Lần thứ hai trong nửa năm, Công đoàn kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm trong tuần của lao động khu vực tư nhân từ 48 xuống 44, tiến tới 40 giờ.

y ho tro 13 ty do la cho cac doanh nghiep tai viet nam
Công nhân lắp ráp một xe Piaggio của Ý tại nhà máy ở khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: songv.vinhphuc.gov.vn)

Tại diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 26/5, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty Changshin Việt Nam ở Đồng Nai, kiến nghị giảm thời gian làm việc trong tuần của lao động trong doanh nghiệp (khu vực tư nhân) cho phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực.

“Việc giảm giờ làm sẽ tạo điều kiện cho lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe, chăm lo cho gia đình”, ông Tú nói.

Ông Tú cho rằng muốn thúc đẩy năng suất lao động thì doanh nghiệp cần đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, thay thế thủ công lạc hậu chứ không phải chỉ phụ thuộc giờ làm.

Chính phủ cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, quy trình nhập khẩu đơn giản và linh hoạt.

Bộ luật Lao động quy định người làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 tiếng mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Quy định này duy trì sau nhiều lần sửa luật, được cân nhắc trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp, phải kéo dài thời gian làm việc.

Trong khi đó, giờ làm khu vực nhà nước 40 tiếng mỗi tuần, 8 tiếng mỗi ngày được điều chỉnh bởi Quyết định 188/1999 của Thủ tướng. Quy định nhằm nâng cao hiệu suất làm việc của công chức, viên chức, xử lý công việc hành chính gói gọn trong năm ngày. Việc này cũng nhằm tiết kiệm chi phí điện, nước và nhiều khoản khác do ngân sách chi trả.

Đề xuất xây dựng lộ trình giảm giờ làm việc trong tuần của lao động khối doanh nghiệp từng được nêu nhiều lần trong một năm qua. Tại Đại hội Công đoàn tháng 12/2023, công đoàn các cấp nói lộ trình giảm giờ làm việc tiến tới 40 giờ mỗi tuần là mong mỏi của nhiều công nhân.

Thống kê cho thấy lao động Việt Nam năm 2011 làm ra 70,3 triệu đồng, đến năm 2021 đạt gần 172 triệu đồng. Sau 10 năm, năng suất lao động tăng 2,5 lần, song vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực.

Kết quả thống kê của Cục An toàn lao động năm 2019 Việt Nam có số giờ làm việc thuộc nhóm cao ở Đông Nam Á, trong khi ngày nghỉ lễ thuộc nhóm thấp nhất. Cụ thể, tính riêng thời gian làm việc trong năm của người Việt khoảng 2.320 giờ, thấp hơn Philippines, Malaysia, Thái Lan và cao hơn Singapore, Indonesia, Lào và Campuchia.

Trước đó, trong báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế – xã hội.

Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Minh Long