Cho dù Úc và Trung Quốc đang cố gắng hàn gắn mối quan hệ, chính quyền Úc đã ra lệnh cho các quỹ liên quan đến Trung Quốc giảm cổ phần của họ trong các công ty khai thác đất hiếm tại Úc – động thái cho thấy việc kiểm soát các khoáng sản chủ chốt đã là vấn đề chính trị quan trọng của Úc.

dat hiem
Đất hiếm. (Ảnh: mern.gouv.qc.ca)

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) hôm 3/6 dẫn tin từ Financial Times của Anh cho biết, với lý do “lợi ích quốc gia”, Bộ trưởng Tài chính Úc Jim Chalmers đã yêu cầu Quỹ Yuxiao và 4 thực thể liên quan bán hoặc xử lý cổ phần mà họ nắm giữ tại công ty khai thác đất hiếm ở miền tây nước úc: Công ty Khoáng sản phía Bắc (Northern Minerals).

Bộ Tài chính Úc cho biết: “Quyết định trên được đưa ra dựa trên kiến nghị của Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài (FIRB) của Úc, mục đích nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và thúc đẩy việc tuân thủ khuôn khổ đầu tư nước ngoài”.

Quỹ Yuxiao trước đây cũng từng nộp đơn xin tăng gấp đôi tỷ lệ sở hữu tại Northern Minerals lên gần 20%, nhưng vào tháng Hai năm ngoái đã bị chính quyền Úc từ chối. Sau đó vào tháng Mười năm ngoái, Northern Minerals đã liên hệ với FIRB, yêu cầu cơ quan quản lý này điều tra xem liệu Quỹ Yuxiao có vi phạm lệnh trên bằng bí mật tăng cổ phần thông qua các quỹ liên quan hay không.

Theo Northern Minerals, Quỹ Yuxiao được đăng ký tại Singapore, nhưng thực tế được kiểm soát bởi Chủ tịch Wu Tao của Tập đoàn Yuxiao tại Tế Nam – Trung Quốc.

Hiện tại, Quỹ Yuxiao đã được lệnh giảm tỷ lệ sở hữu xuống 8%, trong khi 4 quỹ và cá nhân có liên quan khác, bao gồm Black Stone Resources (đăng ký ở Quần đảo Virgin thuộc Anh) và Vận tải Quốc tế Ấn Độ Dương (Indian Ocean International Shipping and Service Company, đăng ký tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất)… đã được thông báo cần bán số cổ phần họ đã mua từ tháng Chín năm ngoái.

Thông báo về quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Úc đang vướng vào cuộc tranh luận gay gắt về “sự thống trị” của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm. Đất hiếm chủ yếu được sử dụng trong sản xuất tuabin gió, xe điện và công nghiệp quốc phòng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency), Trung Quốc kiểm soát 70% hoạt động khai thác đất hiếm và 90% công suất chế biến của thế giới.

Úc đã đưa đất hiếm vào chiến lược khoáng sản quan trọng của họ, theo đó họ muốn hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

Northern Minerals là nhà cung cấp chính các nguyên tố đất hiếm cho nhà máy lọc dầu Iluka Resources tại miền tây nước Úc.

Theo tin được CNA trích dẫn, ngoài Úc thì Canada vào năm 2022 cũng đã buộc các nhà đầu tư Trung Quốc phải bán cổ phần trong các ngành khoáng sản trọng điểm. Một số diễn biến mới như, tháng Ba năm nay nhà sản xuất than chì SRG Mining của Canada đã thông báo hủy kế hoạch đầu tư của Tập đoàn Năng lượng Mới Carbon One (Carbon One New Energy Group) của Trung Quốc; vào tháng 5, nhà sản xuất đồng Solaris Resources có trụ sở tại Vancouver cũng hủy việc bán 15% cổ phần cho Zijin Mining của Trung Quốc. Cả hai công ty đều viện dẫn các quy định đầu tư nước ngoài có liên quan là lý do cuối cùng để từ bỏ thỏa thuận.