Hôm thứ Sáu (24/5), một phụ nữ người Anh gốc Hoa đã bị tòa án London kết án 6 năm 8 tháng tù về tội rửa tiền, vì giúp rửa tiền và chuyển bitcoin thành tiền mặt và bất động sản, lên tới 5 tỷ bảng Anh (khoảng 6,37 tỷ USD).

Bo Tu phap Anh
Bảng hiệu tòa nhà Bộ Tư pháp Anh. (Ảnh: gov.uk)

Các công tố viên cho biết, Giản Văn (Wen Jian) đã giúp che giấu nguồn gốc của một lượng lớn tiền bị đánh cắp từ năm 2014 đến năm 2017 trong một kế hoạch lừa đảo quản lý tài sản có sự tham gia của gần 130.000 nhà đầu tư Trung Quốc.

Âm mưu lừa đảo được thực hiện bởi Trương Á Địch (Zhang Yadi), một phụ nữ Trung Quốc quen biết với Giản Văn. Trương Á Địch tên thật là Tiền Chí Mẫn.

Theo cảnh sát London, tháng 9/2017 Chí Mẫn đến London bằng hộ chiếu từ Liên bang Saint Kitts và Nevis ở Caribbean. Hộ chiếu này được cấp dưới tên Trương Á Địch (Zhang Yadi) cùng các thông tin khác với thông tin thật của Chí Mẫn.

Tiền Chí Mẫn bị Bắc Kinh truy nã vì tội lừa đảo. Cô bị tình nghi chiếm đoạt 5 tỷ bảng Anh (khoảng 6,37 tỷ USD) từ một kế hoạch lừa đảo ở Trung Quốc, sau đó chuyển số tiền này thành bitcoin và đến London vào năm 2017 với danh tính giả. Kế hoạch lừa đảo này có tới 130.000 nạn nhân. Tiền Chí Mẫn hiện đang mất tích.

Giản Văn không bị buộc tội gian lận trong kế hoạch quản lý tài sản.

Cô làm việc trong một nhà hàng thức ăn nhanh Trung Quốc và sống trong một ngôi nhà bình thường. Từ năm 2017, cô chuyển đến một biệt thự 6 phòng ngủ ở phía bắc London cùng với Tiền Chí Mẫn.

Sau khi Tiền Chí Mẫn đến Anh, Giản Văn đã hỗ trợ cô bằng cách chuyển bitcoin thành tiền mặt, trang sức, hàng xa xỉ và bất động sản, nhằm che giấu nguồn gốc thực sự của số tiền.

Giản Văn, người có mối quan hệ thân thiết với Tiền Chí Mẫn, từng cố gắng mua 2 bất động sản ở London trị giá lần lượt là 15 triệu USD và 30 triệu USD. Nhưng giao dịch không thành công vì cô không thể cung cấp đầy đủ bằng chứng về nguồn tiền. Sau đó Giản Văn lập luận rằng Tiền Chí Mẫn đã tham gia khai thác bitcoin và đưa bitcoin cho cô ấy.

Giản Văn bị bắt vào năm 2021.

Năm 2018, khi cảnh sát London khám xét trang viên thuê của Tiền Chí Mẫn ở London, họ đã tìm thấy một số lượng lớn ví bitcoin mã hóa được lưu trữ trong máy tính xách tay, ổ đĩa flash và các thiết bị khác của cô.

Là một phần của cuộc điều tra, cảnh sát Anh đã thu giữ các ví chứa hơn 61.000 ví bitcoin. Đến nay, đây là một trong những vụ tịch thu tiền điện tử lớn nhất của một cơ quan thực thi pháp luật toàn cầu.

Lúc đó, Tiền Chí Mẫn đang ở trong phòng, nhưng sau đó cô ấy đã trốn khỏi Anh.

Trong phiên tòa xét xử Giản Văn, các công tố viên cho biết khi cảnh sát tiếp cận được chúng vào năm 2021, 61.000 ví bitcoin trị giá khoảng 1,4 tỷ bảng Anh (1,78 tỷ USD). Giá trị của những bitcoin này hiện là hơn 3 tỷ bảng Anh (khoảng 3,83 tỷ USD).

Giản Văn, 42 tuổi, đã phủ nhận 3 tội danh rửa tiền, và cung cấp bằng chứng cho thấy cô không biết gì về hành vi phạm tội của Tiền Chí Mẫn.

Giản Văn nói cô tin rằng Tiền Chí Mẫn là một doanh nhân giàu có nhờ kinh doanh trang sức và đầu tư bất động sản, cũng như khai thác bitcoin hợp pháp.

Sau phiên tòa xét xử tại Tòa án Southwark Crown vào tháng Ba, bồi thẩm đoàn đã kết luận Giản Văn phạm tội rửa tiền.

Theo hãng tin tài chính Caixin, các nguồn tin thân cận cho biết vụ án của Giản Văn liên quan đến hoạt động huy động vốn bất hợp pháp được dàn dựng bởi Công ty TNHH Công nghệ Điện tử Lantian Gerui Thiên Tân.

Công ty này đã huy động trái phép 43,5 tỷ nhân dân tệ (6,01 tỷ USD), khiến hơn 130.000 người dân Trung Quốc trở thành nạn nhân, chủ yếu là người cao tuổi tại 31 tỉnh, thành phố và khu tự trị trên khắp Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian từ 2014 – 2017, dưới vỏ bọc của một công ty công nghệ, Gerui đã giới thiệu nhiều sản phẩm quản lý tài sản, được quảng cáo là không rủi ro và mang lại lợi nhuận cao để thu hút nhà đầu tư.

Caixin thu thập được tài liệu tiếp thị cho thấy các sản phẩm này yêu cầu nhà đầu tư phải khóa tiền trong thời gian từ 6 tháng đến 2 năm rưỡi, với số tiền góp tối thiểu là 6.000 nhân dân tệ (hơn 820 USD). Lãi suất được quảng cáo từ 100% đến 300%.

Năm 2017, Tiền Chí Mẫn đã thành lập một công ty tại Quần đảo Cayman, một lãnh thổ hải ngoại của Anh.

Công ty này cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tiền điện tử với lãi suất hứa hẹn lên tới 100% mỗi năm, nhưng thực chất lại là một công ty “ngụy trang” không có giấy phép kinh doanh bảo hiểm nào. Tất cả các sản phẩm được bán thông qua mảng bảo hiểm của Chí Mẫn về cơ bản đều là các sản phẩm của công ty Gerui.

Tháng Chín năm nay, Anh sẽ tổ chức một phiên điều trần để quyết định cách giải quyết 61.000 ví bitcoin bị tịch thu. Truyền thông Anh đưa tin, cảnh sát Anh khẳng định họ chưa nhận được bất kỳ yêu cầu thu hồi tài sản nào từ Bắc Kinh.

Theo luật pháp Anh, nếu không có ai khác có quyền sở hữu tài sản, một nửa số tiền tịch thu sẽ được giao cho cảnh sát và nửa còn lại giao cho Bộ Nội vụ.

Một luật sư có kinh nghiệm giải quyết việc thu hồi tiền bất hợp pháp ở nước ngoài cho biết: “Vụ việc cho thấy các quốc gia nên tăng cường hợp tác xuyên biên giới giữa các cơ quan thực thi pháp luật đối với các tội phạm như gian lận huy động vốn và rửa tiền”.

Ông chỉ ra rằng hành vi phạm tội ban đầu diễn ra ở Trung Quốc, mặc dù tài sản bị tịch thu ở Anh. “Sẽ là không công bằng nếu số tiền này không được trả lại cho các nhà đầu tư Trung Quốc”.

Bình Minh (t/h)