Theo “Ming Pao” (Minh Báo), trong dịp kỷ niệm 35 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, tính đến 23h30 (giờ địa phương) hôm thứ Ba (4/6), cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 2 người đàn ông và 2 phụ nữ, tuổi từ 23 đến 69, tại Wan Chai và North Point. Nhưng người dân Hồng Kông tại hải ngoại vẫn từ chối lãng quên ngày này.

Embed from Getty Images

Ngày 4/6, nhân kỷ niệm 35 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một phụ nữ ở vịnh Causeway, nơi từng tổ chức các buổi thắp nến tưởng niệm gần đó. (Ảnh: Getty Images)

Thứ Ba (4/6) là ngày kỷ niệm 35 năm biến cố ngày 4/6/1989. Tại khu vực công viên Victoria và vịnh Causeway của Hồng Kông, nơi các buổi thắp nến tưởng niệm từng được tổ chức hàng năm, một lượng lớn cảnh sát đã canh gác vào đêm đó và chặn bắt một số người vào Công viên Victoria.

Một số người dân tiếp tục đến công viên Victoria để tưởng niệm bằng nhiều cách khác nhau như đi dạo. Một số người đang ngồi trên ghế dài ở công viên Victoria và bật đèn điện thoại di động. Nhưng các cảnh sát đã tiến tới ngăn cản, cáo buộc họ tội kích động.

Cảnh sát Hồng Kông cho biết, chiều hôm đó, một phụ nữ 68 tuổi đã hô khẩu hiệu tại nơi công cộng trên phố Yee Wo ở Wan Chai. Bà bị bắt vì nghi ngờ vi phạm Điều 24 của “Pháp lệnh Duy trì An ninh Quốc gia” với “các tội liên quan đến kích động”.

Đó chính là bà Vương Phượng Dao, người thường xuyên tham gia các phong trào xã hội. Khi đó bà đã hô vang các khẩu hiệu như “Bình phản Lục Tứ”, “Truy cứu trách nhiệm vụ thảm sát”, “5 cương lĩnh lớn, không thể thiếu một”.

Theo Kyodo News, tối ngày 4/6, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một người đàn ông Nhật Bản 43 tuổi đang tổ chức lễ tưởng niệm ở công viên Victoria và đưa về đồn cảnh sát gần đó. Người đàn ông đánh trống tuần hành trong công viên và được truyền thông Hồng Kông phỏng vấn. Sau đó ông đã được thả.

Từ thứ Hai (3/6), cảnh sát Hồng Kông đã điều động hàn trăm cảnh sát bảo vệ công viên Victoria và vịnh Causeway suốt ngày đêm, đồng thời cử xe bọc thép và lực lượng đặc biệt chống khủng bố tuần tra.

Cảnh sát An ninh Quốc gia Hồng Kông liên tục nhắc nhở các nhân sĩ ủng hộ dân chủ Hồng Kông không được đến vịnh Causeway vào ngày 4/6.

Tối thứ Hai (3/6), nghệ sĩ biểu diễn Sanmu Chen đã dùng tay vẽ dòng chữ “8964” (ngày 4/6/1989) lên không trung trên đường phố Vịnh Causeway, và thực hiện động tác mời rượu bằng cử chỉ của mình. 2 phút sau, rất nhiều cảnh sát đồn trú đã bao vây và đưa ông đi.

Công viên Victoria đã không có ánh nến năm thứ 5 liên tiếp. Nhưng không giống với năm ngoái, năm nay là năm đầu tiên kể từ khi Điều 23 được ban hành. Cảnh sát vô cùng lo lắng và thắt chặt an ninh trong và ngoài công viên Victoria trong những ngày qua.

Người dân Hồng Kông khó có thể lên tiếng, nhưng người Hồng Kông ở nước ngoài lại dùng những cách khác để tiếp tục tưởng niệm vụ thảm sát.

Vawongsir, một họa sĩ minh họa người Hồng Kông di cư đến Đài Loan, đã công bố một tác phẩm mới vào ngày 4/6, kế thừa truyền thống sáng tác tranh minh họa Hồng Kông trong phong trào ngày 4/6.

Ông cho rằng hiện nay ở Hồng Kông, ngay cả việc đăng các bài viết về “ngày 4/6” và biểu diễn nghệ thuật biểu diễn trên Internet cũng sẽ bị bắt giữ. Người dân Hồng Kông ở nước ngoài nên dùng những biện pháp riêng để thể hiện tinh thần từ chối lãng quên vụ thảm sát Thiên An Môn.

07e4de3f 45b2 46f5 9c80 883ddb1e8268
Họa sĩ minh họa người Hồng Kông Vawongsir công bố bức tranh minh họa vào ngày 4/6, bày tỏ sự từ chối lãng quên thông qua hội họa. (Ảnh chụp màn hình của Vawongsir IG)
0dc1fa8b a53a 4326 9c2e 18d3006dfab7
Nhiều người Hồng Kông di cư sang Úc muốn tiếp tục tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn và nói với người dân địa phương về những thay đổi ở Hồng Kông. (Ảnh: Jude cung cấp)

Bình Minh (t/h)