Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Blinken kích động “đối đầu ý thức hệ” trong tuyên bố của ông ủng hộ những người biểu tình 35 năm trước ở Quảng trường Thiên An Môn.

Tham sat Thien An Mon 6
Vào ngày 4/6/1989, quân đội trên xe tăng của Quân đội ĐCSTQ đã nổ súng vào các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn. (Ảnh: 64memo.com)

Theo AFP đưa tin từ Bắc Kinh, người phát ngôn Mao Ninh của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ nói với giới truyền thông hôm thứ Tư (5/6): “Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngay lập tức sửa chữa sai lầm, hãy chân thành tôn trọng chủ quyền cũng như con đường phát triển đã chọn của Trung Quốc”.

Bà Mao Ninh kêu gọi “tôn trọng cam kết của các nhà lãnh đạo Mỹ trong việc tôn trọng hệ thống chính trị của Trung Quốc, không tìm cách thay đổi hệ thống chính trị, ngừng kích động đối đầu ý thức hệ và ngừng sử dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”

Trước đó AFP đưa tin từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng các phong trào ủng hộ dân chủ ở Mỹ và Trung Quốc “sát cánh cùng nhau”, thề sẽ không bao giờ quên cuộc đàn áp xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn 35 năm trước.

Ông nói: “Trong khi Bắc Kinh tìm cách xóa bỏ ký ức về ngày 4/6, Mỹ tiếp tục sát cánh cùng những người tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền và tự do cá nhân”.

Ông còn nói: “Lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người đã đứng lên tại Quảng trường Thiên An Môn 35 năm trước sẽ không bao giờ bị lãng quên”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng không ngần ngại mô tả cuộc đàn áp ngày 4/6/1989 là một “vụ thảm sát”.

Ông nhấn mạnh rằng Mỹ ủng hộ những người biểu tình Thiên An Môn yêu cầu Trung Quốc [ĐCSTQ] công nhận các quyền con người có trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng và làm việc với cộng đồng quốc tế để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền trong và ngoài Trung Quốc,” ông Blinken nói.

Hãng tin AFP chỉ ra rằng tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 4/6/1989, ĐCSTQ đã phái quân đội và xe tăng đàn áp những người đấu tranh dân chủ và biểu tình ôn hòa để chấm dứt nhiều tuần biểu tình đòi thay đổi chính trị. Cuộc đàn áp đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, một số ước tính cho rằng số người chết lên tới hơn 1000 người.