Kết quả tổng tuyển cử ở Đài Loan được đưa ra sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 13/1, ông Lại Thanh Đức và và Tiêu Mỹ Cầm của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống thứ 16 của Trung Hoa Dân Quốc, DPP trở thành đảng cầm quyền nhiệm kỳ liên tiếp. Trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ suy giảm và căng thẳng trên eo biển Đài Loan, cuộc bầu cử trên hòn đảo này đã thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên tục can thiệp vào cuộc bầu cử. Hai chuyên gia Phùng Sùng Nghĩa và Thái Thận Khôn ngay lập tức bày tỏ quan điểm về tác động của kết quả bầu cử Đài Loan đối với công việc nội bộ của Đài Loan, quan hệ hai bờ eo biển, quan hệ Trung Quốc-Mỹ và quan hệ Đài Loan-Mỹ.

Lai Thanh Duc dac cu Tong thong Dai Loan
Ông Lại Thanh Đức chia vui với người ủng hộ sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan hôm thứ Bảy (13/1). (Nguồn ảnh: CNA)

Kết quả tổng tuyển cử Đài Loan đáng mừng, sự can thiệp bầu cử từ phía ĐCSTQ phản tác dụng

Phó giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) của Đại học Công nghệ Sydney, nói với tờ Epoch Times vào ngày 13/1 rằng kết quả của cuộc bầu cử này khiến những người đang quan tâm đến tình hình ở Đài Loan hài lòng. “Đây là sự lựa chọn sáng suốt của người dân Đài Loan”.

Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), nhà bình luận độc lập, nói với Epoch Times vào ngày 13/1 rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2024 về cơ bản phù hợp với các cuộc thăm dò trước đó và kỳ vọng chung, cho thấy Đài Loan sẽ tiến xa hơn trên con đường hướng tới tự do và dân chủ.

Kết quả của cuộc bầu cử lần này là điều mà ĐCSTQ không mong muốn nhìn thấy nhất. Lần này ĐCSTQ đã sử dụng những phương pháp mới để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan. Ngoài các cuộc tấn công dân sự và đe dọa quân sự, họ thường xuyên phát tán thông tin sai sự thật để thao túng dư luận, điều máy bay quân sự bay quanh Đài Loan, hối lộ các chính trị gia và khí cầu cũng lần đầu tiên được sử dụng. Khi chỉ còn chưa đầy 24 giờ nữa là đến cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống, vẫn còn 5 khinh khí cầu của Trung Quốc tiếp tục quấy nhiễu Đài Loan.

Ông Thái Thận Khôn cho rằng sự can thiệp công khai hay bí mật của ĐCSTQ vào cuộc bầu cử này nghiêm trọng hơn nhiều so với trước đây, cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu thậm chí còn đóng vai trò là người phát ngôn cho ĐCSTQ, lần đầu tiên ông cố gắng tập hợp ông Quách Đài Minh, Kha Văn Triết, Hầu Hữu Nghi, ông nhận lời phỏng vấn độc quyền với truyền thông Đức, sau đó ông ấy thảo luận về quan hệ hai bờ eo biển và tin vào bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, khiến cộng đồng quốc tế và cử tri Đài Loan bị sốc, ngay cả các ứng cử viên Quốc Dân Đảng cũng không thể đồng tình với ông. Ông Mã Anh Cửu muốn giúp đỡ Quốc dân đảng trong cuộc bầu cử nhưng cuối cùng lại bị phản tác dụng.

Ông Thái Thận Khôn cho rằng sự can thiệp vào cuộc bầu cử Đài Loan của ĐCSTQ được thể hiện qua việc họ ủng hộ lực lượng Xanh (Quốc Dân đảng) và Trắng (Đảng Nhân dân Đài Loan), và dư luận thân Trung cũng ủng hộ họ. May mắn thay, ai được ĐCSTQ ủng hộ chắc chắn sẽ thua cuộc. Hầu như tất cả các đảng chính trị và chính trị gia “liếc mắt đưa tình” với ĐCSTQ thì đều sẽ bị cử tri bỏ rơi.

Ông Phùng Sùng Nghĩa cho rằng trong các cuộc bầu cử trước đây ở Đài Loan, các hành động của ĐCSTQ đều phản tác dụng và các lựa chọn của ĐCSTQ đều bị hạn chế. “Điều họ đang phải đối mặt là phần lớn người dân Đài Loan không sẵn lòng chấp nhận sự kiểm soát của chế độ cộng sản đối với Đài Loan. Đây là mô hình chung cơ bản”.

Đài Loan là tiền tuyến của phe dân chủ, những người cầm quyền đối mặt với thách thức của ĐCSTQ

Eo biển Đài Loan luôn là một trong những điểm nóng địa chính trị lớn của thế giới. Sau khi Đảng Dân chủ Tiến bộ lên nắm quyền vào năm 2016, ĐCSTQ đã gia tăng đáng kể áp lực kinh tế, quân sự và ngoại giao đối với Đài Loan. Lo ngại về chiến thắng của DPP cứng rắn với Trung Quốc, trong cuộc tổng tuyển cử, ĐCSTQ đã đe dọa người dân Đài Loan trước cuộc bầu cử, cho rằng cuộc bầu cử này là sự lựa chọn giữa “hòa bình và chiến tranh”.

Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp Đài Loan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp nhà ngoại giao cấp cao của ĐCSTQ Lưu Kiến Siêu tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào sáng ngày 12/1. Washington đã cảnh báo Bắc Kinh không nên lấy cuộc bầu cử ở Đài Loan làm cái cớ để gây bất ổn ở eo biển Đài Loan.

Ông Phùng Sùng Nghĩa cho rằng Mỹ hiện tại không muốn mở chiến trường mới ở châu Á – Thái Bình Dương nên ông Lại Thanh Đức sẽ không theo đuổi nền độc lập của Đài Loan theo pháp lý, tuy nhiên trên thực tế Đài Loan đã là một quốc gia độc lập, có hệ thống chính trị độc lập và chủ quyền độc lập. “Đài Loan sẽ đi theo đường lối cơ bản là duy trì hiện trạng. Phó Tổng thống Tiêu Mỹ Cầm từng giữ chức đại diện tại Mỹ và có quan hệ sâu sắc với Mỹ. Họ sẽ không phạm sai lầm ngoại giao lớn.”

Ông cho rằng cuộc bầu cử ở Đài Loan và tình hình eo biển Đài Loan phải được nhìn trong khuôn khổ Chiến tranh Lạnh toàn cầu lần thứ 2. Chiến tranh Lạnh lần thứ 2 là cuộc đối đầu giữa mặt trận dân chủ do Mỹ lãnh đạo và phe độc ​​tài do ĐCSTQ lãnh đạo. Đài Loan thuộc về phe dân chủ và là đội tiên phong nhằm kiềm chế sự bành trướng của chế độ độc tài của ĐCSTQ.

“Sự thành công hay thất bại của nền dân chủ và tự do của Đài Loan cũng như sự tồn tại của Đài Loan có liên quan mật thiết đến toàn bộ phe dân chủ quốc tế. Mỹ, Nhật Bản, Úc và thậm chí cả Liên minh Châu Âu sẽ không đứng yên. Trong vấn đề bảo vệ chế độ dân chủ Đài Loan, lập trường của DPP kiên định hơn rất nhiều so với Đảng Nhân dân Đài Loan và Quốc dân đảng. Do đó, lần này DPP thắng, cũng nằm trong dự liệu của chúng ta, đồng thời cũng khiến chúng ta yên tâm, tránh được rủi ro ngoài ý muốn.”

Ông Phùng Sùng Nghĩa tin rằng từ góc độ sinh kế và ngoại giao của người dân trong nước (Đài Loan), chính sách phát triển của ông Lại Thanh Đức trong nhiệm kỳ của ông sẽ không có vấn đề gì. Nhưng khó khăn nằm ở chỗ phải đối mặt với thách thức của ĐCSTQ.

“Chính ông Tập Cận Bình đã phát động cuộc chiến ở eo biển Đài Loan. Khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng như vậy của họ vẫn chưa được kiểm chứng. Bởi vì hiện tại chúng ta chỉ nói theo quan điểm chính trị, và không có lý do gì để thế giới dân chủ không ủng hộ Đài Loan.”

Ông Phùng Sùng Nghĩa giải thích rằng nếu xảy ra một cuộc chiến thực sự, nó sẽ giống như việc Ukraine bị xâm lược, và điều đó sẽ phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của Mỹ. Mỹ cũng sắp tổ chức bầu cử, xu hướng chia rẽ trong nước đang xuất hiện, nếu xảy ra đấu súng thực sự ở eo biển Đài Loan, hoặc ĐCSTQ áp đặt phong tỏa kinh tế đối với Đài Loan, các nhà lãnh đạo Đài Loan sẽ cần đến sự khôn ngoan chính trị để đảm bảo rằng Đài Loan nhận được đủ sự hỗ trợ quốc tế để duy trì an ninh.

Ông Thái Thận Khôn tin rằng kết quả của cuộc bầu cử này sẽ tác động sâu sắc đến quan hệ hai bờ eo biển và đẩy nhanh việc Đài Loan rời bỏ Trung Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung và quan hệ Mỹ-Đài Loan, tiếp theo, quả bóng sẽ được đá về phía ĐCSTQ. Đối mặt với việc DPP tái đắc cử, việc có đánh hay không, khi nào đánh, đánh như thế nào, đều đáng để quan sát.

Ông tin rằng với sự bế tắc của cuộc chiến Nga-Ukraine, cái giá phải trả cho việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực càng cao, ĐCSTQ có nhiều khả năng sẽ chọn tiếp tục quấy nhiễu Đài Loan để trừng phạt cử tri Đài Loan, và sẽ không dễ dàng sử dụng vũ lực.

Ông Kha Văn Triết bị đánh bại nhưng thu hút sự chú ý; ông Phùng Sùng Nghĩa kêu gọi DPP giành được sự ủng hộ của giới trẻ

Trước cuộc bầu cử, nhiều thanh niên bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên Đảng Nhân dân Đài Loan Kha Văn Triết, nên nhiều phiếu bầu cho Đảng Dân Tiến và Quốc Dân đảng đều mất vào tay Đảng Dân dân. Ông Thái Thận Khôn cho rằng ông Kha Văn Triết đã trở thành ngựa đen trong cuộc bầu cử, không loại trừ vẫn có cơ hội tranh giành chức tổng thống trong tương lai, không đến nỗi giống như thế lực thứ ba trước đây, nhanh chóng nổi lên rồi biến mất.

Ông Phùng Sùng Nghĩa cho rằng kể từ khi DPP lên nắm quyền, giới trẻ gặp một số thách thức trong cuộc sống, không đủ tiền mua nhà, tiền lương không theo kịp giá nhà đất, DPP không có cách giải quyết hiệu quả nên giới trẻ không hài lòng; họ cũng không ôm hy vọng đối với Quốc Dân đảng, cho nên đã bỏ phiếu cho “người mới” Kha Văn Triết.

Ông Phùng Sùng Nghĩa hy vọng rằng sau khi ông Lại Thanh Đức và bà Tiêu Mỹ Cầm nhậm chức, họ có thể giải quyết vấn đề bất mãn của giới trẻ.

“Bởi vì ông Lại Thanh Đức xuất phát từ tầng lớp thấp, là con trai của một thợ mỏ. Ông ấy có trải nghiệm cá nhân về các vấn đề sinh kế của người dân và cũng có một số ý tưởng. Hy vọng họ có thể tạo ra sự khác biệt để giải quyết vấn đề việc làm của giới trẻ ở Đài Loan, giá nhà đất ở Đài Loan, và các cơ hội kinh doanh ở Đài Loan, các vấn đề phát triển công nghiệp của Đài Loan, để người dân Đài Loan, đặc biệt là giới trẻ Đài Loan, có thể ủng hộ nhiều hơn cho DPP. Đây là một trong những kỳ vọng của cá nhân tôi”.

Kinh nghiệm bầu cử của Đài Loan có thể làm gương cho các nước dân chủ trên thế giới

Lần này, cuộc tổng tuyển cử ở Đài Loan đã kết thúc thành công theo đúng cơ chế dân chủ chín muồi của Đài Loan và bất chấp sự đe dọa của ĐCSTQ. Cuộc tổng tuyển cử này cũng là lần đầu tiên khi nhiều quốc gia cũng tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2024.

Ông Phùng Sùng Nghĩa cho rằng bản thân việc Đài Loan hoàn thành thành công và có trật tự cuộc tổng tuyển cử có thể đóng vai trò là tấm gương cho các cuộc bầu cử dân chủ tiếp theo ở các quốc gia khác trên thế giới.

“Trong thế giới dân chủ có một khái niệm, đó là sự suy tàn của dân chủ. Nó có nội dung rất rộng. Một là đấu tranh đảng phái sẽ khiến người dân mất niềm tin vào nền chính trị dân chủ. Chẳng hạn, cử tri trẻ ở Đài Loan bỏ phiếu cho Đảng Nhân dân Đài Loan, bởi vì họ bất mãn với hai đảng lớn. Sự cạnh tranh giữa hai đảng lớn, đã đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của quốc gia, ảnh hưởng đến chất lượng của nền chính trị dân chủ. (Vấn đề này) cũng tồn tại ở Đài Loan, và là lời cảnh báo cho cộng đồng quốc tế: làm thế nào để xử lý cạnh tranh chính trị lành mạnh dưới nền chính trị dân chủ, không phải là đấu tranh một mất một còn.”

“Thứ hai là ngay cả khi đối mặt với mối đe dọa lớn từ chế độ ĐCSTQ và những tổn thất kinh tế to lớn như vậy, Đài Loan vẫn đặt chính trị dân chủ lên vị trí rất cao, bảo vệ các giá trị dân chủ và không cúi đầu trước ĐCSTQ. Đài Loan đã đánh bại sự cố gắng can dự bầu cử từ phía của ĐCSTQ, đây là sự khích lệ to lớn cho các cuộc bầu cử ở các nước dân chủ khác”.

Theo báo cáo của Freedom House năm 2023, Đài Loan được đánh giá là quốc gia “tự do”. Trong báo cáo mới nhất của “Thế giới Tự do”, Đài Loan đạt 94/100 điểm, đứng thứ hai châu Á sau Nhật Bản.

Ông Thái Thận Khôn cho rằng nền chính trị dân chủ của Đài Loan tuy mới ra đời chưa lâu nhưng rất đáng để nhiều nước dân chủ lâu đời học hỏi và tham khảo. Ông liệt kê một ưu thế lớn của cuộc bầu cử ở Đài Loan:

“Kiên trì đến 20 tuổi mới có quyền bỏ phiếu, bởi vì dưới 20 tuổi, bạn không thể phân biệt tốt và xấu, thiếu hiểu biết hợp lý về chính trị và dễ bị kiểm soát bởi chính quyền. Cuộc tổng tuyển cử ở Đài Loan vẫn sử dụng phiếu bầu bằng giấy, phải được xuất trình vào ngày bỏ phiếu. Cử tri chỉ có thể bỏ phiếu bằng cách xuất trình giấy tờ tùy thân cho nơi cư trú. Không giống như Mỹ, nước lấy quyền riêng tư làm cái cớ để không kiểm tra giấy tờ tùy thân và khuyến khích bỏ phiếu qua thư, để lại nhiều kẽ hở trong bầu cử. Ngoài ra, kết quả của cuộc tổng tuyển cử ở Đài Loan có thể được xác định ngay trong đêm của ngày bỏ phiếu thay vì trì hoãn đến ngày hôm sau hoặc lâu hơn”.