3ha lúa nằm gần các tuyến đường cao tốc đoạn Hậu Giang – Cà Mau thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp bị chết, tại Hậu Giang. 

bo nnptnt lua chet do su dung cat bien lam duong cao toc
Cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang kiểm tra độ mặn bất thường trong ruộng lúa hè thu theo phản ánh của người dân. (Ảnh: baohaugiang.com.vn)

Ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị có báo cáo gửi Thủ tướng cho hay kết quả xác minh cho thấy các mẫu phân tích lấy từ các ruộng lúa bị chết có độ mặn cao gấp nhiều lần so với ngưỡng chịu mặn cho phép.

Cụ thể, kết quả ghi nhận 3 ha lúa của 9 hộ tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thanh, Hậu Giang bị ảnh hưởng do cát nhiễm mặn. Diện tích trồng lúa trên nằm kề dự án đường cao tốc đoạn Hậu Giang – Cà Mau.

Mẫu lấy ở diện tích lúa bị chết có độ mặn 2,5‰ và ở vùng không bị thiệt hại là 0,1‰, theo kết quả đo nồng độ mặn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang. Trong khi đó, tiêu chuẩn cơ sở về ngưỡng chịu mặn của cây lúa do Bộ NN&PTNT ban hành là 1,28 ‰.

Bộ NN&PTNT cho biết sau khi thu hoạch 2,33 ha lúa bị ảnh hưởng, sản lượng đạt 13,5 tấn, năng suất trung bình đạt 6,04 ha. Trong khi đó, năng suất trung bình ở những khu vực không bị ảnh hưởng là 7,6 tấn/ha, dẫn tới sản lượng lúa thiệt hại là 5,5 tấn. Hiện các hộ dân đã được đơn vị thi công bồi thường thiệt hại 43,9 triệu đồng.

Đối với vụ lúa hè – thu, Bộ NN&PTNT cho biết ngày 10/5, sau khi UBND xã Vị Thắng có văn bản báo cáo nhận định về việc cát biển làm nền đường cao tốc có thể ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất lúa, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra thực tế diện tích lúa gần đoạn đường thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn xã này.

Qua kiểm tra, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang ghi nhận có những ruộng lúa đã gieo sạ 20-25 ngày bị chết 70% diện tích, một số ruộng bị chết 20-50% diện tích. Kết quả đo độ mặn ở ruộng lúa bị chết là 6,6‰, tại lòng đường cao tốc là 1,8‰ và tại kênh thủy lợi 0,4‰.

Từ kết quả này, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thi công có giải pháp cụ thể để độ nhiễm mặn của nước nơi thi công đảm bảo đúng tiêu chuẩn (của Bộ NN&PTNT đưa ra).

Báo Hậu Giang ngày 11/6 cho hay người dân phản ánh 2 vụ lúa của nhiều hộ dân dọc tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy bị giảm năng suất, do lúa chết, nghi do nhiễm mặn.

Người dân phản ánh việc bơm cát nền cho dự án cao tốc khiến đất nhiễm mặn, cây lúa không phát triển và bị chết. Tình trạng này đã kéo dài từ vụ lúa Đông xuân 2023-2024 đến vụ Hè thu 2024.

Ngành chuyên môn của tỉnh Hậu Giang xác định lúa bị ảnh hưởng do nhiễm mặn. Tại thời điểm người dân phản ánh, độ mặn được ngành chức năng tỉnh đo được là 2,5‰ và có thời điểm lên đến 6,6‰; riêng những ruộng không bị ảnh hưởng thì độ mặn có 0,1‰.

Bộ GTVT phủ nhận

Tối 14/6, Bộ GTVT phát thông báo khẳng định dự án cao tốc đang thi công nói trên không sử dụng cát biển. Bộ này cho hay các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025 nói chung và đoạn Cần Thơ – Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông.

Đối với dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau bị phản ánh, Bộ GTVT nêu rõ dự án này đang sử dụng duy nhất cát từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù.

Về sử dụng cát biển để thi công thí điểm mở rộng, đại diện Bộ GTVT cho biết Ban QLDA Mỹ Thuận, các nhà thầu đang làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng để hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác để thi công các đoạn tuyến tại các khu vực có điều kiện môi trường tương đồng với khu vực đã thí điểm. Dự kiến cuối tháng 6/2024 mới có thể bắt đầu khai thác cát biển.

Tại bản thông báo, Bộ GTVT cho rằng các thông tin như một số báo chí phản ánh là “thiếu cơ sở”. Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và địa phương tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân lúa chết.

Trước khi đưa ra thông báo nói trên, tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì trong sáng 14/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định dự án cao tốc Hậu Giang – Cà Mau “chưa sử dụng một hạt cát biển nào” và nguồn cát sử dụng được kiểm soát chặt chẽ.

Nguyễn Quân