Na Uy tuyên bố vào ngày 22/5 công nhận quy chế nhà nước của Palestine, biện pháp được Na Uy cho hay để Israel và Palestine cùng chung sống trong hòa bình và an ninh; sau đó cả Ireland và Tây Ban Nha đều tuyên bố công nhận nhà nước Palestine. Đáp lại, Ngoại trưởng của Israel đã ngay lập tức ra lệnh triệu hồi các đại sứ Israel tại Ireland và Na Uy, đồng thời cho rằng động thái này có thể tác động sâu sắc đến tình hình ở Trung Đông.

Palestine 1
Người biểu tình tuần hành tại Place de la Republique ở Brussels với lá cờ Palestine khổng lồ trong cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine và yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, vào ngày 11/11/2023. (Ảnh: JOHN THYS/AFP qua Getty Images)

Các nước gồm Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland ngày 22/5 đã công nhận nhà nước Palestine, hiệu lực của tất cả đều vào ngày 28/5. Hiện tại, hơn 140 nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã công nhận nhà nước Palestine, nhưng còn một số nước quan trọng trong Liên Hiệp Quốc như Mỹ, Anh chưa chính thức công nhận.

Thủ tướng Jonas Gahr Støre của Na Uy đã đích thân tuyên bố vào ngày 22/5 rằng ông công nhận Palestine là quốc gia độc lập. Ông cho rằng cuộc chiến ở Gaza đã cho thấy rõ ràng việc giải quyết vấn đề Palestine là cơ sở để đạt được hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Ông Støre nhấn mạnh việc công nhận tư cách nhà nước của Palestine để Israel và Palestine cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh, là giải pháp khả thi duy nhất và là vì “lợi ích tốt nhất” của Israel. Ông hy vọng các nước khác sẽ noi theo Na Uy.

Quyết định của Na Uy được đưa ra trong bối cảnh Israel tấn công Gaza, khiến 100.000 người phải sơ tán và hạn chế nghiêm trọng dòng viện trợ, làm tăng nguy cơ nạn đói trong khu vực. Quan điểm của Na Uy nhấn mạnh quyền cơ bản của Palestine trong việc thành lập một nhà nước độc lập, đồng thời hy vọng động thái sẽ thúc đẩy việc hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước. Quyết định này cũng đánh dấu bước tiến quan trọng sau hơn 30 năm từ khi Hiệp định Oslo được ký kết năm 1993. Chính phủ Na Uy lưu ý rằng người Palestine đã có được bước tiến quan trọng hướng tới giải pháp hai nhà nước Hiệp định Oslo.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Palestine vào năm 2011 đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng để trở thành một quốc gia, họ đã thành lập các thể chế nhà nước có khả năng cung cấp các dịch vụ quan trọng cho người dân.

Tương tự, Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez vào ngày 22/5 cũng tuyên bố trước Quốc hội rằng Tây Ban Nha công nhận nhà nước Palestine và hiệu lực từ ngày 28/5.

Trong vài tháng qua, ông Sanchez – một thành viên của Đảng Công nhân Xã hội – đã tới một số nước châu Âu và Trung Đông để thúc đẩy ủng hộ việc công nhận một nhà nước Palestine và lệnh ngừng bắn ở Gaza. Ông đã nhiều lần nói rằng ông cam kết công nhận một nhà nước Palestine.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alvarez cho biết ông đã thông báo với Ngoại trưởng Mỹ Blinken rằng Chính phủ Tây Ban Nha sẽ công nhận nhà nước Palestine. Trước đó, Ngoại trưởng Katz của Israel đã ra lệnh triệu hồi đại sứ tại Ireland và Na Uy, cho rằng hai nước này đang gửi thông điệp tới người Palestine và thế giới về việc “ủng hộ khủng bố”.

Một trường hợp khác, Chính phủ Ireland ​​cũng dự kiến vào ngày 22/5 công bố công nhận Palestine là quốc gia độc lập. Thủ tướng Harris của Ireland cho rằng động thái này là để phối hợp với nền kinh tế của Na Uy và Tây Ban Nha, nhằm giúp cuộc xung đột giữa Israel và Palestine hướng tới giải pháp hai nhà nước, đồng thời cho biết thêm rằng đây là một ngày quan trọng đối với cả Ireland và Palestine.

Israel bất bình

Ngoại trưởng Israel Katz ra lệnh ngay lập tức triệu hồi đại sứ Israel tại Ireland và Na Uy, cho rằng động thái này có thể tác động sâu sắc đến tình hình Trung Đông.

Ông Katz nói trong một tuyên bố: “Ireland và Na Uy hôm nay có ý định gửi một thông điệp tới người Palestine và thế giới: Chủ nghĩa khủng bố cần được đáp ứng”.

Ông cảnh báo rằng việc thừa nhận này sẽ cản trở nỗ lực của Israel trong việc giải cứu các con tin bị bắt ở Gaza, khiến khả năng ngừng bắn khó hơn, vì đó sẽ là phần thưởng cho các chiến binh thánh chiến Hamas và Iran. Đồng thời ông Katz đe dọa Israel cũng sẽ triệu hồi đại sứ tại Tây Ban Nha nếu Tây Ban Nha có lập trường tương tự.

Mỹ và hầu hết các nước Tây Âu cho biết họ sẵn sàng công nhận một nhà nước Palestine nếu người Palestine và Israel đạt được thỏa thuận, nhưng trước tiên phải giải quyết các vấn đề gây tranh cãi bao gồm biên giới cuối cùng và tình trạng của Jerusalem. Nhưng kể từ vụ tấn công khủng bố của Hamas vào Israel ngày 7/10 và các hành động trả đũa của Israel nhằm vào Gaza, các nhà ngoại giao đang xem xét lại ý tưởng gây tranh cãi này.

Trước đó vào năm 2014 đã có thành viên Tây Âu đầu tiên công nhận nhà nước Palestine là Thụy Điển – nơi có cộng đồng người Palestine đông đảo. Sau đó nhà nước Palestine đã được 6 nước châu Âu khác công nhận, gồm Bulgaria, Síp, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Romania.