Cựu Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rằng ông là người ưa chuộng lãi suất thấp và đồng USD yếu trong nhiệm kỳ của mình. Ông cũng được cho là đang lên kế hoạch hủy bỏ sự độc lập của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nếu ông trở lại Nhà Trắng vào năm 2025.

Donald Trump 1
Cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng đồng USD quá mạnh đang làm tổn hại nước Mỹ (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Lãi suất cao kỷ lục của Fed gây tranh cãi

Ngày 12/6, Fed công bố giữ nguyên mức lãi suất cao kỷ lục 5,3% kể từ năm 2001. Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell có gợi ý rằng 1 hoặc 2 đợt cắt giảm sẽ diễn ra vào trước thời điểm cuối năm, nhưng chắc chắn cũng không thể sớm trước mùa thu.

Powell
Chủ tịch Fed Jerome Powell thông tin đợt giảm lãi suất không thể diễn ra trước mùa thu. Ảnh Flickr.

Quyết định giữ nguyên mức lãi suất cao này đã gây tranh cãi lớn trong chính trường Mỹ, bởi lẽ theo nhiều chuyên gia thì thực ra Fed đã phải cắt giảm lãi suất từ lâu rồi.

Mức lãi suất cao do Fed đưa ra đồng nghĩa với chính sách duy trì đồng USD mạnh để kìm hãm các nhu cầu chi tiêu, hạ nhiệt lạm phát. Các chuyên gia Fed cho rằng đồng USD yếu sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng vì hàng hóa có thành phần nhập khẩu sẽ bị đẩy lên cao.

Nhóm chuyên gia cố vấn cho cựu Tổng thống Donald Trump, do cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu lại cho rằng đồng USD đã bị đẩy lên quá cao, điều này làm tổn hại cho đất nước Mỹ và người tiêu dùng Mỹ. Nhóm này đang thảo luận về một phương pháp tiếp cận mới đối với chính sách tiền tệ, bao gồm 2 sự thay đổi chính sách bổ sung.

Đề xuất đầu tiên được cho là liên quan đến việc tăng cường sự kiểm soát trực tiếp của Tổng thống đối với các quyết định về lãi suất và quy định của Fed. Đồng thời, cần làm yếu tỷ giá hối đoái của đồng USD.

Sở thích của vị cựu Tổng thống đã được thể hiện rõ ràng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, thông qua mức lãi suất thấp và đồng USD suy yếu. Ông Trump cho rằng đồng USD đang “quá mạnh” và quan điểm này được ông Lighthizer ủng hộ.

Đồng USD “quá mạnh” sẽ làm cho hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ ở thị trường nước ngoài và hàng nhập khẩu của Mỹ rẻ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, dẫn đến thâm hụt thương mại càng ngày càng lớn. Cả Trump và Lighthizer đều coi đây là vấn đề nghiêm trọng vì thực tế cán cân thương mại Mỹ với một số quốc gia đang mất cân đối lớn. Mỹ đang tài trợ cho khoản thâm hụt thương mại của mình bằng cách vay mượn hoặc nhượng lại tài sản trong nước cho các thực thể nước ngoài.

Với mức thâm hụt thương mại thấp hơn sẽ kích cầu đối với các sản phẩm của Mỹ, từ đó tạo ra việc làm. Nhưng hiện nay Fed lại đang duy trì lãi suất cao để kiềm chế nhu cầu, tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế.

Các báo cáo của Mỹ đang hiển lộ rõ sai lầm của Fed

Fed cho biết họ đang duy trì lãi suất hiện tại để chống lạm phát. Báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng chỉ ra mức lạm phát 3,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6 năm 2022 , nhưng vẫn ở trên mức 2% mà Fed mong muốn.

Báo cáo việc làm tháng 5 cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm và tiền lương tăng tốc trong tháng 5 đang là yếu tố ủng hộ cho quyết định của Fed.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý đầu tiên chỉ đạt 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp lần đầu tiên chạm mức 4% sau hơn hai năm và các số liệu khác cũng cho thấy thị trường lao động đang yếu đi.

Ngoài ra, con số lạm phát 3,3% cũng chưa nói hết các vấn đề. Các chuyên gia chỉ ra rằng Báo cáo lần này cho thấy giá cả hàng hóa thực tế đã không thay đổi. Giá tạp hóa giữ nguyên, giá xăng, bảo hiểm ô tô đều giảm.

Yếu tố lớn nhất dẫn đến lạm phát là nhà ở, và thực tế giá nhà cũng đã giảm. Chẳng qua phương thức đo lường chậm hơn ở khối tư nhân nên số liệu này đã chưa thể hiện ra kỳ này.

Nhiều quốc gia đã thay đổi quan điểm điều hành kinh tế

Giữa mục tiêu chống lạm phát và tránh suy thoái kinh tế, hiện nay nhiều ngân hàng trung ương đã nghiêng về mục tiêu thứ hai. Các ngân hàng trung ương Châu Âu cũng như các ngân hàng trung ương Canada, Thụy sĩ, .. cũng đã cắt giảm lãi suất trong khi Fed vẫn duy trì mức lãi suất rất cao.

Thực chất, Fed kiềm chế lạm phát bằng cách kìm hãm tăng trưởng kinh tế và ép buộc người tiêu dùng giảm chi tiêu. Lãi suất tăng cao khiến cho chi phí thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay mua xe hơi trở nên đắt đỏ. Nhưng những chi phí đó đã không được phản ánh trong chỉ số CPI. Còn đối người dân ai cũng cảm thấy chi phí sinh hoạt càng ngày càng tăng cao.

Thêm nữa, chi phí này phân bổ không đồng đều. Lãi suất cao đang là gánh nặng với những tầng lớp dân nghèo – những người không đủ tiền để chi trả thẻ tín dụng và những người mua nhà, mua xe trả góp. Lãi suất cao khiến cho người dân từ bỏ việc vay mua nhà, khiến giá nhà tăng trong khi tình trạng thiếu nhà ở càng ngày càng lan rộng.

Lần cuối cùng Trump ở Nhà Trắng, ông thường cố gắng làm suy yếu sự độc lập lâu dài của Cục Dự trữ Liên bang khỏi Nhà Trắng. Sự độc lập đó tồn tại vì một lý do: mang lại sự tin cậy cho các mục tiêu kinh tế của ngân hàng trung ương. Thật trớ trêu khi chính sách lãi suất sai lầm của Fed đang gây rủi ro một cách không cần thiết cho nền kinh tế, làm tăng chi phí sinh hoạt và củng cố mối lo ngại chính của cử tri có thể giúp đưa Trump trở lại

Nguyên Hương (Lược dịch Theo MSNBC)