Dòng sản phẩm thép giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Mỹ Latinh đang gây nguy hiểm cho các ngành công nghiệp và việc làm tại các quốc gia này. Các nước Mỹ Latinh đang theo bước Mỹ và châu Âu, áp thuế đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

thep trung quoc
Ngày 4/4/2024, tại Tp. Talcahuano của Chile, nhà máy thép Huachipato phải đóng cửa do thép Trung Quốc bán phá giá với mức giá rẻ hơn 40%. Công nhân thép tổ chức biểu tình, treo biểu ngữ “Không thép Trung Quốc” trên hàng rào. (Ảnh: Guillermo Salgado /AFP qua Getty Images)

Trong những tuần gần đây, Mexico, Chile và Brazil đã tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc, trong đó một số nước đã tăng thuế lên gấp đôi. Dự kiến Colombia cũng sẽ làm theo.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Mỹ Latinh (Alacero), Trung Quốc xuất khẩu gần 10 triệu tấn thép sang Mỹ Latinh mỗi năm, trị giá 8,5 tỷ USD, vượt xa mức 80.500 tấn vào năm 2000.

Dòng thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào đang đe dọa lợi ích của các nhà sản xuất thép Mỹ Latinh và gây nguy hiểm cho 1,4 triệu việc làm.

Năm ngoái, xuất khẩu của Trung Quốc sang Brazil tăng 62% lên 2,9 triệu tấn.

Brazil sắp áp dụng hệ thống hạn ngạch thuế quan, nhằm ngăn chặn việc định giá hợp kim nhập khẩu. Mặc dù Trung Quốc không được đề cập trong thông báo chính thức của Brazil, nhưng những người quen thuộc với vấn đề tiết lộ rằng Chính phủ Brazil đưa ra biện pháp này, nhằm ngăn chặn chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bán phá giá các sản phẩm thép vào Brazil.

Ông Marco Polo de Mello Lopes, người đứng đầu Hiệp hội Thép Brazil (Aco Brasil), cho biết, điều này nhằm cho thế giới thấy rằng Brazil là một quốc gia có luật lệ, chứ không phải mảnh đất không người.

Thép giá rẻ của Trung Quốc đe dọa các ngành công nghiệp của Mỹ Latinh.

Đối với Brazil, việc có trữ lượng quặng sắt tốt nhất thế giới là không đủ để các nhà máy thép của họ cạnh tranh với Trung Quốc.

Lấy công ty đa quốc gia Brazil Vale SA làm ví dụ. Công ty này khai thác quặng sắt từ Brazil, phần lớn được vận chuyển đến Thanh Đảo, Trung Quốc cách xa hàng ngàn dặm và đưa vào hàng trăm nhà máy thép lớn ở Trung Quốc. Ở đó quặng sắt được chế biến thành các sản phẩm hợp kim cơ bản.

Nhưng khi một số sản phẩm thép này được bán trở lại Brazil, giá lại thấp hơn nhiều so với giá của các công ty trong nước như Gerdau, CSN và nhà máy thép ArcelorMittal.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Colombia.

Nhà sản xuất thép Colombia Paz del Río đã yêu cầu Chính phủ tăng thuế nhập khẩu để giúp công ty có lãi trở lại.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước, ông Fabio Galán, giám đốc điều hành của công ty, cho biết thép Trung Quốc đang được bán ở Colombia với mức giảm giá 50%.

Công ty này cho biết, dòng hợp kim Trung Quốc tràn vào không chỉ gây nguy hiểm cho việc làm tại địa phương, mà còn thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu từ Brazil và Mexico. Trong năm tính đến tháng Tư, có khoảng 92% lượng thép dây nhập khẩu đến từ Trung Quốc và Nga.

Mặc dù lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ Latinh tăng mạnh và gây bất lợi cho các nhà máy thép trong nước, nhưng sản phẩm thép này chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng sản lượng 1 tỷ tấn hàng năm của các nhà máy thép Trung Quốc.

Điều này làm giảm khả năng chính quyền ĐCSTQ sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa do các nước Mỹ Latinh tăng thuế quan.

Một số chuyên gia cho rằng việc tăng thuế vẫn chưa phải là giải pháp hoàn hảo đối với các nước sản xuất thép ở Mỹ Latinh. Một lý do là thuế quan sẽ làm tăng chi phí trong ngành khai thác mỏ.

Ông Francisco Urdinez, giám đốc Nucleo Milenio Iclac, một tổ chức tư vấn của Chile nghiên cứu quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh, cho biết cần phải ứng phó với những khó khăn do toàn cầu hóa kinh tế gây ra. Nhưng tăng thuế quan không phải là giải pháp cơ bản.

Ông Humberto Barbato, giám đốc điều hành hiệp hội công nghiệp điện tử Brazil Abinee, cho rằng tại Brazil, việc tăng thuế là không đủ để ngăn chặn việc bán phá giá vì Brazil là nước tiêu thụ thép lớn. Thay vào đó, Chính phủ nên ưu tiên thu mua các sản phẩm thép có hàm lượng nội địa hóa cao.

Ông nói, các công ty Trung Quốc rất linh hoạt trong việc thay đổi giá cả.

Theo WorldSteel, ngày 16/5, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng bắt đầu điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá (AD) đối với thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc nếu phát hiện hàng nhập khẩu đó đang bị bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp địa phương. Cuộc điều tra sẽ kết thúc trong vòng một năm nhưng không quá 14 tháng.

Hôm thứ Ba (14/5), chính quyền Biden đã tuyên bố áp thuế nhập khẩu cao đối với một số sản phẩm của Trung Quốc. 7 loại sản phẩm chính sẽ bị ảnh hưởng, bao gồm thép và nhôm, chất bán dẫn, pin, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời, cần cẩu từ tàu tới bờ và các sản phẩm y tế.

Theo dữ liệu từ Hải quan Việt Nam, tháng 4/2024, lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục leo cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa. Đáng chú ý, thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%.

Thống kê cho thấy thương mại nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng mạnh khi Mỹ định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách tăng thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích, doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ thông qua Việt Nam để tránh thuế cao.

Bình Minh (t/h)