Trung Quốc có kế hoạch trong vài tháng tới mua lượng kỷ lục kim loại coban lên tới 15.000 tấn. Tương tự nhiều vấn đề khác, thực thế cho thấy tình trạng trợ cấp nhà nước Trung Quốc trong khai thác mỏ đang gây bất bình đẳng cạnh tranh toàn cầu, khiến nhiều công ty trong ngành tại phương Tây điêu đứng.

1620px Kobalt electrolytic and 1cm3 cube
Tình trạng bành trướng quốc tế của ngành khai thác mỏ Trung Quốc làm lũng đoạn thị trường toàn cầu. (Ảnh minh họa coban: Alchemist-hp/ wikipedia)

Đơn hàng kỷ lục của Trung Quốc

Reuters dẫn 3 nguồn tin cho hay, Trung Quốc có kế hoạch trong những tháng tới mua hơn 15.000 tấn kim loại coban để bổ sung lượng dự trữ, đây sẽ là đợt mua hàng có khối lượng kỷ lục.

Trung Quốc thống trị việc chế biến coban, phần lớn coban đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo dưới dạng là phụ phẩm của các mỏ đồng. Coban được sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ, cũng dùng sản xuất nam châm từ tính mạnh cho thiết bị liên lạc.

Một nguồn tin trong ngành cho biết: “Số lượng có thể lên tới 15.000 tấn, nếu tôi không lầm thì đây sẽ là số lượng lớn nhất trong một lần mua hàng”.

Hai nguồn tin cho biết, một số coban được Cơ quan Dự trữ Ngũ cốc và Vật liệu Quốc gia Trung Quốc mua có thể được sử dụng trong thiết bị quân sự.

Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết vẫn chưa có thỏa thuận nào giữa cơ quan dự trữ nhà nước Trung Quốc và các nhà sản xuất: “Họ (bên mua Trung Quốc) đã yêu cầu nhà sản xuất cung cấp số liệu về hàng tồn kho và giá cả. Họ sẽ đàm phán cho đến khi đạt được thỏa thuận”.

Nguồn tin thứ 3 cho biết, đại thể mức giá mà các nhà sản xuất đang tìm kiếm là 205 nhân dân tệ, gần với giá coban hiện tại vào khoảng 12 USD/pound, tức mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Các nguồn tin trong ngành cho biết Trung Quốc có kế hoạch mua 15.000 tấn coban, điều này sẽ làm giảm thặng dư của thị trường trong năm nay xuống còn khoảng 20.000 tấn. So sánh, mức dư thừa vào năm 2022 khoảng 11.000 tấn và vào năm 2023 khoảng 16.000 tấn – con số này không bao gồm số lượng Trung Quốc mua để dự trữ trong những năm đó.

Một nguồn tin chia sẻ: “Động thái này sẽ giảm một số áp lực lên giá coban, nhưng với sản lượng coban của Congo thì vấn đề sẽ không tác động nhiều đến dư cung của thị trường”.

Theo Darton Commodities, nguồn cung của Congo năm ngoái chiếm 77% tổng nguồn cung toàn cầu: hơn 170.000 tấn.

Tập đoàn molybdenum Lạc Dương (CMOC Group) Trung Quốc đang mở rộng sản xuất tại Congo, vào năm ngoái các mỏ Tenke Fungurume và Kisanfu của họ ở Congo đã sản xuất hơn 55.500 tấn coban, còn trong quý đầu tiên của năm 2024 này đã sản xuất tổng cộng 25.200 tấn coban.

Các nhà sản xuất coban Trung Quốc dường như không bị ảnh hưởng bởi tình trạng dư cung và giá lao dốc, được biết một bộ phận nhà sản xuất còn được hưởng lợi từ hỗ trợ của nhà nước trong hoạt động khai thác coban vốn rất quan trọng đối với ngành công nghiệp xe điện và chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc.

Bắc Kinh để mắt tới các mỏ niken ở New Caledonia

Trong bối cảnh tỉnh đảo Nouvelle-Calédonie của Pháp ở phía nam Thái Bình Dương bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình bạo lực, một yếu tố gây bất ổn khác đang nổi lên ở quần đảo: ảnh hưởng của Trung Quốc. Yếu tố Trung Quốc len lỏi khắp Thái Bình Dương, triển khai mạng lưới internet và để mắt tới trữ lượng niken dồi dào ở New Caledonia, ngay cả khi điều đó có nghĩa là hỗ trợ các phong trào gây bất ổn của những phe ly khai.

New Caledonia có trữ lượng khoáng niken lớn thứ hai thế giới là loại rất quan trọng để sản xuất pin dùng trong ô tô điện, mục tiêu chính của Bắc Kinh là tiếp cận các mỏ niken của quần đảo này.

Giáo sư kinh tế Anna Creti tại Đại học Paris Dauphine giải thích rằng khoáng sản niken không phải là vấn đề quan tâm duy nhất của Trung Quốc ở New Caledonia.

Bà chỉ ra chi tiết hơn trên chương trình phát thanh Europe 1 rằng, “Niken cũng có thể coi là cửa ngõ dẫn tới các lợi ích địa chiến lược. Không thể bỏ qua vị trí địa lý của New Caledonia, vị trí còn giúp Trung Quốc thể hiện trong chiến lược mở rộng ra không gian biển, điều này rất quan trọng và đây cũng là khu vực còn trống trong lĩnh vực biển của Trung Quốc”.

Một New Caledonia độc lập thực sự có thể rơi vào phạm vi ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giống như Vanuatu và các lãnh thổ Thái Bình Dương khác trước đó.

Đây là lý do tại sao các cơ quan tình báo Pháp đã khẳng định rằng Bắc Kinh ủng hộ phong trào độc lập của người Kanak bản địa, đặc biệt thông qua Hiệp hội Hữu nghị Trung Quốc-Caledonia do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát và tài trợ.

Trong một báo cáo công bố năm 2021 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quân sự Pháp liên kết với Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, chính quyền Pháp đã cảnh báo về tình trạng này: sẽ có một New Caledonia độc lập, trên thực tế vấn đề xảy ra dưới ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Các nước phương Tây từ hai thập niên trước đã thống trị thị trường niken, là chất được sử dụng trong thép không gỉ và động cơ máy bay, tàu ngầm…, và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong pin điện. Nhưng Trung Quốc đã đầu tư vào niken thông qua Indonesia và Nga, giúp họ hiện chiếm 75% thị trường này. Họ nhận thấy rằng cách tốt nhất để loại bỏ khả năng cạnh tranh của phương Tây là sản xuất dư thừa thật nhiều để giảm giá: giá đã giảm 45% vào năm 2023. Thủ đoạn này mang lại hiệu quả và đang tiến triển rất tốt. Các chuyên gia cũng chỉ ra sức mạnh áp đảo của Trung Quốc và Nga trong vấn đề này, nhưng cần phải chặn lại. Họ cũng cảnh báo về vấn đề không còn nhà máy chế biến niken luyện kim nào ở châu Âu trong bối cảnh khu vực đang thúc đẩy thị trường ô tô điện.

Trợ cấp nhà nước của Trung Quốc gây bất bình đẳng cạnh tranh

Bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm phá vỡ độc quyền của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng, các công ty Trung Quốc vẫn củng cố thêm thống trị qua đầu tư và mở rộng quy mô lớn đã khiến giá khoáng sản toàn cầu sụt giảm, khiến các công ty khai thác phương Tây phải chịu áp lực rất lớn và thiếu vốn, khó cạnh tranh với Trung Quốc. Mặc dù các chính phủ phương Tây đã thực hiện các biện pháp nhằm cố gắng đảo ngược tình hình nhưng vẫn chưa thấy kết quả.

Theo tin mới nhất của tờ WSJ, các nước phương Tây trong những năm gần đây dù đang cố gắng phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc về khoáng sản cần thiết cho quốc phòng và công nghệ xanh, nhưng thống trị của các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng. Các công ty Trung Quốc đã mở rộng kinh doanh và tăng nguồn cung khoáng sản, khiến giá thị trường toàn cầu giảm và gây khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh.

Trung Quốc đã đầu tư lớn vào tất cả các khía cạnh của chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, hiện vẫn đang tăng cường những nền tảng đầu tư này. Lấy trường hợp niken là chất cần thiết để sản xuất pin cho xe điện, Trung Quốc đã khai thác số lượng lớn niken ở Indonesia, thao túng thị trường, trong khi các đối thủ phương Tây gặp khó khăn. Công ty khai thác mỏ khổng lồ Glencore của Thụy Sĩ đã đình chỉ hoạt động nhà máy niken ở Pháp của họ, trong khi mỏ mới tại Brazil của công ty Horizonte Minerals đến từ Anh đã khốn đốn vì giới đầu tư rút vốn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên thị trường lithium. Các dự án khai thác lithium ở Mỹ và Úc đã bị trì hoãn hoặc đình chỉ do sản lượng lithium tăng vọt ở Trung Quốc và châu Phi.

Mỏ chuyên coban duy nhất ở Mỹ đã đình chỉ hoạt động chỉ sau 5 tháng hoạt động, nguyên nhân là do lượng lớn coban Trung Quốc khai thác ở Indonesia và Congo và chế biến ở Trung Quốc đã tràn ngập thị trường, khiến các công ty khai thác phương Tây khó cạnh tranh. Năm ngoái, sản lượng coban tinh chế được xử lý bên ngoài Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm.

Các quan chức phương Tây đã bày tỏ quan ngại về chiến thuật của Trung Quốc. Phó Thủ tướng Chrystia Freeland của Canada chỉ ra động thái của Trung Quốc cố tình hạ giá thị trường, khiến các công ty ở các nền dân chủ có thị trường tự do khó tồn tại – quan điểm này phổ biến ở phương Tây.

Ngành công nghiệp khai thác mỏ được chính phủ Trung Quốc coi là ưu tiên quốc gia, theo đó đã đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. So với các công ty Trung Quốc nhận được số tiền trợ cấp lớn của chính phủ, các công ty phương Tây gặp khó khăn trong việc huy động vốn và nhiều dự án khai thác không thể triển khai do rủi ro cao. Trước tình trạng này, năm 2022 Mỹ thông qua luật để kích thích mua khoáng sản trong nước hoặc từ các nước có hiệp định thương mại tự do, qua đó tránh sử dụng khoáng sản được khai thác hoặc chế biến từ Trung Quốc. Mới đây vào ngày 14/5 Nhà Trắng đã công bố mức thuế mới đối với Trung Quốc, hy vọng thúc đẩy nhu cầu đối với khoáng sản phương Tây.

Văn Long, Vision Times