“Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024” của Tổ chức Phóng viên không biên giới và “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024” của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đều không được lòng giới chức Việt Nam.

nguoi phat ngon pham thu hang
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng. (Ảnh: BNG/dẫn qua baochinhphu.vn)

‘Việt Nam có quyền tự do biểu đạt’

Chiều 9/5, tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao đưa ra quan điểm về việc Tổ chức phóng viên không biên giới đưa ra “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024”, xếp Việt Nam đứng thứ 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tuyên bố: “Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin. Điều này được quy định rất rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013 cũng như các văn bản pháp luật khác của Việt Nam”.

Đại diện phát ngôn của cơ quan ngoại giao cho rằng những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này “được các nước ghi nhận, đánh giá cao, được trình bày rõ ràng, toàn diện, minh bạch tại Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế UPR chu kỳ IV”.

“Tuy nhiên, một số tổ chức cố tình đưa ra những luận điệu vu cáo, định kiến nhắm vào Việt Nam nhằm âm mưu phá hoại sự phát triển kinh tế xã hội, chia rẽ Việt nam với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi kiên quyết phản đối”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao bày tỏ.

Báo cáo thường niên về Chỉ số tự do báo chí toàn cầu là sáng kiến được Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đưa ra từ năm 2002. Việc xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu dựa trên các ý kiến đánh giá từ các chuyên gia do RSF lựa chọn. Tiêu chí của các câu hỏi xoay quanh tính đa nguyên đa đảng, sự độc lập của ngành truyền thông, chất lượng khung pháp lý, sự an toàn của nhà báo khi tác nghiệp.

Tại Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024, RSF xếp Việt Nam đứng thứ 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kém 2 bậc so với Trung Quốc và kém 3 bậc so với Myanmar. Vị trí này bằng với năm 2022 (174/180) và tăng 4 bậc so với năm 2023 (178/180).

Trong năm tiêu chí đánh giá của RSF, Việt Nam có ba tiêu chí đi xuống so với năm trước. Chỉ số chính trị giảm từ 23,75 xuống 13,22, chỉ số xã hội giảm từ 32,95 xuống 23,51, và chỉ số an ninh giảm từ 30,66 xuống 25,86. Hai tiêu chí tăng là chỉ số kinh tế (từ 17,16 lên 20,57) và chỉ số lập pháp (18,40 lên 28,37).

Theo báo cáo, khoảng 40 nhà báo hiện đang bị giam trong các nhà tù và tình trạng ngược đãi vẫn rất phổ biến.

Báo cáo tự do tôn giáo của Mỹ ‘mang tính định kiến’

Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao đưa ra quan điểm về Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF).

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân.

“Tại Việt Nam, không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp của Việt Nam năm 2013, hệ thống của pháp luật của Việt Nam cũng như được tôn trọng trên thực tế”, bà Hằng đưa ra phát ngôn.

Đưa ra dẫn chứng, bà Hằng cho hay các nước tham gia phiên đối thoại về báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đã ghi nhận thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng.

“Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam, được nêu trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ.

Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục trao đổi với phía Hoa Kỳ về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau để đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”, bà Hằng đưa ra tuyên bố.

Hôm 1/5, Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo 2024. USCIRF nhận định năm 2023, tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam không có gì thay đổi so với năm 2022. “Nhà chức trách tiếp tục đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập—nhiều cộng đồng trong số đó bị chính quyền coi là tôn giáo “lạ, giả hoặc dị giáo”—mà không tuân thủ sự kiểm soát của nhà nước.” – trích báo cáo.

Báo cáo cho hay Việt Nam hiện cầm tù 71 người, tạm giữ 8 người và giam giữ tại gia 1 người vì vấn đề tôn giáo.

Nguyễn Quân