Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ không tham dự ngày thứ hai của ‘hội nghị hòa bình’ Thụy Sĩ của nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky. Ông Scholz phải bay trở lại Berlin để họp khẩn với đảng chính trị của mình.

Olaf Scholz
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị Phục hồi Ukraine 2024, vào ngày 11 tháng 6 năm 2024 tại Berlin, Đức. (Ảnh Sean Gallup/Getty Images)

Theo tờ Der Spiegel đưa tin vào sáng Chủ Nhật (16/6), thủ tướng Đức sẽ có một số “cuộc đàm phán khó khăn về ngân sách” với các đối tác liên minh của mình. Ngân sách liên bang năm 2025 phải được phê duyệt vào đầu tháng Bảy, nhưng chính phủ của ông Scholz vẫn đang vướng vào một cuộc tranh chấp gay gắt về các chi tiết.

Đức vẫn còn thiếu hụt 1 tỷ euro (1,07 tỷ đô la) trong dự thảo ngân sách và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner muốn cắt giảm chi tiêu – điều mà các bộ khác phản đối, đài truyền hình ZDF đưa tin vào Chủ Nhật.

Nền kinh tế nặng về công nghiệp của Đức đã bị ảnh hưởng trong vài năm qua sau khi Hoa Kỳ và EU áp đặt nhiều hạn chế kinh tế đối với Nga, khiến khối này phần lớn mất quyền tiếp cận nhiên liệu hóa thạch giá rẻ của Nga. Điều đó đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng bao trùm lên Đức kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu.

Vào tháng Hai, ngân hàng trung ương Đức đã cảnh báo rằng nền kinh tế của quốc gia này “sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật” trong quý đầu tiên của năm nay. Ông Scholz cũng phải đối mặt với cáo buộc trì hoãn các lệnh trừng phạt mới của EU đối với Nga.

Hãng thông tấn dpa của Đức đã trích dẫn từ các nhà ngoại giao EU giấu tên, tuyên bố rằng lập trường của Berlin là yếu tố chính trong việc trì hoãn việc thông qua vòng trừng phạt thứ 14 của EU đối với Moscow. Thủ tướng Đức đã bác bỏ các cáo buộc khi vẫn còn ở Thụy Sĩ.

“[Các lệnh trừng phạt] không bị chặn. Chúng tôi đang thảo luận về chi tiết. Vấn đề là làm thế nào thể đảm bảo rằng nền kinh tế Đức có thể thực hiện các hoạt động của mình”, ông nói với Welt TV vào thứ Bảy (15/6).

Trước đó, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng ông Scholz được cho là lo ngại về viễn cảnh những công ty con của các công ty EU phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm lệnh trừng phạt.

Trong hội nghị hoà bình tại Thuỵ Sĩ, thủ tướng Đức tuyên bố rằng cuộc xung đột Ukraine không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của Nga trong các cuộc đàm phán. “Đúng là hòa bình ở Ukraine không thể đạt được nếu không có… Nga,” ông nói.

Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cũng đã rời khỏi hội nghị do Thụy Sĩ tổ chức chỉ sau vài giờ vào thứ Bảy (15/6), bà Harris trở về Washington trước khi ngày làm việc chính của hội nghị thượng đỉnh bắt đầu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng được cho là nằm trong số những người rời khỏi sự kiện chỉ sau vài giờ.

Thanh Tâm, theo RT