Nhà xuất bản đa quốc gia Wiley đã đình chỉ 19 tạp chí khoa học trong tháng này, một số bị ảnh hưởng bởi gian lận nghiên cứu quy mô lớn. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, số lượng luận văn bị rút lại đã đạt mức cao mới. Số lượng “tác phẩm” từ các “công xưởng luận văn ngầm” của Trung Quốc rất lớn, chiếm tới 55% tổng số toàn cầu.

Wiley
Trụ sở chính của Wiley ở Hoboken, tiểu bang New Jersey, Mỹ. (Ảnh: Nightscream/Wikimedia Commons)

Wiley là một nhà xuất bản đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ. Trong tháng này họ đã đình chỉ 19 tạp chí khoa học do công ty con Hindawi giám sát.

Theo người phát ngôn của Wiley, nhà xuất bản đã rút hơn 11.300 bài luận văn khỏi bộ sưu tập của Hindawi trong 2 năm qua.

Đối với việc đình chỉ xuất bản này, Wiley không chỉ đổ lỗi cho hành vi gian lận trong nghiên cứu, mà còn nói rằng nguyên nhân là do nhiều yếu tố khác nhau và là một phần trong kế hoạch tích hợp danh mục sản phẩm của Hindawi và Wiley.

Wiley được thành lập vào năm 1807 và có lịch sử hơn 200 năm. Vào tháng 1/2021, Wiley mua lại Hindawi, một nhà xuất bản được thành lập ở Ai Cập vào năm 1997, với giá 298 triệu USD. Hindawi có hơn 200 tạp chí khoa học, kỹ thuật và y tế được bình duyệt.

Vào thời điểm đó, Wiley kỳ vọng rằng việc bổ sung Hindawi sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhiều lựa chọn xuất bản hơn và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các đối tác của mình. Nhưng sau đó Hindawi bị phát hiện vướng vào một vụ bê bối xuất bản học thuật.

Vào năm 2022, hàng ngàn bài luận văn từ các tạp chí Hindawi đã bị rút lại do thao túng bình duyệt ngang hàng. Vào tháng 3/2023, 19 tạp chí Hindawi đã bị xóa khỏi chỉ mục “mạng lưới khoa học” vì không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng biên tập. Vào tháng 5/2023, Wiley đã đóng 4 tạp chí của Hindawi để giảm bớt “các hoạt động có hệ thống trong quy trình xuất bản”.

Vào tháng 12/2023, Wiley thông báo rằng họ sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Hindawi và sẽ tích hợp khoảng 200 tạp chí của Hindawi vào danh mục 2.000 tạp chí của Wiley trong năm nay. Vào thời điểm đó, Wiley cũng tiết lộ rằng tạp chí của Hindawi đã mất 18 triệu USD doanh thu trong quý gần nhất so với cùng kỳ năm ngoái do bị các “công xưởng luận văn” lấn át.

Số lượng bài luận văn bị rút lại trên toàn thế giới đạt mức cao mới

Cái gọi là công xưởng luận văn là chỉ một công ty nhận ủy thác và viết luận văn thay cho khách hàng. Khách hàng thường cung cấp chủ đề, độ dài, thời gian mong muốn hoàn thành, v.v. của bài viết rồi thanh toán theo thỏa thuận. Với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, phạm vi và cường độ của hoạt động gian lận học thuật này ngày càng trở nên lớn hơn.

Theo báo cáo trên tuần báo khoa học Nature của Anh vào tháng 12 năm ngoái, tổng số bài luận văn bị rút lại trên toàn thế giới tính đến nay đã vượt quá 50.000 bài. Nhưng một số trinh thám học thuật cho rằng đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong số các luận văn không đạt tiêu chuẩn. Ước tính rằng chỉ riêng số lượng sản phẩm do các công xưởng luận văn sản xuất đã lên tới hàng trăm ngàn.

Phân tích của Nature cho thấy tỷ lệ rút lại (số lượng bài luận văn bị rút lại trên số lượng bài được xuất bản trong một năm) đã tăng hơn gấp 3 lần trong thập kỷ qua.

Những vụ gian lận quy mô lớn này chắc chắn đe dọa tính hợp pháp của ngành xuất bản học thuật trị giá gần 30 tỷ USD và uy tín của toàn bộ khoa học.

Theo một báo cáo khác trên tạp chí Nature vào tháng Hai năm nay, vào năm 2023 tất cả các nhà xuất bản đã đưa ra gần 14.000 tuyên bố rút lại, lập kỷ lục mới. Báo cáo cho biết khoảng 3/4 số lần rút lại này có liên quan đến các học giả Trung Quốc. Trong số hơn 9.600 bài luận văn bị rút lại của riêng Hindawi, có khoảng 8.200 bài đến từ Trung Quốc. Kể từ năm 2021, hơn 17.000 bài luận văn bị rút lại có liên quan đến các học giả Trung Quốc.

Công nghiệp hóa sản xuất luận văn của Trung Quốc

Các công xưởng luận văn ngầm của Trung Quốc có thể cung cấp dịch vụ một cửa từ “viết thay” đến “phát hành thay”, đồng thời có thể “sản xuất” các bài báo từ tạp chí thông thường đến tạp chí quốc tế hàng đầu, với các tiêu chuẩn tính phí khác nhau.

Vào tháng Năm năm ngoái, nhà tâm lý học thần kinh Bernhard Sabel, người làm việc tại Đại học Magdeburg ở Đức, đã cộng tác với các học giả khác để xuất bản một báo cáo điều tra trên trang web báo cáo học thuật về y tế và sức khỏe medRxiv có tiêu đề Cảnh báo thủ đoạn cho thấy làm giả luận văn y sinh học tràn lan”.

luan van
Bảng tỷ lệ các bài luận văn bị nghi ngờ gian lận (tỷ lệ trong nước và toàn cầu). Phần màu đỏ là Trung Quốc. (Nguồn dữ liệu: Báo cáo điều tra Cảnh báo thủ đoạn cho thấy làm giả luận y sinh học tràn lan” do Bernhard Sabel và những người khác công bố ngày 8/5/2023)

Báo cáo cho biết, từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ “nghi ngờ luận văn giả” tăng từ 16% lên 28%. Chỉ tính riêng năm 2020, số lượng luận văn giả trong cộng đồng y sinh ước tính vượt quá 300.000 bài. Các quốc gia có tỷ lệ luận văn giả cao nhất là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập và Ấn Độ. Tuy nhiên, xét ở góc độ thuần túy định lượng, Trung Quốc chiếm tới 55% tổng số luận văn giả trên thế giới.

Báo cáo cho biết, các công xưởng luận văn ngầm chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Anh và Mỹ. Nếu giả sử mỗi luận văn giả có giá trung bình 10.000 USD thì “doanh thu” hàng năm của ngành này có thể lên tới 3-4 tỷ USD. Không chỉ các công xưởng luận văn được hưởng lợi từ việc này mà trong một số trường hợp cực đoan, các biên tập viên và nhà xuất bản của một số tạp chí nhỏ còn thu phí tác giả.

Theo Bernhard Sabel, bản thân ông đã được công xưởng luận văn cố gắng tuyển dụng và được trả lương hậu hĩnh. “Sự cám dỗ vẫn còn khá lớn,  quả thật là có thể nghỉ hưu với số tiền này,” ông nói.

Theo tính toán của ông Sabel, quy mô công nghiệp của các công xưởng luận văn ngầm của Trung Quốc ước tính vào khoảng 1,65 tỷ USD đến 2,2 tỷ USD mỗi năm. Ông ước tính dựa trên dữ liệu năm 2020, với trí tuệ nhân tạo, quy mô ngành này hiện tại có thể sẽ cao hơn.

Sở dĩ lĩnh vực y sinh trở thành lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn gian lận luận văn là do các bác sĩ và học giả Trung Quốc lấy số lượng bài luận văn được công bố làm tiêu chí thăng tiến.

Theo Dịch Phàm, Epoch Times