Vấn nạn lao động cưỡng bức là vấn nạn nhức nhối, vì loại hình lao động này vi phạm nhân quyền khi người lao động bị trong thế cưỡng ép phải làm những nhiệm vụ mà họ không muốn, điều kiện đãi ngộ thường không minh bạch và mang tính bóc lột tước đoạt. Trong khi Mỹ coi việc loại bỏ lao động cưỡng bức là một mệnh lệnh đạo đức, châu Âu cũng đang có những hành động mạnh mẽ hơn với mục tiêu đặc biệt liên quan ĐCSTQ.

Volkswagen
Nhà máy sản xuất ôtô của Volkswagen tại Urumqi, Tân Cương. (Ảnh: Volkswagen.com)

Ngày 10/6, công ty con Dior Srl ở Ý của thương hiệu xa xỉ Dior (Pháp) đã bị tòa án Milan ra lệnh cưỡng chế quản lý trong một năm, nguyên nhân là do công ty này  đã ký hợp đồng phụ trong một số công việc với các nhà thầu Trung Quốc có liên quan đến lao động cưỡng bức. Tòa án đã quy trách nhiệm đối với công ty Dior không thực hiện tốt giám sát và điều tra môi trường làm việc và điều kiện làm việc của các nhà thầu này cũng như vấn đề đãi ngộ nhân viên của họ.

Trước đó, vào tháng Một và tháng Tư, công ty của các thương hiệu thời trang nổi tiếng Alviero Martini (Martini) và Armani đã bị tòa án Milan cưỡng chế trong hoạt động quản lý vì vấn đề tương tự.

Reuters dẫn nguồn tin cho biết, các công tố viên ở Milan – Ý đang điều tra nhắm vào hơn chục thương hiệu thời trang khác xem liệu có xảy ra vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ hay không. Vào ngày 6/12 năm ngoái, một trường đại học của Anh (Đại học Sheffield Hallam) đã được Liên minh Tiến bộ của các nhà Xã hội và Dân chủ (Progressive Alliance of Socialists and Democrats) trong Nghị viện châu Âu ủy quyền công bố báo cáo điều tra “Theo dõi nguồn cung quần áo từ Vùng Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) đến châu Âu” (Tracing Clothing Supply Chains from the Uighur Region to Europe), cung cấp thêm bằng chứng về mối liên hệ giữa các thương hiệu quần áo nổi tiếng của châu Âu và lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ.

Những vụ việc nêu trên cho thấy EU có xu hướng tăng cường trấn áp lao động cưỡng bức.

Mới ngày 23/4, Nghị viện châu Âu với đa số tuyệt đối là 555 phiếu thuận, 6 phiếu phản đối và 45 phiếu trắng, đã thông qua dự luật cấm bán, xuất nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức tại thị trường EU.

Dự luật nhằm mục đích xóa bỏ khỏi thị trường châu Âu những hàng hóa từ lao động cưỡng bức. Các biện pháp cụ thể bao gồm: Các nước thành viên EU có thể loại bỏ các sản phẩm bị phát hiện sử dụng lao động cưỡng bức và các sản phẩm sản xuất tại EU được làm từ nguyên liệu nước ngoài sử dụng lao động cưỡng bức; với những sản phẩm khả nghi, các nhà nhập khẩu sẽ buộc phải cung cấp thông tin chi tiết về nhà sản xuất; Ủy ban châu Âu có thể tiến hành điều tra khi có nghi ngờ về chuỗi cung ứng của các nước ngoài EU, nếu điều tra chứng minh được sản phẩm có vấn đề lao động cưỡng bức, các sản phẩm liên quan sẽ bị tịch thu tại biên giới và phải rút khỏi thị trường cũng như bị xóa khỏi các nhà bán lẻ trực tuyến trên thị trường châu Âu, các công ty không tuân thủ sẽ bị trừng phạt (Dự luật đang chờ Hội đồng EU phê duyệt lần cuối, sau đó các nước EU có thời gian ân hạn ba năm để thực hiện các điều khoản của dự luật).

Người ta thường tin rằng mặc dù dự luật không đề cập đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhưng ý định nhắm vào là rất rõ ràng.

Mỹ đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn

Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo vào ngày 11/6 về việc 3 công ty thủy sản, nhôm và giày dép có trụ sở tại Trung Quốc được đưa vào danh sách thực thể của Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), theo đó hàng hóa do các công ty này sản xuất sẽ bị cấm nhập cảnh Mỹ.

Đến nay, FLETF (Lực lượng đặc nhiệm thực thi lao động cưỡng bức) của Mỹ đã bổ sung 68 thực thể vào danh sách thực thể UFLPA kể từ khi UFLPA được ký thành luật vào tháng 12/2021. Chỉ trong 12 tháng qua, danh sách thực thể đã tăng 240%. Các thực thể này bao gồm các lĩnh vực như nông nghiệp, quần áo, pin, hóa chất, điện tử, phụ gia thực phẩm, thiết bị gia dụng, kim loại màu, polysilicon và nhựa. Sau khi Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ triển khai UFLPA vào ngày 21/6/2022, cơ quan này đã tịch thu hàng hóa trị giá hàng tỷ đô la và buộc các nhà sản xuất Trung Quốc có liên quan vấn đề lao động cưỡng bức phải tổ chức lại chuỗi cung ứng vận hành.

Chính phủ Mỹ rất coi trọng việc chống lao động cưỡng bức, đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm thực thi pháp luật lao động cưỡng bức liên ngành (FLETF). FLETF bao gồm 7 cơ quan thành viên: Bộ An ninh Nội địa (Chủ tịch), Văn phòng Đại diện Thương mại, Bộ Lao động, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, và Bộ Thương mại. Ngoài ra, Chủ tịch cũng mời các cơ quan quan sát viên sau: Cục Phát triển Quốc tế (USAID), Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới, Bộ Nông nghiệp, Bộ Năng lượng, Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa của Cục Di trú và Hải quan, và Hội đồng An ninh Quốc gia.

Mỹ coi việc loại bỏ lao động cưỡng bức là một mệnh lệnh đạo đức. Hơn nữa, lao động cưỡng bức là hành vi thương mại không công bằng gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu liên quan vấn đề ứng xử với người lao động. Trọng điểm liên quan vấn đề này của cơ quan chấp pháp Mỹ là hàng hóa đến từ Tân Cương – Trung Quốc.

Vào ngày 10/8/2018, Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt chủng tộc tuyên bố rằng, Chính phủ Trung Quốc đã giam giữ 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong “các trại giam bí mật lớn”. Vào năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã coi việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ là tội ác diệt chủng. Vào năm 2021, Mỹ đã ban hành Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), luật xác định cấm nhập khẩu vào Mỹ bất kỳ hàng hóa nào được khai thác, sản xuất ở Tân Cương, hoặc các sản phẩm do một số thực thể nhất định sản xuất có thể liên quan đến lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ; trừ khi các công ty nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương hoặc Trung Quốc có thể chứng minh rằng sản phẩm của họ vào Mỹ không chứa lao động đó.

Đánh giá tình hình hiện nay, những nỗ lực chống lao động cưỡng bức của Mỹ khá hiệu quả. Chẳng hạn, vào tháng Hai năm nay, công ty Volkswagen xác nhận hàng ngàn xe Porsche, Bentley và Audi đã bị giữ lại các cảng của Mỹ do phụ tùng Trung Quốc họ dùng bị xác định vi phạm luật lao động cưỡng bức.

Quốc hội Mỹ cũng rất quan ngại về vấn đề lao động cưỡng bức. Vào ngày 20/5 Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ công bố một cuộc điều tra cho thấy, các nhà sản xuất ô tô gồm BMW, Jaguar Land Rover và Volkswagen đã sử dụng linh kiện từ một nhà cung cấp Trung Quốc bị nghi ngờ liên quan lao động cưỡng bức. Ngày 5/6, Chủ tịch Ủy ban tuyển chọn Hạ viện Mỹ về ĐCSTQ đã gửi thư tới Bộ An ninh Nội địa, cáo buộc hai nhà sản xuất pin Trung Quốc là Gotion và CATL có liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức của chính phủ Trung Quốc chống lại người Duy Ngô Nhĩ, do đó nên cho hai công ty này vào danh sách đen nhập khẩu của Mỹ.

Kết luận

Hoạt động vì nhân quyền của Mỹ và châu Âu nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức rõ ràng là nhằm vào ĐCSTQ. Giờ đây, cuộc cạnh tranh kinh tế giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây không chỉ giới hạn ở các vấn đề chống bán phá giá, thuế quan và an ninh quốc gia, mà đang mở rộng theo mọi phương diện. Đặc biệt, vấn đề nhân quyền và bảo vệ người lao động đã trở thành một chính sách quan trọng của Mỹ và châu Âu nhằm chống lại sự bành trướng kinh tế của ĐCSTQ.

—–

Lao động cưỡng bức là gì?

Cái gọi là lao động cưỡng bức được định nghĩa trong Công ước Lao động Cưỡng bức (Công ước số 29) năm 1930 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là: Bất kỳ công việc hoặc dịch vụ nào thực hiện bằng cách đe dọa trừng phạt, ép buộc, đó là do cưỡng bức mà không phải xuất phát từ tâm nguyện của người lao động.

Các vấn đề liên quan xác định Lao động Cưỡng bức được ILO đưa ra bao gồm 11 loại sau: Lợi dụng người khác hoàn cảnh khó khăn, lừa đảo, hạn chế quyền tự do đi lại, cô lập, bạo lực thể chất và tình dục, đe dọa và uy hiếp, giữ lại giấy tờ tùy thân, giữ lại tiền lương, ràng buộc nợ nần, ngược đãi điều kiện sống và làm việc, làm thêm giờ tùy tiện.

Chỉ cần có tình trạng xảy ra một trong các dấu hiệu trên thì có nghĩa là có sự tồn tại của lao động cưỡng bức. Nhưng cũng có những hoàn cảnh cần xác định có vấn đề tồn tại của vài dấu hiệu để kết luận đó là vấn đề lao động cưỡng bức. Tóm lại, 11 vấn đề trên là bao quát những vấn đề chính về lao động cưỡng bức.

Vào ngày 27/2/2024, Tổ chức Lao động Quốc tế đã sửa đổi hướng dẫn thực tế về khảo sát tỷ lệ lao động cưỡng bức, cung cấp bộ hướng dẫn cập nhật để thiết kế, thực hiện và phân tích các khảo sát định lượng về lao động cưỡng bức, theo đó bổ sung khái niệm “lao động cưỡng bức của nhà nước”. Theo Adrian Zenz, người đặt ra khái niệm này là Chủ nhiệm Ban nghiên cứu Trung Quốc tại Bảo tàng Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản ở Washington, thuật ngữ này nhằm mô tả tình trạng vô hình và bí mật của việc hình thành lao động cưỡng bức do lãnh đạo nhà nước [ĐCSTQ] nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng. Việc hình thành lao động cưỡng bức này không dựa trên việc giam giữ mà đạt được thông qua các nhóm công tác của nhà cầm quyền tiếp cận các làng và gây áp lực huy động nhóm đối tượng tham gia vào công việc.

Tất nhiên lao động cưỡng bức ở Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Tân Cương mà còn phổ biến ở quy mô lớn trên khắp đất nước, thậm chí còn mang tính thể chế (chẳng hạn như lao động nô lệ trong nhà tù), tuy nhiên nhận thức của cộng đồng quốc tế về vấn đề này vẫn còn rất hạn chế.