Apple vừa yêu cầu các đại lý bán lẻ ủy quyền tại Việt Nam không được bán iPhone và Macbook trên TikTok Shop. Theo đó, Apple đã email yêu cầu các đơn vị này phải gỡ các gian hàng của mình trên nền tảng này.

TikTok
(Ảnh: nordskovmedia.dk/ Creative Commons)

Theo nội dung email của Apple, Apple nhận thấy các cửa hàng của các đại lý bán lẻ ủy quyền của hãng tại Việt Nam đã bán các sản phẩm như iPhone, Macbook, trên sàn thương mại điện tử Tiktok Shop, mà không có sự cho phép bằng văn bản từ họ. Theo thoả thuận được ký kết, các đại lý ủy quyền muốn bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử phải được sự cho phép từ Apple, chính vì thế việc này đang vi phạm các thoả thuận được ký kết.

Theo thông tin đăng trên cafef.vn, sáng 1/6, đại diện hệ thống bán lẻ hàng công nghệ Di Động Việt cho biết đơn vị đã nhận được thông báo của Apple vào ngày 23/5. Ngay sau đó hệ thống đã thay đổi kế hoạch cho các phiên live bán hàng trên TikTok và tiến hành gỡ các sản phẩm của Apple (iPhone, Macbook…) trên TikTok Shop trước 17h ngày 31/5 đúng theo yêu cầu của hãng.

Trong khi đó, một hệ thống bán lẻ khác cho rằng việc nhà “táo khuyết” cấm họ bán hàng tên TikTok là do Apple đánh giá việc bán hàng trên kênh này dựa nhiều vào việc cắt giá sâu, trợ giá mạnh, không thực sự bền vững dẫn tới việc so sánh giá không cần thiết và cũng ảnh hưởng tới các kênh offline khác đang hoạt động hiệu quả.

Kế đến việc hình ảnh của hãng bị ảnh hưởng nhiều, như: Các phiên livetream 100 tỉ đồng thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều như “lùa gà”, “không thật”. Ngoài ra còn xuất hiện những tiêu cực như nạn “buff đơn hàng ảo”, xoay vòng hàng lấy mã giảm giá…

Trong khi đó, sản phẩm như iPhone, MacBook có giá trị cao lại thường được sử dụng làm mặt hàng kéo GMV (Gross Merchandise Value – chỉ số đo lường tổng giá trị của hàng hóa đã bán trong một khoảng thời gian nhất định) cho các phiên live. Điều này giúp tổng doanh thu phiên bán hàng nhanh chóng đạt con số lớn để gây ấn tượng, nhưng doanh số bán hàng lại không cao tương xứng.

Cũng liên quan đến thương hiệu của hãng, việc trong các phiên live sản phẩm iPhone được xếp cùng hàng loạt các sản phẩm thượng vàng hạ cám từ tã, bỉm đến cả các sản phẩm nhái khác làm suy giảm hình ảnh cao cấp của thương hiệu sản phẩm dẫn đến việc Apple cấm bán các sản phầm trên nền tảng TikTok.

Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, nhận thấy xu hướng Shoppertainment (mua sắm giải trí), nhiều nhà bán lẻ công nghệ, trong đó có FPT Shop đã thử nghiệm các phiên livestream bán hàng trên nền tảng TikTok với các dòng sản phẩm vừa ra mắt và đang thu hút khách, iPhone 15 Pro Max, MacBook, tai nghe AirPods… đạt hiệu ứng và doanh thu rất tốt.

Việc này đã thu hút rất nhiều nhà bán lẻ công nghệ khác cũng tham gia kinh doanh và livestream bán hàng trên nền tảng TikTok Shop như Di Động Việt, Hoàng Hà Mobile… Trong thời gian tới, các đại lý khi muốn đưa sản phẩm trở lại sàn sẽ phải làm việc lại với Apple để đi đến thỏa thuận chung và nhiều khả năng hãng sẽ giới hạn số lượng nhà bán được phép kinh doanh iPhone, MacBook trên TikTok Shop.

Phan Vũ (t/h)