Tháng 4 vừa qua, nhập khẩu thép cán nóng (HRC) vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, trong đó thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công thương thực hiện các biện pháp phù hợp, kịp thời.

NHAP KHAU THEP TANG DOT BIEN
Nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc tăng đột biến. Ảnh Trithucvn.

Theo dữ liệu từ Hải quan Việt Nam, tháng 4/2024, lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục leo cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa. Đáng chú ý, thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về Việt Nam là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2023.

Tuy nhiên, cùng là loại hàng thép cán nóng nhưng trong thời gian qua, Trung Quốc luôn bán rẻ hơn nhiều các quốc gia khác để xuất khẩu ồ ạt sang Việt Nam.

Cụ thể, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm trung bình là 578 USD/tấn, thấp hơn giá bình quân các thị trường khác từ 32-59 USD/tấn. Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123USD/tấn.

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp thép Trung Quốc có dấu hiệu bán hàng dưới giá thành do nước này đang đối mặt với khủng hoảng thừa. Nếu nhập khẩu thép cán nóng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Hàng loạt nước yêu cầu điều tra, thực hiện các biện pháp chống bán phá giá với thép cán nóng

Xử lý vấn đề nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc tăng mạnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Hiện nay, Thái Lan cũng đang điều tra, xem xét mở rộng các biện pháp chống bán phá giá mới với thép cán nóng Trung Quốc do thép nhập khẩu giá rẻ tràn ngập khiến doanh nghiệp thép Thái Lan chỉ sản xuất được 30% công suất, thấp hơn mức trung bình 58% của Đông Nam Á.

Ông Wirote Rotewatanachai, Chủ tịch Viện Sắt thép Thái Lan nói với tờ Nikkei, việc để ngành thép Thái Lan thu hẹp sẽ là một vấn đề đối với an ninh quốc gia. Ông Wirote cho rằng cần bảo vệ ngành công nghiệp địa phương này, trong trường hợp xảy ra các vấn đề như gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là hiện nay đang có nhiều xung đột địa chính trị.

Theo WorldSteel, ngày 16/5, Ủy ban Châu Âu (EC) bắt đầu điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá (AD) đối với thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc nếu phát hiện hàng nhập khẩu đó đang bị bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp địa phương. Cuộc điều tra sẽ kết thúc trong vòng một năm nhưng không quá 14 tháng.

Theo thông báo của EU, các biện pháp tạm thời có thể được áp dụng không ít hơn bảy tháng kể từ ngày 16/5. EU sẽ sử dụng khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 2020 để xem xét các xu hướng liên quan đến việc đánh giá thiệt hại. Cuộc điều tra được thực hiện theo đơn của Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer). Eurofer cho biết: “Ngành công nghiệp EU đã mất 1/4 khối lượng bán hàng từ năm 2021 đến năm 2023, trong khi thị phần tiêu dùng của EU do hàng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm giữ đã tăng hơn gấp đôi trong cùng kỳ”.

Nguyên Hương (Theo Báo Công Thương)