Một cuộc thăm dò ý kiến do Viện Forsa thay mặt cho tuần báo Stern thực hiện cho thấy, hầu hết người Đức hiện phản đối việc Israel tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự ở Gaza.

Cuộc khảo sát được tiến hành vào tuần trước cho thấy, tổng cộng 61% người được hỏi cho biết họ phản đối hành động của Israel, trong khi chỉ có 1/3 trong số người được hỏi vẫn ủng hộ quốc gia Do Thái. Bài báo của Stern nhận định, trong khoảng nửa năm, dư luận ở Đức dường như đã thay đổi sang hướng ngược lại.

Cuộc xung đột quân sự giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas người Palestine ở Gaza đã bước sang tháng thứ bảy. Cuộc chiến nổ ra vào tháng Mười năm ngoái sau khi Hamas tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Israel giáp với Gaza. Cuộc tấn công đẫm máu này đã khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng và hơn 240 người bị bắt làm con tin.

Israel đã đáp trả bằng một chiến dịch ném bom lớn nhằm vào Gaza, sau đó là một chiến dịch quân sự trên bộ quy mô lớn. Theo các nhà chức trách y tế ở Gaza, hành động quân sự của Israel đã khiến hơn 36.000 người ở Gaza thiệt mạng.

Trích dẫn kết quả từ một cuộc khảo sát khác của Viện Forsa, tờ Stern đưa tin, tháng Mười Một năm ngoái, chưa đầy một tháng sau khi cuộc xung đột nổ ra, hầu hết người Đức đều ủng hộ Israel. Bài báo cho biết, vào thời điểm đó, 62% số người được hỏi ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel, trong khi chỉ có 31% phản đối.

Sự thay đổi quan điểm này trải khắp các đảng phái chính trị ở Đức. Những người ủng hộ của hầu hết tất cả các lực lượng chính trị lớn trong nước, kể cả Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz, những đối tác liên minh của ông như Đảng Xanh, và cả lực lượng đối lập lớn nhất, Liên minh trung hữu, giờ đây tất cả đều phản đối hành động quân sự tiếp tục của Israel. Những người ủng hộ đảng Giải pháp thay thế cho Đức (AfD) cánh hữu, hầu hết cũng đều phản đối hành động của Israel.

Cuộc thăm dò được tiến hành trong hai ngày 30 và 31 tháng Năm, với tổng cộng 1.003 người trên khắp nước Đức tham gia cuộc khảo sát.

Đức là một trong những quốc gia ủng hộ Israel kiên định nhất trong những tháng qua. Sau Thế chiến thứ hai, Đức đã cam kết sẽ đảm bảo an ninh của Israel như một phần trong lợi ích quốc gia của chính mình, như một trong những cách để chuộc lỗi cho vụ thảm sát người Do Thái Holocaust do Đức Quốc xã gây ra trong thế chiến thứ hai.

Hồi tháng Năm, khi công tố viên trưởng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan đệ đơn xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel, Berlin tuyên bố, họ sẽ “tuân thủ luật pháp” và tuân theo quyết định của tòa án. Lệnh bắt giữ được yêu cầu nhắm vào các bộ trưởng của Israel cũng như ba nhà lãnh đạo của Hamas vì bị cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột ở Gaza.

Israel đã lên án các lệnh bắt giữ được đề xuất này là hành động bài Do Thái, đồng thời kêu gọi “các quốc gia văn minh” tẩy chay bất kỳ lệnh bắt giữ nào nhắm vào các nhà lãnh đạo của họ. Đại sứ Israel tại Berlin Ron Prosor cũng đặc biệt kêu gọi Berlin phản đối lệnh bắt giữ của ICC, khi lập luận rằng Đức có trách nhiệm “điều chỉnh lại âm mưu này.” Chính phủ Đức đã từ chối bình luận về những yêu cầu này của Israel.

Gia Huy (Theo RT)