.

Dân chúng Bắc Kinh nghe lời Triều đình, tưởng rằng Viên Sùng Hoán thông đồng quân Kim thật cũng không tiếc lời mắng nhiếc ông.

Án oan của Viên Sùng Hoán rất giống với Nhạc Phi thời Tống. Vào thế kỷ 12 thời nhà Tống, quân Kim tấn công chiếm hết vùng đất Bắc Tống. Chỉ còn Nguyên soái Nhạc Phi đánh bại quân Kim tiến xuống phía nam, lại ra bắc lấy lại vùng đất đã mất. Thế nhưng ông vẫn bị cho là làm phản và bị khép tội chết.

500 năm sau quân Kim một lần nữa tiến đánh, lần này nhà Minh không sao chống cự, may lại có Viên Sùng Hoán đánh bại quân Kim hết lần này đến lần khác. Nhưng ông cũng bị vu cho tội phản quốc. Lịch sử thời Tống tận đã lặp lại vào thời Minh mạt.

Không còn ai bảo vệ nhà Minh

Tháng 5/1636, Hoàng Thái Cực đổi tên nước từ “Đại Kim” thành “Đại Thanh”, lý do là bởi nhà Minh (明) được cấu thành từ chữ nhật (日) và chữ nguyệt(月) đều mang hành hỏa. Trong khi đó chữ Thanh (清) được cấu thành từ bộ thủy (水) và chữ Thanh (青) mà xanh lam cũng là hành thủy. Thủy khắc hỏa, chữ “Thanh” này sẽ khắc được chữ “Minh”.

Năm 1644, quân Lý Tự Thành từ phía nam tiến vào kinh thành, Hoàng đế Sùng Trinh cấp báo cho Ngô Tam Quế đang đóng ở Sơn Hải Quan về ứng cứu. Thế nhưng Viên Sùng Hoán từng ngày đêm trở về ứng cứu, kết quả bị oan mà chết, vậy ai còn trung thành với triều đình nữa? Ngô Tam Quế nhận tin nhưng phải đến 10 ngày sau mới xuất quân.

Từ Sơn Hải Quan, Ngô Tam Quế dẫn quân ứng đi rất ung dung, vừa đi vừa nghe ngóng tin tức từ kinh thành xem số phận Hoàng đế Sùng Trinh và nhà Minh thế nào.

Trong khi đó tại kinh thành, quân Lý Tự Thành kéo vào. Hoàng đế Sùng Trinh chạy đến núi Cảnh Sơn rồi treo cổ trên cây tự tử, nhà Minh chấm dứt từ đây. Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh thì lên ngôi xưng là Đại Thuận Hoàng đế.

Ngô Tam Quế nghe tin Hoàng đế Sùng Trinh đã chết, nhà Minh diệt vong thì phân vân không biết nên thế nào. Đúng lúc đó hay tin ái thiếp của mình là Trần Viên Viên bị quân của Lý Tự Thành cướp mất, cha cũng bị chết, ông ta tức giận quay trở lại mở toang Sơn Hải Quan cho quân Thanh tiến vào nhằm diệt quân của Lý Tự Thành.

Gia đình đời đời gìn giữ ngôi mộ cho chủ tướng

Sau khi Viên Sùng Hoán bị xử ngũ mã phanh thây, người thị vệ thân cận của ông không màng nguy hiểm, nửa đêm trộm lấy thủ cấp của Viên Sùng Hoán chôn trong vườn nhà mình, cặn dặn con cháu đời đời phải giữ gìn ngôi mộ. Sau đó con cháu vâng lời, đến ngày giỗ đều có thắp hương cúng tế đầy đủ, lại đổi họ nhiều lần để tránh bị truy tìm, bảo vệ ngôi mộ.

Viên Sùng Oán là trung thần hay phản quốc thì nhà Thanh biết rõ nhất. Đến thời Hoàng đế Càn Long đã phục hồi danh dự và minh oan cho ông, đồng thời hết lời ca ngợi ông, dân chúng mới biết sự thật vụ án của ông, từ đó xem ông như “Thần tướng”.

Con cháu người thị vệ năm xưa lúc đó đã mang họ Xà, ngôi mộ không cần phải giấu nữa nên đã công khai cho dân chúng biết. Sau này ngôi mộ được xem là di tích lịch sử, con cháu đời đời của người thị vệ vẫn canh giữ ngôi mộ chủ tướng đến tận ngày nay.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: