Cho dù là ở đâu, quán nước, ngoài chợ, trong bàn tiệc, bên mâm cỗ, bệnh viện, trường học, cơ quan… chúng ta đều nghe thấy mọi người sục sôi, đam mê nói chuyện kiếm tiền và làm giàu. Trên báo và mạng xã hội những bài viết, clip có lượng người xem đông đảo nhất cũng là những bài, clip có liên quan đến làm giàu, kiếm tiền. Ngay cả làng quê vốn phẳng lặng như mặt ao làng hay yên ả như cánh cò bay trên đồng lúa xanh giờ cũng sôi động với câu chuyện làm ăn, làm giàu hay sục sôi vì đất. Ngồi đâu chúng ta cũng thấy người người bàn tán râm ran chuyện tiền tỉ, chuyện nhà này giàu, nhà kia xây nhà mua xe, người nhà nọ người nhà kia kiếm mỗi tháng mấy chục mấy trăm triệu.

Ngay trong giới sinh viên, là những người đi học, câu chuyện kiếm tiền làm giàu cũng trở nên sôi sục. Sinh viên giờ đây tham gia vào hoạt động kinh tế sớm và phong phú hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Thời chúng tôi dẫu có đi làm thêm cùng lắm cũng chỉ làm các việc như đóng gói hàng, bán hàng và làm gia sư. Trong khi đó, hiện nay những nghề sinh viên có thể làm để kiếm tiền rất phong phú. Danh sách các nghề có thể kéo dài đến hàng trăm, thậm chí nhiều sinh viên vừa đi học vừa làm giám đốc, trưởng phòng ở các công ty…

Tuy nhiên, chúng ta hãy quan sát kĩ và suy ngẫm xem người Việt chúng ta tuy ham mê kiếm tiền và làm giàu như vậy nhưng họ đang làm giàu, kiếm tiền bằng cách nào, như thế nào, bằng tư duy gì?

Có phải là tuy sục sôi kiếm tiền, khao khát làm giàu như vậy nhưng số người thật sự bắt tay vào học hỏi, nghiên cứu để kiếm tiền một cách lương thiện rất ít phải không nào?

Có phải là rất nhiều người đã chỉ kiếm tiền bằng suy nghĩ rất giản đơn là “lấy sức đổi tiền” hoặc mơ mộng vận may sẽ tới mà không hề đầu tư thời gian, công sức để học hỏi nâng cao năng lực, tri thức của bản thân?

Bao nhiêu người khao khát làm giàu, khao khát kiếm tiền suy nghĩ nghiêm túc và có hành động thiết thực hướng tới việc đó bằng việc học lấy một nghề, một kĩ năng nào đó phù hợp với bản thân và chăm chỉ ứng dụng nó vào đời sống để kiếm tiền chân chính?

Có lẽ là không nhiều nếu ta quan sát xem mức độ chuyên nghiệp của những người đang làm việc và khao khát kiếm tiền đó như thế nào.

Ví dụ, khi vào cửa hàng mua hàng bạn hãy quan sát xem bao nhiêu người chủ cửa hàng hay nhân viên biết cúi đầu, mỉm cười chào khách khi bạn đi vào và biết cúi đầu cảm ơn khi bạn ra khỏi cửa hàng dù mua hay không mua món đồ nào.

Bao nhiêu người chủ cửa hàng, nhân viên vui vẻ trả lời các câu hỏi của bạn hoặc tư vấn tận tình cho bạn khi xem hàng?

Khi vào các nhà hàng, cửa hàng ăn uống bạn hãy kiểm tra khu vực bếp và nhà vệ sinh, chỗ để đũa bát xem vấn đề vệ sinh, ngăn nắp được quan tâm và thực hiện như thế nào? Có phải là bạn sẽ lắc đầu ngao ngán và thậm chí là ghê sợ buồn nôn khi có nhiều nơi tuy bán đồ ăn nhưng nhà vệ sinh rất bẩn, thậm chí thiếu cả giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay không?

Bạn cũng thử nhìn xem có bao nhiêu nhà hàng, cửa hàng bắt buộc nhân viên đeo găng tay, tạp đề, đội mũ, đeo khẩu trang khi chế biến thức ăn trong bếp? Bao nhiêu nhân viên khi bưng bê thức ăn cho khách biết đặt bát, đĩa lên khay hoặc biết cách cầm để tránh các ngón tay chạm vào thức ăn, vào thành bát bên trong gây mất vệ sinh?

Và nữa, có phải là dưới sàn quán, trên mặt bàn chỗ nào cũng vương vãi giấy rác, xương xẩu, thức ăn thừa không?

Chưa hết, có quán nào quan tâm đào tạo và có kỉ luật nghiêm khắc đối với nhân viên để họ không được nói chuyện riêng, có các hành động và ngôn ngữ không phù hợp khi làm việc không? Hay chuyện nhân viên vừa cười đùa, nói tục, chửi thề, nghịch điện thoại vừa phục vụ khách hàng là phổ biến?

Ở các lĩnh vực khác cũng tương tự. Đã bao giờ bạn đi xe buýt mà thấy nhân viên thu vé ngồi trên ghế của khách, nói năng bạt mạng, cười đùa với lái xe hoặc trêu chọc khách đi xe chưa? Đã bao giờ bạn thấy trên xe buýt lái xe vừa chạy xe vừa hồn nhiên văng tục, chửi thề vào giờ cao điểm hay khi có người va chạm với xe chưa?

Tất cả các chuyện trên tôi đều đã trải nghiệm và chứng kiến rất nhiều. Tôi có thể lấy ví dụ tương tự ở rất nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn tuy là giáo viên nhưng không có thói quen đọc sách để tự học, tuy là nhân viên thư viện ngồi giữa biển sách nhưng lúc rỗi chỉ nghịch điện thoại…

Điều đó nghĩa là rất nhiều người có chăm chỉ, có khao khát kiếm tiền mưu sinh, làm giàu nhưng đều làm ở mức độ từ trung bình khá trở xuống. Hiếm có những người có ý thức học hỏi, cải tiến để nâng cao chất lượng làm việc mỗi ngày từ đó nâng cao thu nhập, tạo ra cơ hội thăng tiến hay mở ra các cánh cửa khác. Thậm chí do môi trường khắc nghiệt và lối tư duy lười biếng, nhiều người luôn nghĩ “làm tốt mấy thì lương vẫn thế thì làm tốt để làm gì?”.

Vậy nên, có vô số người đang làm việc ở mọi lĩnh vực với thái độ, tư duy, năng lực, trình độ chuyên nghiệp rất thấp. Thậm chí có người còn bảo hình như đang diễn ra tình trạng người chủ giả vờ trả lương và nhân viên thì giả vờ làm việc.

Một người đang sống trong nghèo khó mà làm việc kiểu như vậy thì quả thật rất khó thoát nghèo.

Nguyễn Quốc Vương
Trích trong cuốn sách về nghèo đói của tác giả. Mời bạn đọc liên hệ đặt sách.

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: