Trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, đụng độ thường xuyên xảy ra giữa những người biểu tình phản đối và người chào đón ông Tập Cận Bình. Có thông tin cho biết ít nhất 40 người biểu tình chống cộng đã bị đánh đập trong 3 ngày qua. 

APEC
Trưa ngày 16/11/2023 (giờ địa phương ở Mỹ), các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra giữa những người chống cộng và những người ủng hộ ĐCSTQ tại San Francisco. Những người trong cuộc tiết lộ rằng vào thời điểm đó đã xảy ra 3 vụ đánh nhau và đều do những người ủng hộ ĐCSTQ ra tay trước. (Ảnh: Getty Images)

Liên tiếp xảy ra trường hợp người biểu tình chống cộng bị đánh ở San Francisco

Theo báo cáo của nhiều người nắm được tình hình sự việc, vào khoảng 1:00 hoặc 2:00 chiều ngày 17/11 (giờ địa phương), 3 người tham gia cuộc biểu tình chống cộng đã rời địa điểm biểu tình tại sân bay San Francisco sớm. Họ đã bị hơn chục thanh niên nghi thân cộng theo dõi và tấn công.

3 người trong số họ là Trương Khai Vũ (Zhang Kaiyu) và Lý Đức Long (Li Delong) đến từ Trung Quốc Đại Lục và Chu đến từ Hồng Kông. Ông Trương Khai Vũ (50 tuổi), ông Chu (74 tuổi) là hai người bị đánh. Ông Trương Khai Vũ bị thương nặng được đưa đi cấp cứu, khoảng 7:00 tối ông xuất viện.

Ông Chu, một người biểu tình chống cộng bị đánh, kể với tờ Epoch Times về tình hình lúc đó rằng có một thanh niên cứ đi theo khiêu khích ông cùng 2 người đi cùng, ngoài anh ta còn có một nhóm thân cộng. Mặc dù nhóm của ông đã cẩn thận không phản bác, nhưng khi đi đến trạm xăng Costco nhóm thân cộng này đã ra tay đánh người.

Ông Lý Đức Long không bị đánh vì hôm trước đã bị thương và phải băng quấn đầu.

Ông Chu nói bản thân không bị thương nặng nhưng có chút đau ở thắt lưng, nhưng vết thương của ông Trương Khai Vũ rất nghiêm trọng, “Mắt anh ấy rất sưng và đầu đầy máu, trông như thể bị vật cứng đập vào, không phải bằng nắm đấm, nhưng lúc đó rất hỗn loạn, tôi nhìn không rõ lắm.”

Ông Trần Sấm Sáng (Chen Chuangchuang), giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc, cũng bị xịt hơi cay và bị thương ở mắt. Ông kể với Epoch Times về vụ tấn công 3 người nói trên. Ông nói rằng vì lãnh đạo ĐCSTQ sắp rời San Francisco nên họ đã biểu tình ở khu vực bên ngoài sân bay. 3 người bạn đó có việc nên đã đi trước, họ đến lấy xe ở bãi đậu xe gần sân bay thì bị những người thân cộng bám theo và đánh đập.

Ông Trần Sấm Sáng nói rằng theo những gì ông biết, những người thân cộng đã đánh đập ít nhất 40 người biểu tình chống cộng thuộc các nhóm khác nhau trong 3 ngày qua, nhưng không có người thân cộng nào bị cảnh sát San Francisco bắt giữ.

“Những phần tử thân cộng này đã cố ý đánh đập những người biểu tình ôn hòa ở San Francisco mà không gặp bất kỳ hậu quả nào, cũng như không phải trả bất kỳ cái giá nào.”

Ông Trịnh Tồn Trụ (Zheng Cunzhu), người đứng đầu Đảng Dân chủ Trung Quốc ở Los Angeles, nói với Epoch Times hôm 18/11 rằng hàng chục thanh niên đánh người lần này đều mặc quần áo đen, có hình xăm trên người và nhuộm tóc. Ông tin rằng Lãnh sự quán Trung Quốc đứng đằng sau việc này.

“Chắc chắn, bạn thử nghĩ ở Trung Quốc Đại Lục, họ đối xử với người dân Trung Quốc như thế nào, họ sử dụng bao lực một cách không kiêng dè gì. Sau này, trong phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông năm 2019, chúng tôi thấy cảnh sát Hồng Kông cũng sử dụng các phương pháp xã hội đen. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng họ sẽ dùng phương pháp xã hội đen này ở Mỹ.

Những chuyện như thế này đã xảy ra liên tục trong 2 hoặc 3 năm qua, dù là trong những cuộc đối đầu trên đường phố, hay như thế này, đều có thành viên của tổ chức xã hội đen ở hiện trường để theo dõi, và sau đó dùng chiến thuật đa số người bao vây thiểu số. Đây hoàn toàn là phương pháp quen dùng của ĐCSTQ.”

Ông Trịnh Tồn Trụ nói rằng thật khó tin khi một sự việc như vậy lại xảy ra ở nước Mỹ tự do.

  • Video ngày 16/11, người biểu tình ở bên ngoài khách sạn nơi ông Tập Cận Bình lưu trú:

Ông Giới Lập Kiến bị bắt vì chống cộng, các nhà hoạt động dân chủ lên kế hoạch kiện chính phủ và cảnh sát

Trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC, các tiếng nói chống cộng đã nổi lên ở San Francisco, tất cả các nhóm biểu tình đều bày tỏ yêu cầu “chấm dứt sự chuyên chế của ĐCSTQ”, họ liên tục hô khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản” “Đả đảo Tập Cận Bình” bên ngoài địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC và khách sạn nơi lãnh đạo ĐCSTQ lưu trú.

Đối mặt với đám đông người biểu tình, ĐCSTQ đã thuê rất nhiều côn đồ tấn công nhằm giải tán các nhóm biểu tình, giữa hai bên đã xảy ra đụng độ dữ dội, nhiều người biểu tình đã bị thương.

Vào ngày 16/11, ông Giới Lập Kiến (Jie Lijian), Giám đốc điều hành Ban Thanh niên Đảng Dân chủ Trung Quốc, bị cảnh sát San Francisco bắt khi đang tự vệ trên đường phố.

Ông Trịnh Tồn Trụ đã nói về tình huống của ông Giới Lập Kiến với phóng viên Epoch Times. Ông cho biết, ông Giới Lập Kiến vẫn chưa có lịch ra tòa và họ sẽ cử luật sư tới để nỗ lực xin được tại ngoại sớm.

Ông Trịnh cho biết, trên thực tế ông Giới Lập Kiến trước đây đã bị giám sát và áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt.

“[ĐCSTQ] lấy hình thức vu cáo, nói với các cơ quan liên quan của Mỹ rằng ông Giới Lập Kiên muốn chuẩn bị vũ khí, v.v. Nhưng thực tế họ đã đi tìm kiếm trước một ngày và không hề có chuyện đó. Kết quả, khi chúng tôi chống trả thì bị cảnh sát bắt giữ sau đó.”

Ông Trần Sấm Sáng cũng tiết lộ rằng cảnh sát thậm chí còn hỏi ông Giới Lập Kiên rằng liệu ông ấy có kế hoạch ám sát ông Tập Cận Bình hay không, và muốn khám xét nơi ở của ông Giới, “đây hoàn toàn là chuyện nực cười”.

Ông Trần cũng nói rằng Đảng Dân chủ Trung Quốc sẽ kiện Chính quyền thành phố San Francisco và Sở cảnh sát San Francisco lên Tòa án Liên bang San Francisco. “Chính quyền San Francisco California hoàn toàn thỏa hiệp với ĐCSTQ, bảo vệ thổ phỉ cộng sản Trung Quốc, dung túng thổ phỉ cộng sản Trung Quốc, bao che cho thổ phỉ cộng sản Trung Quốc, để cho họ hành hung không kiêng nể gì. Họ [chính quyền San Francisco] để lại cho chúng tôi một ấn tượng thực sự tồi tệ.”

Ông Trịnh Tồn Trụ cho biết, bây giờ bước đầu tiên của họ là làm thủ tục tư pháp để trả tự do cho ông Giới Lập Kiến càng sớm càng tốt. Hiện tại họ cũng đang thu thập các bằng chứng liên quan để cung cấp cho cảnh sát về việc những người thân cộng quấy rối và đánh đập người biểu tình.

“Chúng tôi tin rằng việc thực thi luật của cảnh sát là một hình thức phân biệt đối xử dựa trên quan điểm chính trị, rõ ràng họ đã không áp dụng cách thức công bằng và vô tư trong quá trình thực thi. Chúng tôi không loại trừ việc nộp đơn kiện dân sự chống lại cảnh sát San Francisco để bảo vệ quyền lợi cơ bản nhất của chúng tôi được quy định trong Hiến pháp,” ông nói.