“Cứu tôi với! Tôi đến từ Trung Quốc. Tôi bị chính quyền ĐCSTQ bức hại, không thể sống sót. Tôi xin tị nạn chính trị!“, khi 5, 6 nhân viên cảnh sát từ Tòa án Quốc tế ở thành phố The Hague, Hà Lan bước đến gần mình, bà Lưu Hoa đã kêu cứu.

GettyImages 1244855154
Ngày 16/11/2022, những người vượt biên đang cố gắng vào Hoa Kỳ từ thành phố Piedras Negras, Mexico, gần biên giới Hoa Kỳ. (Ảnh: Alfredo Estrella/AFP qua Getty Images)

Bà Lưu Hoa nhanh chóng lấy điện thoại di động của mình ra và cung cấp bản ghi chép về những tra tấn mà bà phải chịu đựng trong Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở Thẩm Dương. Sau khi đọc xong, cảnh sát đã cung cấp cho bà một vé tàu đến nơi trú ẩn.

Hôm đó là ngày 29/4. Khi ấy, bà Lưu Hoa đã không ăn không uống cả ngày. Bà bỏ trốn khỏi Trung Quốc vào ngày 15/3. Sau hơn 40 ngày đường gian khổ, khi đặt chân đến Hà Lan, bà đã kiệt sức, không một xu dính túi và đổ bệnh nặng.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống sót mà thoát ra được.”

Bà Lưu Hoa là một nông dân ở Tô Gia Đồn (TP. Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Năm 2002, bà cùng chồng bảo vệ quyền lợi cho người dân trong làng, tố cáo cựu bí thư thôn đã biển thủ hàng tỷ nhân dân tệ (1 tỷ NDT ~ 3.311 tỷ VNĐ) tiền mồ hôi nước mắt của người dân.

Vì đắc tội với quan chức các cấp, hai vợ chồng bà đã bị trả thù. Hơn 20 năm qua, hai vợ chồng bà vẫn kiên trì thỉnh nguyện ở Bắc Kinh. Họ thường xuyên bị bắt, thậm chí bị kết án tù, bị tra tấn.

Tháng 8/2009, bà Lưu Hoa lại bị bắt bởi nhân viên duy trì ổn định thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh tại Cục Thư tín và Điện thoại Bắc Kinh. Bà bị kết án 10 tháng cải tạo lao động vì tội “gây rối trật tự xã hội”, và bị giam tại Trại lao động Mã Tam Gia TP. Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.

Sau khi được thả vào tháng 5/2010, bà lại đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Ngày 23/12 cùng năm, bà bị cảnh sát bắt đi, bị cấm ngủ 5 ngày đêm khiến bà bất tỉnh. Trong một căn phòng nhỏ, cảnh sát đặt bà lên một chiếc “ghế hổ”, trói chân và còng tay bà. Bà nói với Epoch Times: “Đây chính là tra tấn”.

id14045117 5
Ảnh minh họa hình thức tra tấn bằng “ghế hổ”. (Ảnh: Minghui.org)

Đầu năm 2011, bà lại bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức và bị đưa đến Trại lao động Mã Tam Gia. Ở đó, vì không nhận tội, bà bị buộc phải tăng gấp đôi sản phẩm lao động nô lệ và bị cảnh sát đánh đập, sốc điện bằng dùi cui điện, tăng án tù và bị nhục hình.

Kết quả bà Lưu Hoa đã mắc bệnh tim và huyết áp cao. Vì chỉ được phép đi vệ sinh 2 lần một ngày, việc nhịn tiểu lâu khiến bà bị viêm thận. Không có nhu yếu phẩm hàng ngày, bà chỉ có thể sử dụng đồ thừa như bông phế thải làm băng vệ sinh. Bà cảm thấy sống không bằng chết.

Bà Lưu Hoa nói với phóng viên rằng sau khi các bạn tù của bà được thả ra, hơn chục người lần lượt chết vì bệnh thận và ung thư, cơ thể của bà cũng bị thương nặng.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống sót mà thoát ra được.” Bà Lưu Hoa đã ghi lại trải nghiệm bị tra tấn vô nhân đạo của mình trong tù, và giấu trong người mang ra ngoài khi mãn hạn tù, và phơi bày trước cộng đồng quốc tế.

Nhà văn Đỗ Bân đã sử dụng lời khai của 12 người bị giam giữ tại trại lao động Mã Tam Gia, trong đó có bà Lưu Hoa, để sản xuất bộ phim tài liệu “Người phụ nữ trên đầu tiểu quỷ”. Bộ phim phơi bày sự tra tấn và lao động nô lệ đối với các học viên Pháp Luân Công và những người thỉnh nguyện ở Trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Ma Tam Gia
Nhật ký trong trại lao động cưỡng bức được bà Lưu Hoa giấu trong người đưa ra ngoài. (Ảnh: bà Lưu Hoa cung cấp)

Cuộc chạy trốn sinh tử, cầu xin Thần Phật che chở

Bà Lưu Hoa và chồng sống ở Bắc Kinh đã lâu. Chồng bà bị tàn tật và phải ngồi xe lăn. Cảnh sát đã tịch thu 5 chiếc xe mà họ đã mua, và buộc họ phải chuyển nơi ở nhiều lần. Đồ đạc của họ cũng bị cướp, họ không thể kiếm sống qua ngày.

Bà Lưu Hoa cho rằng bà chỉ nói lời công bằng thay cho những người nông dân, bà không sai, nhưng lại bị buộc tội “chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”

Trong cuộc phỏng vấn, bà nói: “Tôi không muốn nhìn lại quá khứ. Tôi không dám tưởng tượng lại cảnh tra tấn mà tôi phải chịu đựng, cũng như nỗi đau và nỗi khổ khi không có chốn dung thân.”

Bà Lưu Hoa đã hơn 60 tuổi. Mặc dù chỉ có trình độ văn hóa lớp 5 và không biết tiếng Anh, nhưng bà “không muốn sống cuộc sống như thế này nữa”, và kiên quyết lựa chọn trốn khỏi đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để tìm kiếm tự do.

“Có người hỏi tôi, tôi không sợ sẽ gặp chuyện chẳng lành sao? Chết thì chết, Trung Quốc là nơi mà con người không thể ở được, không thể sống nổi”, bà Lưu Hoa nói với Epoch Times.

Ngày 15/3, bà rời khỏi Trung Quốc một mình từ Bắc Kinh và bay đến Hồng Kông. Ngày 17/7, khi chuẩn bị đến Serbia, bà đã bị chặn lại ở sân bay. Trong cơn tuyệt vọng, huyết áp và nhịp tim của bà lại tăng cao. Bệnh tim tái phát, tay run, toàn thân tê liệt, không thể ăn uống, bà đành phải nằm ở sân bay 2 ngày.

Dù bất lực nằm trên ghế ở sân bay, bà vẫn tự cổ vũ bản thân: “Thần Phật phù hộ cho con. Nếu con còn sống, còn một hơi thở con cũng sẽ lết đi!” May mắn thay, bà đã có thể mua một vé khác và rời khỏi Trung Quốc một cách thuận lợi.

Trong cuộc phỏng vấn, bà Lưu Hoa nói rằng vì không biết tiếng Anh nên bà không thể nhớ được biển báo đường bộ và cột mốc biên giới mà mình đã đi qua khi bỏ trốn. Bà chỉ có thể đi bộ vào ban đêm, đa số là vùng hoang vu, đầy bụi bẩn, và rất gian khổ.

“Tiến lên dựa vào lòng can đảm, nơi nào có ánh sáng thì đi về hướng đó.” Để tiết kiệm tiền, trong hơn 40 ngày, bà không ngủ ở khách sạn, không có nổi một bữa ăn đàng hoàng, chỉ ăn bánh mì chống đói, hết nước uống thì uống nước biển.

Khi buồn ngủ, mệt mỏi, không thể đi tiếp, bà sẽ tìm đến cổng nhà thờ để nghỉ ngơi. “Toàn thân lạnh lẽo, chỉ cần chịu được khổ, chỉ cần không chết, tôi sẽ tiến về phía trước.”

Một buổi tối, trời mưa to, bà Lưu Hoa tìm đến một công viên lớn có thể ngủ qua đêm. Mưa ướt sũng, một thân một mình giữa đêm tối, nhìn bầu trời tịch mịch, bà cảm thấy cô đơn và sợ hãi, ” Sợ cũng phải tiến về phía trước!”

Ngày 29/4, cuối cùng bà Lưu Hoa cũng đến được Tòa án Công lý Quốc tế ở thành phố The Hague, Hà Lan và nhờ cảnh sát giúp đỡ. Trên chuyến tàu nhỏ dẫn đến Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), bà bị một vài người đàn ông Trung Quốc không rõ danh tính theo dõi.

Họ nói rằng sẽ đưa bà đến gặp Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan. Trong hội trường, bà Lưu Hoa lớn tiếng trách mắng họ vì đã làm việc cho ĐCSTQ, những người đàn ông này mới chịu rời đi.

“Không có cách nào để sống sót trong đất nước của ĐCSTQ, không có lối thoát. Tôi đã bị buộc phải trốn đi. Tôi có thể thoát khỏi ĐCSTQ ở tuổi già và bệnh tật như thế này, tôi hy vọng rằng nhiều người Trung Quốc bị áp bức cũng sẽ thoát khỏi đó.”

Khi nói về Hà Lan, bà thấy rằng “người nước ngoài hết nhà này đến nhà khác đều đến đây. Vậy mà ĐCSTQ vẫn đang tẩy não người dân Trung Quốc, nói rằng chạy trốn nguy hiểm như thế nào, thật quá tệ.”

Khi bị bức hại ở Mã Tam Gia, bà Lưu Hoa đã quen biết nhiều học viên Pháp Luân Công. Từ đó bà hiểu được sự thật về những lời vu khống của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, và sự thật rằng các học viên Pháp Luân Công lấy “Chân-Thiện-Nhẫn” làm nguyên tắc tu luyện để nâng cao đạo đức, và Pháp Luân Công có tác dụng kỳ diệu trong việc trừ bệnh khỏe người.

“Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo,” bà Lưu Hoa niệm thầm câu chân ngôn này mỗi ngày. Bà nói rằng mình có thể sống sót chạy đến Hà Lan là nhờ Pháp Luân Đại Pháp và sự gia hộ của Thần Phật.

Hiện tại, bà Lưu Hoa đang chờ trong nhà tù nhập cư. Ngày 26/7, bà nói với Epoch Times rằng bác sĩ đã khám sức khỏe toàn diện cho bà, nhắc nhở bà về các bệnh nghiêm trọng như huyết áp cao, bệnh tim và biến chứng, đồng thời đưa ra phương pháp điều trị cho bà.

“Tôi không nói với gia đình về chuyện này, họ sẽ lo lắng.” Trong cuộc phỏng vấn, bà Lưu Hoa thường nhắc đến người chồng vẫn đang sống ở Bắc Kinh. Chồng của bà bị trả thù vì viết đơn khiếu nại gửi đến Trung Nam Hải. Tháng 2 năm nay, ông ấy bị tai nạn xe hơi không rõ nguyên nhân và bị thương ở chân.

“Nhớ ông lão (chồng) là tâm bệnh của tôi,” bà Lưu Hoa nói.