Chủ tịch nước Tô Lâm đã tham dự buổi thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, hai ngày sau khi nhậm chức. Dự thảo luật được Bộ Công an đưa lên khi ông Lâm còn tại vị Bộ trưởng. 

luat canh ve sua doi
Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi thảo luận tại tổ về luật Cảnh vệ sửa đổi. (Ảnh chụp màn hình video/quochoitv.vn)

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ tịch nước Tô Lâm nói: “Công tác cảnh vệ được chúng tôi xác định là không có ai bảo vệ tốt bằng nhân dân”.

Theo đó, ông Lâm cho rằng thực tiễn trên yêu cầu cần phải hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các nội dung của luật nhằm tạo hành lang pháp lý, cũng như nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong công tác cảnh vệ.

“Bảo đảm an ninh, an toàn cho lãnh đạo – đối tượng cảnh vệ – là yêu cầu quan trọng nhất. Nhưng bên cạnh đó, công tác cảnh vệ còn có ý nghĩa về lễ tân nhà nước, đó là nghi thức quốc gia. Đây là tập tục quốc tế chung, đáp ứng cho yêu cầu của đối ngoại”, ông Lâm nói.

Nguyên tắc chung là các đoàn khách quốc tế phải chấp hành theo quy định pháp luật của nước sở tại. Do đó, có những yêu cầu đặt ra các bên phải đàm phán. Cảnh vệ phải xử lý tình huống khi nguyên thủ nước ngoài muốn tiếp xúc với quần chúng “nhưng nếu xảy ra chuyện sẽ rất nguy hiểm”, theo lời ông Lâm.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu nhất trí với quy định bổ sung khoản 6 Điều 10 dự thảo Luật: “Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này”. 

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tuấn – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang có đưa ra ý kiến rằng nếu chấp nhận nội dung sửa đổi bổ sung tại Khoản 6, Điều 10 như trên và Khoản 4a Điều 25 về trách nhiệm của Bộ Công an “Quy định cụ thể về biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này”, thì cần thiết phải bổ sung 1 khoản mang tính nguyên tắc riêng vào Điều 5 “Nguyên tắc công tác cảnh vệ”, Luật hiện hành; nguyên tắc này liên quan đến bảo vệ quyền con người để đảm bảo việc hướng dẫn của Bộ Công an khi áp dụng các biện pháp cảnh vệ sẽ đảm bảo quyền con người, quyền công dân được quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy đinh: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Vào chiều 20/5, trong chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ông Tô Lâm khi này còn là Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ .

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay dự thảo bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; đồng thời bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng phù hợp (trong phạm vi, thời gian nhất định).

Cơ quan thẩm tra – Ủy ban Quốc phòng An ninh của Chính phủ đồng ý với các quy định được đề xuất trong dự thảo luật sửa đổi.

Nguyễn Quân