Bạn có thể không nhớ tuần trước bạn đã ăn gì, ngày hôm qua đã làm gì hay một tiếng trước bạn đã nghĩ những gì, nhưng bạn lại có thể nhớ như in những chuyện đau buồn từ nhiều năm về trước. Có biết bao nhiêu ký ức đẹp để nhớ lại, nhưng chúng ta vẫn luôn nhớ đến những điều không hạnh phúc. Vậy làm sao để có thể thay đổi thói quen tiêu cực này của bộ não?

ky uc dau buon
Nếu bạn không muốn bị dày vò bởi nỗi đau của quá khứ thì hãy cố gắng tập trung vào hiện tại. Suy cho cùng, khoảnh khắc hiện tại mới là những gì chúng ta thực sự có. (Ảnh: Johnstocker Production/ Shutterstock)

1. Nhớ lại quá khứ đau buồn là do cơ chế persistence của não bộ

Persistence (tính bền vững) là một trong 7 cơ chế hoạt động của bộ não, nó khiến chúng ta cứ bị đeo bám bởi những ký ức tồi tệ. Điều này xảy ra do chức năng lưu trữ ký ức của hạch hạnh nhân (amygdala) và chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter).

Hạch hạnh nhân có chức năng điều chỉnh cảm xúc như sợ hãi, lo lắng hay tức giận, và nó cũng góp phần vào việc lưu trữ các ký ức. Bên cạnh đó, hạch hạnh nhân còn giúp chuyển hóa kí ức ngắn hạn thành dài hạn, đặc biệt là những điều khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ.

Ngoài ra, các chất dẫn truyền thần kinh sẽ đảm nhiệm việc hình thành những kí ức mới. Hoạt động tích cực giữa các chất này tạo điều kiện để lưu trữ ký ức vào bộ nhớ dài hạn. Do đó, khi trải qua một sự kiện với cảm xúc mạnh, những chất dẫn truyền thần kinh được giải phóng nhiều hơn, khiến chúng ta nhớ về sự kiện đó lâu hơn.

Theo nghiên cứu của nhà thần kinh học McGaugh, glutamate là một chất dẫn truyền khiến bộ não nhớ về những trải nghiệm căng thẳng rất rõ ràng và sinh động. Vì thế, sẽ ghi nhớ những sự kiện không tốt lâu hơn và suy nghĩ nhiều hơn về nó.

2. Mượn những nỗi đau để tôi luyện bản thân 

Một bản nhạc hay là bởi sự kết hợp hài hòa giữa những nốt thăng và nốt trầm. Cuộc sống của mỗi người cũng vậy, nỗi đau hay thất bại sẽ là tiền đề cho sự trưởng thành và kiên cường. Có rất nhiều thứ bạn không thể thay đổi hoặc kiểm soát, bạn chỉ có thể mượn những biến cố đó để tôi luyện sự mạnh mẽ cho bản thân mà thôi.

Nếu ký ức đau buồn cứ hiện về ở hiện tại, phải chăng đó là để bạn thêm trân quý những khoảnh khắc đẹp đẽ hiện có. Vì vậy, đừng nhìn những ký ức đau buồn như “một kẻ phạm tội”, điều này không giúp gì được cho bạn, thay vào đó hãy tạo ra những tư duy tích cực để chuyển nỗi đau thành hạnh phúc. 

Từ khoảnh khắc này, bạn hãy cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của hiện tại. Thay vì luôn nghĩ bản thân yếu kém, không đủ tốt, không đủ năng lực sau những trải nghiệm khó khăn thì hãy thử dũng cảm đối mặt lại với nó một lần nữa, bằng cách này bạn sẽ hiểu giá trị của hiện tại.

noi dau
Nỗi đau hay thất bại sẽ là tiền đề cho sự trưởng thành và kiên cường, nếu bạn dũng cảm đối mặt, giải phóng tinh thần, bạn sẽ thấy rằng cuộc sống sau đó sẽ thoải mái hơn rất nhiều. (Ảnh: KieferPix/ Shutterstock)

3. Hãy thiện đãi với bản thân và những nỗi đau 

Thời gian sẽ chữa lành mọi thứ, nhưng cần bao lâu? Nó không do bạn quyết định. Bất kỳ điều gì dù lớn hay nhỏ đều có thể gợi lại những ký ức tồi tệ, một mối tình tan vỡ, sự ra đi của người bạn nhất mực yêu thương, một sự kiện đau buồn trong quá khứ hoặc một cơ hội bị bỏ lỡ đều có thể khiến bạn cảm thấy không vui khi nhớ lại. Hơn nữa, dù thời gian đã qua lâu nhưng những ký ức tồi tệ này nếu vẫn cứ hiện về trong tâm trí thì có nghĩa là bạn chưa hoàn toàn buông bỏ được nó.

Khi nhớ lại những việc đau buồn trong quá khứ, chúng ta lại tự dày vò bản thân bằng những câu hỏi: “Điều gì xảy ra nếu mọi chuyện khác đi?”; “Tại sao mình lại hành động như vậy?”; “Tại sao không làm như thế này?”; “Tại sao không thể quên đi điều tồi tệ này?”…

Bạn cảm thấy đau lòng vì đang còn mắc kẹt trong quá khứ. Thực ra, quá khứ đã qua lâu rồi nhưng nỗi đau của quá khứ vẫn không thể nào quên là bởi vì bạn chưa buông bỏ nó. Nếu không muốn bị đánh gục bởi nỗi đau của quá khứ thì hãy tập trung vào hiện tại. Sau tất cả, giờ phút này mới là thời gian chúng ta thực sự có thể sở hữu.

Băng tuyết tan chảy, lá rụng về cội, con người lụi tàn theo năm tháng…Mọi thứ trên thế giới đều có quy luật sinh tồn riêng của nó. Không quan trọng bạn có đủ kiên nhẫn để chờ đợi hay không. Khi công nghệ ngày càng tiến bộ, xã hội hiện đại ngày càng chú ý nhiều hơn đến sự hài lòng và sự thỏa mãn nhất thời thì sự kiên nhẫn và tập trung của mọi người cũng bắt đầu suy giảm.

Thiên nhiên không thể chiều theo bước chân của bạn. Bởi vậy, bạn chỉ có thể tự thích ứng dần với những thay đổi và thăng trầm của thế giới mà thôi. Tất nhiên vội vàng là chưa đủ, thậm chí còn phản tác dụng. Vậy nên, đừng cố gắng làm tê liệt nỗi đau của bạn. Bạn càng cố làm tê liệt vết thương thì vết thương càng trở nên tồi tệ hơn.

Tập trung vào việc quản lý mối quan hệ của chính mình và suy nghĩ về những gì cần cải thiện trong hiện tại là cách tuyệt vời nhất. Không ai biết điều gì tốt hơn và có lợi cho bạn hơn chính bản thân bạn. Có rất nhiều sức mạnh đang tiềm ẩn bên trong trái tim mỗi người, và nó chỉ chờ bạn khám phá ra mà thôi.

Chúng ta không thể ra lệnh cho thời gian dừng lại, chúng ta chỉ có thể tôn trọng và tuân theo thời gian. Bạn sống thuận theo tự nhiên và không để mình chìm đắm trong nỗi buồn thì cơ thể sẽ vô cùng biết ơn bạn, bởi đây chính là cách mà bạn thiện đãi bản thân. 

Trúc Nhi, Tuệ Di t/h