“Trong khi tăng trưởng việc làm vẫn duy trì được khả năng chống chịu…, tình trạng người lao động có việc làm vẫn nghèo đã chạm đáy”, là một trong những nhận định tại báo cáo Triển vọng việc làm và xã hội thế giới: xu hướng 2024 do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố.

lao dong vietnam
Một lao động thiếu niên trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Claudine Van Massenhove/Shutterstocks)

Một nền kinh tế chống chịu

Theo báo cáo mới nhất của ILO, bối cảnh suy thoái kinh tế nặng nề khiến cho thấy sự chống chịu mạnh mẽ của việc làm, song, tình trạng mong manh đã bắt đầu xuất hiện.

Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến tăng nhẹ vào năm 2024 được xác định là do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm và tăng trưởng việc làm chậm lại, đẩy tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng. Dự kiến sẽ có thêm 2 triệu người lao động đang tìm kiếm việc làm trong năm 2024, khiến tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng từ 5,1% vào năm 2023 lên 5,2% vào năm 2024, chỉ thấp hơn 1% so với năm 2022 (5,3%).

Theo ILO, đầu tư vẫn ở mức duy trì chống chịu, nhưng tăng trưởng năng suất lao động tiếp tục giảm tốc, hiện đã trở lại tốc độ thấp đã ghi nhận trong thập kỷ trước. Sự gia tăng đầu tư ở nhiều nước tiên tiến và một số nước đang phát triển dường như không thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động, “có lẽ là do tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ năng suất thấp và xây dựng” theo ILO.

“Trong thời kỳ năng suất tăng trưởng chậm, thu nhập thực tế khả dụng và tiền lương thực tế thường dễ bị tổn thương trước những cú sốc giá đột ngột” – ILO lưu ý. Do chỉ một số ít doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng nên hầu hết người lao động và gia đình phải đối mặt với sự sụt giảm nhanh chóng về thu nhập thực tế khả dụng của mình.

Theo ILO, sự xói mòn về thu nhập thực tế khả dụng là điềm báo xấu cho tổng cầu và sự phục hồi kinh tế bền vững hơn. Điều quan trọng là khi tổng cầu sụt giảm, tăng trưởng năng suất sẽ bị ảnh hưởng do các công ty không tạo ra đủ doanh thu để đầu tư và đầu tư công nghệ.

Sự xói mòn của tiền lương thực tế và mức sống do tỷ lệ lạm phát cao và dai dẳng, cũng như chi phí nhà ở tăng cao được xác định là khó có thể hồi phục được nhanh chóng.

Người lao động ‘có việc làm vẫn nghèo’

Tiền lương thực tế đã giảm ở phần lớn các nước G20 và nhìn chung, sự xói mòn mức sống do lạm phát “khó có thể được bù đắp nhanh chóng”.

Trong năm 2023, số lượng người lao động sống trong tình trạng nghèo cùng cực (kiếm dưới 2,15 USD/ngày/người tính theo sức mua tương đương – PPP) tăng khoảng 1 triệu người trên toàn cầu. Cùng thời gian, số lượng người lao động sống trong tình trạng nghèo ở mức vừa phải (kiếm được ít hơn 3,65 USD/ngày/người tính theo PPP) tăng 8,4 triệu người. Lưu ý, tỷ lệ nghèo vừa phải giảm chỉ thấy được ở những nước có thu nhập trung bình cao hơn.

Ngoài ra, sự khác biệt lớn vẫn tồn tại giữa các quốc gia có thu nhập cao và các quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn. Năm 2023, tỷ lệ khoảng cách việc làm ở các nước thu nhập cao là 8,2%, tỷ lệ này ở nhóm các quốc gia thu nhập thấp hơn là 20,5%. Tương tự, tỷ lệ thất nghiệp năm 2023 ở các nước thu nhập cao duy trì ở mức 4,5%, nhưng lên tới 5,7% ở các nước thu nhập thấp.

Các nước đang phát triển mắc nợ cao đặc biệt có nguy cơ nhanh chóng rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính khi điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt, gây nên những tác động đáng kể đến việc làm, điều kiện làm việc và tăng trưởng tiền lương.

Báo cáo của ILO cho hay mối quan ngại về tình trạng thiếu lao động và thiếu kỹ năng vẫn ở mức cao, ít nhất ở các nước tiên tiến và một số nền kinh tế mới nổ. Tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra dai dẳng ở các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và công nghệ thông tin truyền thông (ICT).

Đáng lo ngại nhất là tình trạng của thanh niên, khi tỷ lệ tham gia lao động của nhóm này tăng nhưng một tỷ lệ lớn thanh niên đã rời bỏ thị trường lao động và không theo đuổi bất kỳ hình thức đào tạo nào, và họ tiếp tục gặp trở ngại khi quay lại làm việc. Tỷ lệ người NEET (không được đào tạo, không học hành hoặc không có việc làm) vẫn ở mức cao, đặc biệt là phụ nữ trẻ.

ILO dự báo trong tương lai gần, tỷ lệ phi chính thức dự kiến sẽ không được cải thiện thêm nữa, với con số 58% việc làm toàn cầu năm 2024 là phi chính thức. Tương tự, tình trạng người lao động có việc làm vẫn nghèo có thể vẫn tiếp diễn.

Nguyễn Minh