Cựu Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15.

ong to lam duoc bau lam chu tich nuoc viet nam
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội. (Ảnh: Nhật Bắc/chinhphu.vn)

Sáng ngày 22/5, truyền thông Nhà nước đưa tin 472/473 đại biểu có mặt thông qua Nghị quyết bầu ông Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Đúng 9h, ông Tô Lâm bước lên bục thực hiện nghi lễ tuyên thệ.

Trong phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn Quốc hội tín nhiệm bầu và giao cho ông trọng trách chủ tịch nước, cảm ơn Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giới thiệu ông cho cương vị chủ tịch nước.

Tân Chủ tịch nước Tô Lâm nói: “Tôi xin hứa thực hiện nghiêm túc đầy đủ, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước đã được hiến định.”

Trong vòng ba năm qua, người dân Việt Nam đã chứng kiến ba lần tuyên thệ nhậm chức của ba chủ tịch nước khác nhau. Trong đó, hai người đã bị miễn nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ do liên quan đến sai phạm, đó là các ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng.

Ông Tô Lâm sinh năm 1957, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.

Sau 5 năm học tại Đại học An ninh nhân dân, ông Tô Lâm trở thành cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau đó kinh qua nhiều chức vụ ở các đơn vị của Bộ Công an.

Trước đó, với 475/475 đại biểu có mặt đồng ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Mẫn sinh năm 1962 ở Hậu Giang, là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11, 12 và 13; Bí thư Trung ương Đảng khóa 12; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; đại biểu Quốc hội ba khóa 13, 14 và 15.

Trước khi được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội vào tháng 4/2021, ông từng giữ chức Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quốc hội khóa 15 còn bao nhiêu người?

Quốc hội khóa 15 bầu 500 đại biểu, nhưng chỉ có 499 người được xác nhận trúng cử đại biểu Quốc hội. Một người không được xác nhận do “không đảm bảo tiêu chuẩn”. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, số đại biểu Quốc hội đã hao hụt là 12 người. Trong đó, có 3 người bị bãi nhiệm sau khi vướng vào lao lý; 9 người còn lại được cho thôi làm nhiệm vụ theo nguyện vọng, chủ yếu là các trường hợp liên quan tới sai phạm, kỷ luật. Số lượng đại biểu Quốc hội khóa 15 hiện tại còn 487 đại biểu.

3 đại biểu Quốc hội bị vướng vào lao lý và bị khai trừ khỏi Đảng, gồm:

  • Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long – đoàn đại biểu Vĩnh Long (lãnh 18 năm tù trong vụ án Việt Á);
  • Cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – Hoàng Thị Thúy Lan – đoàn đại biểu Vĩnh Phúc (bị khởi tố, bắt giam vì liên quan vụ án Phúc Sơn);
  • Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang – Dương Văn Thái – đoàn đại biểu Bắc Giang (bị khởi tố, bắt giam vì vụ án Tập đoàn Thuận An).

6 ủy viên Bộ Chính trị xin thôi, gồm:

  • Ông Phạm Bình Minh, cựu Phó Thủ tướng thường trực, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu;
  • Ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu Chủ tịch nước, đoàn TP.HCM;
  • Ông Trần Tuấn Anh, cựu Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đoàn Khánh Hòa;
  • Ông Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch nước, đoàn Đà Nẵng;
  • Ông Vương Đình Huệ, cựu Chủ tịch Quốc hội, đoàn Hải Phòng;
  • Bà Trương Thị Mai, cựu Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, đoàn Hòa Bình.

3 đại biểu Quốc hội bị kỷ luật, gồm:

  • Ông Lê Minh Chuẩn, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam, đoàn Quảng Ninh, bị kỷ luật cảnh cáo;
  • Ông Nguyễn Văn Thạnh, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang, đoàn An Giang; bị kỷ luật cảnh cáo;
  • Ông Nguyễn Phú Cường, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đoàn Đồng Nai (vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật, nhưng chưa nhận hình thức kỷ luật).

Minh Long