Ngạn ngữ cổ có câu: “Nhà nghèo nhớ đến vợ hiền, nước nguy nhớ đến tướng tài”, từng có rất nhiều đất nước, triều đại hưng thịnh phồn vinh nhờ trọng dụng người hiền tài, bởi họ thực sự là cái phúc của muôn dân. Trong lịch sử và cổ học, một vị tướng quốc lừng danh hay được nhắc đến là Yến Tử.

Khi nhắc đến sự hưng thịnh của nước Tề thời Xuân Thu, người ta không thể không nhắc đến Yến Tử (Yến Anh). Ông làm quan trải hai đời vua, trở thành tướng quốc của nước Tề, được hậu thế nhìn nhận là một người tài đức vẹn toàn, thông minh cơ trí, cống hiến rất nhiều cho sự hưng thịnh của nước Tề. Có thể nói, Yến Tử là điển hình mẫu mực của một người tài đức, hết lòng vì dân chúng, nhân nghĩa liêm sỉ. Có rất nhiều điển cố ghi chép về đức hạnh và tài năng của Yến Tử, trong đó có ba điển cố được ghi chép trong cuốn “Yến Tử Xuân Thu” nêu bật tài đức của ông ở cả ba phương diện tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Tài đức của Yến Tử, vị tướng quốc lừng danh nước Tề
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Đối với vua và dân: Chính trực, liêm khiết

Một lần Yến Tử đang dùng bữa thì một vị quan truyền lệnh của Tề Cảnh Công đến. Yến Tử đứng lên nghênh đón và mời vị quan này cùng dùng bữa. Ông chia một nửa phần ăn của mình cho khách dùng, kết quả là cả hai cùng ăn không đủ no.

Sau khi vị quan trở về liền mang câu chuyện kể lại cho Tề Cảnh Công. Vua kinh ngạc nói: “Không ngờ nhà của tướng quốc lại nghèo như thế. Vậy mà xưa nay ta không hề biết, đây là lỗi của ta!”

Thế rồi, vua dùng một ngàn lượng vàng thu được từ tiền thuế chợ phái người đưa cho Yến Tử để Yến Tử tiếp khách. Yến Tử nói không cần dùng đến, vua ba lần phái người đi đưa tiền vàng cho Yến Tử nhưng cả ba lần ông đều kiên quyết không nhận.

Yến Tử thưa với Tề Cảnh Công:

“Thần không nghèo khổ, thần dựa vào bổng lộc của quốc quân mà sống đã là ân huệ cho gia tộc, đủ để giao du quan hệ, sao có thể nhận tiền của bách tính nghèo khổ. Bổng lộc mà quốc quân ban cho đã đủ dùng rồi.

Thần nghe nói, nhận châu báu của quân chủ ban thưởng rồi mang nó bố thí cho bách tính là thay mặt quân chủ lấy lòng dân. Người trung quân không làm như thế. Nhận châu báu của quân chủ rồi lại không bố thí cho bách tính là ăn trộm ân điển của quân chủ. Người nhân nghĩa không làm như thế. Trong nhà thần hiện cũng có vải vóc và lương thực đủ dùng. Tại sao thần phải nhận ban thưởng nhiều như thế?”

Tề Cảnh Công hỏi lại Yến Tử: “Trước đây tiên phụ dùng 500 thư xã phong cho tướng quốc Quản Trọng. Tướng quốc Quản Trọng không hề chối từ. Tại sao bây giờ khanh lại từ chối không nhận?”

Yến Tử hành lễ rồi trịnh trọng nói:

“Thần nghe nói: Người thấu đáo đến mấy thì trong một ngàn lần suy tính cũng có lúc tính không chu toàn. Người cho dù ngu dốt thì trong một ngàn lần suy tính cũng có lúc chuẩn xác. Thần nghĩ, Quản Trọng tuy là người thông minh thì cũng có lúc suy tính không chu toàn, thần tuy ngu dốt thì cũng có lúc suy tính đúng đắn. Việc Quản Trọng sơ suất thì thần không muốn lặp lại. Vì thế mà thần mới liên tục chối từ.”

Tề Cảnh Công nghe xong chỉ biết gật đầu bội phục.

Đối với ngoại giao: Tài năng hơn người

Một lần Yến Tử được phái đi sứ nước Sở. Sở Vương hay tin liền bàn với quan đại thần: “Yến Tử là người giỏi hùng biện, miệng lưỡi ông ta rất lợi hại. Hiện giờ ông ta phụng mệnh đi sứ nước ta, ta muốn làm nhục ông ta một phen.”

Có người hiến kế:

“Khi ông ấy tới, hãy bắt một người trói lại rồi dẫn tới trước mặt. Sau đó quốc quân sẽ hỏi: Người này phạm tội gì? Chúng thần sẽ thưa: Ông ta người nước Tề, vì tội ăn cắp nên phải bị trừng phạt. Như thế chẳng phải là đã sỉ nhục ông ta rồi đúng không?”

Sở Vương vừa nghe xong liền vỗ tay khen hay.

Một thời gian ngắn sau thì Yến Tử đến nước Sở bái kiến Sở Vương. Sở Vương tổ chức yến tiệc thiết đãi Yến Tử. Trong lúc hai bên đang uống rượu cao hứng thì có hai sai dịch kéo một người đầu tóc rối bù đi tới. Sở Vương hỏi với vẻ không vui: “Các người trói ai thế?”

Hai tên sai dịch vội thưa: “Hắn là người nước Tề, phạm tội ăn cắp.”

Sở Vương vừa nghe xong thì quay sang nhìn Yến Tử hỏi: “Người nước Tề trời sinh đã thích ăn cắp sao?”

Yến Tử nhìn lại Sở Vương rồi đứng lên rời khỏi chỗ ngồi mới trịnh trọng đáp lại:

“Tôi nghe nói, cây quýt trồng tại phía nam sông Hoài, thì có thể sinh ra trái quýt ngọt; nhưng trồng ờ phía bắc sông Hoài, thì lớn lên thành quýt hôi, cành lá thì như nhau, nhưng quả của nó mùi vị thật không giống nhau. Nguyên nhân tại đâu? Ðó là vì lượng nước, đất đai không giống nhau. Bây giờ người này lúc ở nước Tề thì không trộm cướp, nhưng đến nước Sở thì trở thành trộm cướp, phải chăng nước và đất đai của Sở khiến cho người ta trở thành trộm cướp?”

Sở Vương nghe xong thì gượng gạo nói: “Người hiền lại thông minh, quả không thể đùa cợt. Ta đúng là tự mình làm khó mình.”

Đối với gia đình: Đức độ, một lòng một dạ

Yến Tử không chỉ là một vị tể tướng thanh liêm tài đức mà ông còn là người chồng một lòng một dạ, tình nghĩa son sắt.

Một lần, Tề Cảnh Công đến nhà Yến Tử làm khách. Lúc hai người đang uống rượu, vua nhìn thấy vợ của Yến Tử đi qua, liền hỏi: “Đó là thê tử của khanh à?”

Yến Tử trả lời: “Đúng vậy.”

Tề Cảnh Công cười và nói: “Cô ta vừa già lại vừa xấu. Ta có một đứa con gái, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp. Ta nghĩ chi bằng gả cho khanh.”

Yến Tử nghe xong, lập tức đứng dậy, cung kính trả lời:

“Hiện giờ, vợ của thần vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp đã cùng thần chung sống lâu dài. Hơn nữa, làm vợ vốn dĩ là trao thân gửi phận cả đời, từ lúc trẻ trung xinh đẹp cho đến lúc già nua xấu xí. Vợ thần khi còn trẻ đã phó thác cuộc đời cho thần, thần đã tiếp nhận lòng tin cậy ấy. Quân vương tuy rằng hiện giờ muốn ban thưởng, nhưng làm sao thần có thể phụ bạc lòng tin của thê tử được?”

Yến Tử bái mấy bái xin tạ ơn và từ chối Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công thấy Yến Tử dứt khoát, coi trọng tình nghĩa vợ chồng như vậy nên từ đó trở đi cũng không nhắc lại thêm lần nào nữa.

An Hòa

Xem thêm:

Mời xem video: