Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản đề nghị Bắc Kinh nên hợp tác với cộng đồng quốc tế về vấn đề viêm phổi mới, ngừng việc lừa dối và cố tình trì hoãn.

Rahm Emanuel
Ông Rahm Emanuel, Đại sứ mới được bổ nhiệm của Hoa Kỳ tại Nhật Bản. (Ảnh: White Cat Photo / Shutterstock)

Thứ Năm (23/11), Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đã tweet trên mạng xã hội X rằng: “Sự bùng phát bệnh viêm phổi gần đây ở Trung Quốc đã đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng, và Tổ chức Y tế Thế giới đang đặt ra những câu hỏi đó. Đã đến lúc từ bỏ sự lừa dối và trì hoãn về COVID, vì thông tin minh bạch và kịp thời sẽ cứu được nhiều mạng sống.”

Ông Emanuel nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Bắc Kinh và cộng đồng quốc tế về vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Ông viết: “Hợp tác toàn diện với cộng đồng quốc tế không phải là một lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc về sức khỏe cộng đồng.”

Ông vẫn còn một số lo ngại về việc liệu Bắc Kinh có hợp tác tích cực và hiệu quả, nhằm đối phó với dịch bệnh:“Liệu Bắc Kinh có tiến thêm bước nữa không?”

Cơ quan quốc tế cảnh báo bệnh viêm phổi lạ ở trẻ em Trung Quốc

Hai ngày liên tiếp trong tuần này, “Chương trình Giám sát các bệnh mới nổi” (ProMED), một tổ chức theo dõi các đợt bùng phát dịch bệnh toàn cầu, đã cảnh báo về sự bùng phát lan rộng của một “bệnh hô hấp không xác định (viêm phổi)” ở trẻ em Trung Quốc. Theo các báo cáo sơ bộ, “viêm phổi không rõ nguyên nhân” khác với bệnh viêm phổi do mycoplasma mà giới chức nói.

Ông Vương Toàn Ý (Wang Quanyi), Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) TP. Bắc Kinh, đồng thời là trưởng khoa dịch tễ học, cho biết mycoplasma pneumoniae không còn là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em nhập viện ở Bắc Kinh, mà 3 nguyên nhân hàng đầu là cúm, adenovirus và virus hợp bào hô hấp.

ProMED là một trong những tổ chức đầu tiên phát hiện các đợt bùng phát virus gồm SARS, Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông (MERS) và virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Cuối tháng 12/2019, ProMED lần đầu tiên cảnh báo thế giới về đợt bùng phát COVID-19, nói rằng căn bệnh về đường hô hấp đang càn quét thành phố Vũ Hán.

Gần đây, các bệnh viện Trung Quốc tràn ngập trẻ em mắc căn bệnh viêm phổi bí ẩn này. Các bệnh viện nhi ở nhiều thành phố lớn, như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thâm Quyến, Cát Lâm, Liêu Ninh và những nơi khác đều quá tải. Thậm chí sau khi truyền dịch, bệnh nhân vẫn phải xếp hàng dài chờ y tá rút kim tiêm.

Sau khi cảnh báo của ProMED xuất hiện, thứ Tư (22/11) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu ĐCSTQ gửi báo cáo dữ liệu chi tiết, giải thích sự gia tăng gần đây của các trường hợp mắc bệnh hô hấp và viêm phổi chùm ở trẻ em ở Trung Quốc.

Quan chức Trung Quốc phủ nhận xuất hiện mầm bệnh mới bất thường

Một thông báo do WHO đưa ra sau đó vào thứ Năm (23/11) cho biết, WHO đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào ngày 23/11.

Phía Trung Quốc thông báo rằng họ chưa phát hiện bất kỳ mầm bệnh hoặc biểu hiện lâm sàng mới bất thường nào, chỉ là nhiều chủng virus đã được biết tới trước đó, khiến các bệnh về đường hô hấp có sự gia tăng chung.

Giới chức Trung Quốc cũng cho biết sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp không khiến số bệnh nhân vượt quá sức chứa của bệnh viện.

Cơn sốt ở trẻ nhỏ, bệnh viện nhi quá tải

Tuy nhiên, trên mạng xã hội ở Trung Quốc Đại Lục, tình trạng sốt ở trẻ em, bệnh viện nhi quá tải và phòng khám sốt đang là những chủ đề nóng.

Liên quan đến “cơn sốt” gần đây ở Bắc Kinh, hôm thứ Năm (23/11), bác sĩ Triều Sảng, Phó giám đốc khoa nhi tại Bệnh viện Trường Canh Thanh Hoa Bắc Kinh trực thuộc Đại học Thanh Hoa, nói với truyền thông Trung Quốc: “Đây có thể là áp lực lớn nhất đối với khoa nhi kể từ khi bệnh viện của chúng tôi mở cửa”.

Khoa nhi tại đây thường nhận khoảng 300 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày, nhưng hiện tại đã vượt quá 800 cuộc, con số này đã tăng gấp đôi.

Theo đưa tin của “Đài Phát thanh Nhân dân Trung ương Trung Quốc” (CNR), ngày 21/11, tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh (tên đầy đủ là “Bệnh viện Nhi Bắc Kinh trực thuộc Đại học Y Thủ đô”), hội trường ngoại trú chật kín trẻ em và phụ huynh. Trung tâm truyền dịch cũng đông nghịt trẻ em đang truyền dịch và người nhà.

Phòng truyền dịch và phòng khám của một số bệnh viện nhi ở Bắc Kinh chật kín trẻ em mắc bệnh viêm phổi mycoplasma pneumoniae, nhiều phụ huynh phải mang theo ghế xếp riêng đến để truyền dịch ở hành lang.

Dich benh o Trung Quoc 1 1
Số ca cấp cứu trẻ em tại một bệnh viện trung tâm ở ngoại ô Thượng Hải đã tăng hơn gấp 3 lần, các phòng khám ngoại trú hoạt động từ 9:00 tối – 12:00 đêm. Giường bệnh nội trú sau khi bổ sung vẫn còn hơn 100 trẻ chờ đợi. (Video chụp màn hình do Epoch Times tổng hợp)

Bác sĩ Lý Dự Xuyên, Giám đốc khoa ngoại trú của bệnh viện, cho biết khoa nội của bệnh viện hiện tiếp nhận hơn 7.000 bệnh nhân mỗi ngày, vượt xa khả năng của bệnh viện. Bệnh viện đã tập trung nguồn lực cho khoa nội, phòng khám sốt và ho.

Theo truyền thông địa phương, Bệnh viện nhi Thiên Tân hiện đang tiếp nhận trung bình 13.000 bệnh nhân mỗi ngày. Thậm chí một số y tá đã ngất xỉu do làm việc quá sức.

Công tác cấp cứu nhi khoa tại các bệnh viện ở Liêu Ninh, Cát Lâm, Sơn Đông, Cam Túc và những nơi khác, cũng chứng kiến ​​​​số lượng trẻ em đến bệnh viện tăng đột biến, khoa nhi đang trong tình trạng quá tải.

Theo truyền thông Trung Quốc, chỉ riêng khoa nhi của Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Tế Nam đã khám gần 1.000 bệnh nhân mỗi ngày.

Giữa tháng 11, Chính phủ Nhật Bản xác nhận công dân Trung Quốc và 6 nước châu Á khác phải có giấy chứng nhận xét nghiệm bệnh lao âm tính trước khi được cấp thị thực dài hơn 3 tháng. Yêu cầu này dự kiến ​​sẽ được thực hiện vào năm tới.

Ngoài Trung Quốc Đại Lục, du khách đến từ Indonesia, Nepal, Myanmar, Việt Nam hoặc Philippines cũng được yêu cầu xét nghiệm bệnh lao.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, có khoảng 19,8 triệu khách du lịch đến thăm Nhật Bản trong 10 tháng đầu năm nay. Trong đó khoảng 320.000 người đến từ Trung Quốc Đại Lục và khoảng 150.000 đến từ Hồng Kông.

Bình Minh (t/h)